Ngày 28/11, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức Hội thảo “Thông tin chính sách về lao động, việc làm và an sinh xã hội” tới các bộ, ngành, địa phương, đối tác quốc tế và doanh nghiệp FDI.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh cho biết, việc bảo đảm việc làm và an sinh xã hội cho người dân là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên, là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và xã hội, luôn được Đảng và Nhà nước quan tâm. Qua đó, góp phần tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế, giữ vững ổn định chính trị, đồng thời thể hiện cam kết của Việt Nam với quốc tế trong thực hiện Mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030.
Những năm qua, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành đã ban hành nhiều văn bản nhằm thể chế hóa các quan điểm, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước về lao động, việc làm và an sinh xã hội, trong đó có 02 văn bản rất quan trọng đó là Luật Việc làm và Luật Bảo hiểm xã hội.
Thực hiện Chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, Bộ Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội được giao chủ trì soạn thảo Đề án xây dựng Luật Việc làm và Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi trong năm 2023-2024.
Thời gian qua, Luật Việc làm và Luật Bảo hiểm xã hội đã góp phần đáng kể trong việc hỗ trợ tạo, duy trì, mở rộng việc làm từ nguồn huy động của Ngân hàng Chính sách xã hội. Đặc biệt, chính sách hỗ trợ các đối tượng đặc thù đã cho thấy rõ tính hiệu quả. Mỗi năm, có hàng triệu lao động nông thôn được hỗ trợ đào tạo nghề.
Các Trung tâm dịch vụ việc làm thuộc ngành Lao động - Thương binh và Xã hội cũng thực hiện tiếp nhận và giải quyết các chế độ bảo hiểm thất nghiệp. Đã có 14,33 triệu người tham gia và đóng bảo hiểm thất nghiệp, 6,58 triệu người được hưởng trợ cấp thất nghiệp, 13,25 triệu người được tư vấn, giới thiệu việc làm… Kết dư Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp đến ngày 31-12-2022 là 59.375 tỷ đồng…
Theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, dự thảo Luật Việc làm sửa đổi đang được tập trung hoàn thiện theo hướng sửa đổi quy định về nguồn vốn cho vay giải quyết việc làm và điều kiện, đối tượng cho vay giải quyết việc làm; mở rộng đối tượng vay đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng… Đặc biệt, chú trọng chính sách hỗ trợ việc làm cho các nhóm lao động đặc thù.
Về dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi, Phó Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm xã hội (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) Trần Hải Nam cho biết, hướng sửa đổi là hướng tới bảo hiểm xã hội toàn dân. Dự thảo Luật sửa đổi cũng quy định xây dựng hệ thống đa tầng. Bên cạnh tầng lương hưu, có thêm tầng về trợ cấp hưu trí xã hội.
Tại Hội thảo, các ý kiến đều thống nhất Luật sửa đổi cần khắc phục một số tồn tại như: Hệ thống thông tin thị trường lao động chưa đồng bộ; phân tích, dự báo thị trường lao động còn hạn chế; chưa liên thông, gắn kết cơ sở dữ liệu về lao động… Đặc biệt, pháp luật đã quy định về quản lý lao động nhưng thực tế chưa quản lý được hết toàn bộ lực lượng lao động, nhất là lao động không có giao kết hợp đồng, lao động làm công ăn lương không tham gia bảo hiểm xã hội.
Luật sửa đổi cũng cần có quy định cụ thể, trực tiếp điều chỉnh nhóm đối tượng lao động phi chính thức, đồng thời, có chính sách khuyến khích doanh nghiệp tham gia đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia; bổ sung quy định liên quan thu, chi và quản lý, sử dụng phí và lệ phí đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia…