(DTTG) Từ thời xa xưa, một số dân tộc sinh sống ở Tây Nguyên như Ba Na, M’nông, Mạ, S’tiêng, B’râu... đã có tục cà răng căng tai. Họ xem đó không chỉ đơn thuần là làm đẹp, mà còn muốn chứng tỏ lòng dũng cảm, sự trưởng thành của mỗi con người.
Bà Y An: “Ngày xưa phần lớn thiếu nữ B’râu đều cà răng căng tai” |
Đánh dấu sự trưởng thành của mỗi con người
Với số dân chưa tới..., người B’râu được xem là một trong những dân tộc ít người nhất Việt Nam. Họ sống tập trung chủ yếu tại làng Đăk Mế, xã Bờ Y, huyện Ngọc Hồi (Kon Tum) với trên 500 nhân khẩu. Mặc dù có số dân ít ỏi, nhưng người B’râu có một số bản sắc văn hóa rất độc đáo, trong đó nổi bật nhất là phong tục cà răng, căng tai.
Theo quan niệm của người B’râu, việc cà răng căng tai là để gái trai đến tuổi cập kê tiến đến hôn nhân một cách thuận lợi. Với họ, một người đẹp không phải là có hàm răng đều đặn, trắng ngà mà là hàm răng phải được mài nhẵn cho đến tận lợi. Thông thường họ chỉ làm cụt ở hàm trên, còn hàm dưới không cần mài cả hàm mà chỉ mài bốn hay sáu cái là đủ. Cà răng tốn khá nhiều thời gian và cũng lắm phiền toái.
Đêm đêm giữa mênh mang đại ngàn, sau một ngày lao động trên nương rẫy, người Brâu, nhất là phụ nữ trở về nhà lại dùng lưỡi dao, chặt ra có gờ như lưỡi cưa và cứ thế từ ngày này sang ngày khác nhằm hai hàm răng mà cà. Việc làm này rất quan trọng với cả người con trai và con gái trong mỗi gia đình, bởi nó được xem là thước đo của sự trưởng thành.
Ngoài cà theo cách truyền thống, người Brâu còn sử dụng một số nhựa cây trong rừng sâu, đem đốt nóng trên lửa sao cho đến khi có màu đen và đặc sánh, dùng nó để bôi lên những chiếc răng ngắn ngủn ấy, răng càng đen bóng càng thành công.
“Ngày xưa, muốn được cộng đồng xem là người trưởng thành, tự do yêu đương thì con gái, con trai phải trải qua, khẳng định và được đánh dấu bằng một sự kiện luật tục quan trọng, đó là Lễ cà răng (Uốt pưng)”, cụ Y An (83 tuổi, ở làng Đăk Mế) chia sẻ.
Trong Lễ Uốt pưng, sau khi già làng làm nghi thức cúng Yang (trời), tiếng chiêng vang lên báo hiệu buổi lễ bắt đầu. Những đàn ông thạo việc dùng hòn đá mài liên tục vào bốn chiếc răng cửa ở hàm trên của cô gái. Đến khi cả bốn chiếc răng đều bị mòn vẹt sát đến tận lợi thì mới dừng lại. Sau đó họ đắp vào lợi một loạt cây rừng để tránh nhiễm trùng và cho vết thương mau lành.
“Hoàn thành nghi lễ cà răng người đó mới được coi là trưởng thành và có quyền tự do tìm kiếm bạn tình. Nếu không thì bị người trong làng chê cười, bạn bè khinh rẻ và không bắt được vợ chồng”, cụ Y An chia sẻ.
Ngoài cà răng, người B’râu còn làm đẹp bằng cách căng tai. Họ quan niệm rằng, lỗ tai càng căng rộng càng được người bạn tình ưa thích và dễ có người yêu. Ban đầu, người ta chỉ dùi vào dái tai một lỗ nhỏ xíu rồi luồn vào đó một cọng tre hay một thẻ gỗ nhỏ. Thế rồi mỗi ngày, họ lại thay dần vào lỗ thủng đó một cọng tre lớn hơn, cứ thế, lỗ ở dái tai cứ rộng dần!
Đến tuổi trưởng thành, lỗ thủng ở tai có thể xuyên qua một khúc ngà hay vòng đồng thật to, thật nặng. Chính sức nặng của những “đồ trang sức” đó càng ngày càng kéo vành tai căng rộng ra.
Ban đầu việc căng tai chỉ dành cho những người giàu có trong làng. Đó là những nhà có nhiều cồng chiêng, ché rượu cần quý, nhiều trâu bò... Họ căng tai càng rộng bao nhiêu thì càng tỏ ra tự hào, hãnh diện bấy nhiêu. Những người này thường dùng lỗ tai này để đeo ngà voi, các vật quý.
Chính vì quan niệm như vậy nên ngày xưa, những người B’râu thuộc giai cấp “quý tộc” thường đeo cặp bông tai làm bằng ngà voi. Họ dùng hai mẩu ngà voi làm đôi bông tai kéo đôi tai dài đến tận gò má, thậm chí dài gần đến vai. Đặc biệt khi tiếp khách, đi thăm bà con, sui gia, bạn bè, lễ hội... người ta thường đeo cặp ngà để cho thêm phần sang trọng, thể hiện sự giàu có.
Rồi về sau, việc căng tai được lan rộng ra cả làng, không chỉ người giàu, mà nghèo cũng đâm lỗ, rồi bỏ cây le, lồ ô vào để căng tai. Ngày ngày cứ vuốt ve tai sao cho lỗ càng to, càng tốt.
Có những tập tục nói trên là bởi người B’râu cho rằng, những người không cà răng, căng tai, khi chết đi, linh hồn không về được với thế giới tổ tiên ông bà. Luật tục này có lẽ ẩn chứa một ý niệm, một cách biểu đạt hay mô phỏng hình ảnh vật tổ - tô tem trâu trong tín ngưỡng nguyên thủy của người B’râu (nghi lễ này hiện không còn, dấu vết chỉ còn thấy ở người trên 50 tuổi).
Quan niệm khác biệt về cái đẹp
Không riêng gì đồng bào Brâu, nhiều dân tộc khác ở Tây Nguyên cũng có tục cà răng, căng tai, như người Ba Na, người Xơ Đăng và đặc biệt là người S'tiêng...Bởi theo quan niệm thẩm mỹ của những dân tộc này thì người nào có răng mài nhẵn tận nướu mới là đẹp, chứ không phải là hàm răng còn đều đặn với vẻ ngọc ngà.
Chính vì thế mà thanh niên, thiếu nữ tới tuổi trưởng thành đều phải tự nguyện cưa rồi cà răng, để được hội nhập vào xã hội người lớn và cũng để chứng tỏ can đảm chịu đựng được đau khổ. Cô cậu nào đã lớn mà răng vẫn còn y nguyên sẽ bị chúng bạn trêu chọc…
Theo quan niệm của người S'tiêng cho rằng, tục cà răng là để vừa bảo vệ răng chắc khỏe, không bị bệnh, đồng thời đem lại sự may mắn tốt lành. Đối với phụ nữ khi cà răng sẽ đem lại nhiều điều may mắn như được nhiều người thương yêu, dễ có chồng và hạnh phúc khi lập gia đình cũng như khẳng định được phẩm hạnh. Đối với đàn ông thì cà răng thể hiện bản lĩnh, tinh thần dũng cảm, được khen ngợi và nhiều cô gái mến mộ.
Thông thường, khi bước vào tuổi 15 thì người S'tiêng tiến hành tục cà răng. Người S'tiêng dùng dao côi đặt lên những chiếc răng muốn cà, dùng khúc cây hay hòn đá đập nhẹ cho dao côi lấn từ từ vào răng, vết lấn của dao làm răng sẽ vỡ những mảnh nhỏ cho đến khi răng vỡ được theo chủ ý.
Khi những chiếc răng bị chẻ hết đau thì tiến hành cà răng cho bằng, đều. Thiết bị để cà là những viên đá mịn (lấy dưới suối) hoặc những chiếc lá mía có cạnh sắc, cật thanh tre bén. Thời gian chẻ, cà răng thường kéo dài nên đòi hỏi sự kiên trì, bản lĩnh của người muốn thực hiện.
Cũng giống như người B’râu, ngoài cà răng, người S'tiêng còn có tục căng tai. Đây là tục lệ có từ lâu đời, thể hiện quan niệm của người S'tiêng về cái đẹp, đặc biệt đối với phụ nữ trước đây.
Người S'tiêng cho rằng khi dái tai được kéo dài là một trong những yếu tố làm cho người phụ nữ đẹp, được mến mộ. Một số ý kiến cho rằng, nếu phụ nữ không căng tai thì lớn lên sẽ dễ bị đần độn.
Khi bé gái được 5 đến 6 tuổi, người S'tiêng sẽ bắt đầu thực hiện việc căng tai cho chúng. Ban đầu, họ lấy phần miệng trái bầu khô áp vào dái tai đứa trẻ để chọn phần muốn căng. Trước khi căng, nắn dái tai bé gái cho đỏ và sưng để đỡ bị đau hơn khi lấy gai nhọn hoặc kim đâm xuyên qua, rồi dùng sợi chỉ đỏ buộc vào lỗ tai cho đến khi vết căng khô nhưng không liền da.
Sau khi lỗ tai đã lành sẹo, không còn bị viêm nhiễm, người ta thay các sợi chỉ bằng một ống cỏ tranh khô để tiếp tục nông cho lỗ căng to hơn. Tiếp tục như thế, họ dùng các ống tre to hơn để nông rộng lỗ dái tai theo thời gian. Đến kích cỡ nhất định, ống tre được thay thế bằng những đoạn được cắt đẽo từ ngà voi. Đeo càng lâu thì vành dái tai kéo căng rộng, dài, thậm chí vòng căng bị đứt.
Người có tai căng, đoạn đeo bằng ngà voi có kích cỡ lớn được cộng đồng xem là giàu sang (ngà voi là vật quý, chỉ gia đình khá giả mới có). Vành tai căng nếu đứt ra được xem là điều may mắn, người căng có thể tổ chức lễ ăn mừng tùy điều kiện kinh tế.
Bà Mết: “Chỉ có nhà giàu mới mua được bông tai bằng ngà voi” |
Bà Mết, người S’tiêng ở xã Bom Bo, huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước chia sẻ: “Ngày xưa cứ cô gái nào có dái tai dài, rộng sẽ được nhiều chàng trai tài giỏi để ý. Nhưng muốn có cái tai càng dài, càng rộng thì người phụ nữ phải chịu khó, chịu đau, phải kiên nhẫn mới được. Họ cứ căng mãi theo năm tháng đến khi nào vành tai căng bị đứt ra thì họ giết trâu tổ chức ăn mừng”.
Cũng theo bà Mết thì do giá ngà voi rất đắt, thế nên không phải ai cũng mua được. Bà bảo: “Tôi phải tiết kiệm mất mấy năm trời mới mua được một đôi bông tai và cũng chỉ dám đeo vào dịp buôn làng có lễ hội. Trước khi đeo vào tai phải tắm rửa sạch sẽ. Khi đi vệ sinh hay đi ngủ phải tháo ra bỏ vào túi vải, cất nơi cao ráo. Sau này nếu có chết đi thì tôi cũng chỉ để lại cho con cháu thôi chứ không bán đâu”.
Giờ phụ nữ S’tiêng không còn cà răng căng tai |
Hiện nay, tục căng tai không còn duy trì do quan niệm thẩm mỹ của người S'tiêng thay đổi. Phụ nữ S'tiêng sử dụng các trang sức như bông tai bằng nhiều chất liệu quý vừa có giá trị kinh tế vừa có giá trị thẩm mỹ cao.
Có thể nói, tục cà răng căng tai của người B’râu, S'tiêng nói riêng và của nhiều dân tộc khác sinh sống trên mảnh đất Tây Nguyên nói chung là một trong nhiều nét văn hóa hết sức đặc sắc. Ngày nay, do môi trường, điều kiện sống của đồng bào thay đổi làm cho quan điểm về cái đẹp hình thể cũng thay đổi nên phong tục không còn nữa. Tuy vậy, thế hệ trẻ của những dân tộc này sẽ luôn nhớ đến những truyền thống độc đáo của cha ông.