Ngôi đình làng có thể được xem là thiết chế văn hóa dân lập nhưng chịu sự quản lý của nhà nước phong kiến, là nơi hội họp của cộng đồng xã, thôn, địa điểm làm việc của hương chức. Từ đó đến nay, thiết chế văn hóa này đã được giữ gìn, tôn tạo, phát huy và tiếp tục tạo nên các giá trị mới trong xã hội đương đại, nhưng không tránh khỏi những nguy cơ lai căng, mai một các giá trị truyền thống quý báu, trong đó có nghi thức cúng bái.
Biến đổi trong nhạc lễ và nghi thức cúng đình
Phó giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Trần Thị Kiều Tôn cho biết: Theo số liệu thống kê của Bảo tàng tỉnh, hiện nay, toàn tỉnh có 24 đình được xếp hạng di tích cấp tỉnh và 6 đình được xếp hạng di tích quốc gia. Đình làng Bến Tre là nơi tập hợp đối tượng thờ tự từ nhiều nguồn gốc khác nhau, gồm: do nhà nước phong kiến đưa xuống để dân thờ phụng hoặc do người dân tự đưa vào thờ phụng. Do đó, ngoài vị Thành hoàng bổn cảnh được thờ ở vị trí trung tâm, phần lớn các đình làng Bến Tre còn phối thờ nhiều vị thần khác như: Thần nông, Thổ địa, Thổ công; Thần hổ, Ngũ hành nương nương, Bà Chúa xứ…
Hàng năm, tại các ngôi đình có nhiều lễ cúng nhưng quan trọng nhất là lễ Kỳ yên hay còn gọi là lễ cầu an. Đây được xem một lễ hội dân gian tiêu biểu của người Việt ở Nam Bộ. Lễ Kỳ yên là dịp để người dân bày tỏ lòng thành kính, biết ơn đối với vị Thần hoàng làng luôn bảo hộ, che chở dân làng vượt qua bao khó khăn, thử thách; để dâng lên Thần hoàng những lễ vật có giá trị nhất, lễ vật đó có được là do dân làng tự sản xuất, chăn nuôi.
Lễ Kỳ yên hàng năm diễn ra ở hầu hết các đình làng ở tỉnh, thông thường mỗi năm có 2 lễ cúng chính: Thượng điền và Hạ điền. Có thể kể đến là đình ở Phú Lễ, huyện Ba Tri diễn ra 2 lần/năm, với lễ Kỳ yên và lễ cầu bông. Lễ Kỳ yên diễn ra vào ngày 18, 19 tháng 3 âm lịch và lễ cầu bông diễn ra vào ngày 9, 10 tháng 11 âm lịch.
Trong lễ Kỳ yên, phần lễ được tổ chức trang trọng, trình tự các nghi thức diễn ra nghiêm túc. Toàn bộ chương trình lễ cúng diễn ra trong khoảng thời gian hơn 1 giờ, gồm các bước: quán tẩy sở (rửa mặt), thuế cân (lau tay), khởi đại cổ, minh chinh, thái bình thanh, Nghinh thiên tiếp giá, chánh hội niệm hương, chánh tế tuần tự vái cúng và trao cho lễ phẩm. Trong các nghi tiết của lễ cúng đình, nhạc lễ đóng vai trò dẫn dắt tạo không khí thiêng liêng lúc tế lễ. Nhạc lễ Kỳ yên được hệ thống hóa thành bài bản và gắn chặt với mỗi hành động và nghi tiết.
Theo tham luận của Tiến sĩ Mai Mỹ Duyên - nguyên Phó trưởng khoa Sau đại học, Trường Đại học Văn hóa TP. Hồ Chí Minh, về kiến trúc cũng như cảnh quan của một số ngôi đình hiện nay đã có nhiều thay đổi. Công tác trùng tu, tôn tạo một số di tích đình làng cũng đã phần nào làm biến đổi chất liệu một phần các cấu kiện của đình đối với những cấu kiện đã hư hoại theo thời gian không còn giữ được nguyên bản. Nhạc lễ cũng có nhiều biến đổi về số lượng nhạc công không có người kế thừa, hạn chế trong hiểu biết về thực hành nhạc lễ… Nhiều hoạt động diễn xướng đi kèm với nhạc lễ cũng đã không còn giữ được theo đúng với truyền thống do bị mai một.
Đào tạo và thực hành
Đối với vấn đề đặt ra là cần làm sao để tiếp tục bảo tồn, phát huy các giá trị truyền thống của ngôi đình làng cũng như nhạc lễ dân gian gắn liền với sinh hoạt lễ nghi ở ngôi đình, nhiều ý kiến đề xuất đều hướng đến việc cần củng cố lại việc thực hành các nghi lễ cũng như bảo tồn các di tích đình bài bản hơn. Quan trọng hơn là giáo dục cho thế hệ trẻ biết về các giá trị văn hóa truyền thống này. Tiến sĩ Mai Mỹ Duyên cho biết: Cần quan tâm đến vấn đề “đào tạo” công chúng để công chúng xem các hình thức nhạc lễ dân gian và có thể hiểu được ý nghĩa của các nghi tiết này. Điều này càng cần đến vai trò của các bộ môn giáo dục địa phương theo hướng “mưa dầm thấm lâu”, đưa nghệ thuật, lịch sử về ngôi đình cũng như nhạc lễ dân gian vào bộ môn giáo dục địa phương.
Theo anh Nguyễn Minh Ngọc - Phó bái đình An Hội (TP. Bến Tre, tỉnh Bến Tre) nhận xét: Yếu tố người kế thừa là rất quan trọng trong việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, nhất là với các nghi tiết nhạc lễ ở đình làng. Hiện ở đình An Hội cũng đang vận dụng mô hình phối hợp với các trường cho học sinh tham gia hoạt động rước sắc thần. Qua đó, giúp cho các em có thêm kiến thức cũng như ý thức về thực hành các nghi thức truyền thống dân gian.
Thạc sĩ Nguyễn Võ Nhất Duy - Chủ nhiệm Câu lạc bộ Trí thức trẻ tỉnh đề xuất, trong thời gian tới cần quan tâm công tác tuyên truyền, giáo dục, có định hướng cho học sinh tham gia các chuyến thực tế các đình làng để học sinh hiểu rõ hơn về lịch sử cũng như giá trị văn hóa truyền thống của ngôi đình. Bên cạnh đó, kết hợp với công tác truyền thông và chuyển đổi số, số hóa di tích để người dân, nhất là thế hệ trẻ tiếp cận với di tích một cách dễ dàng hơn.
Theo Tiến sĩ Mai Mỹ Duyên, việc nâng cao nhận thức, tri thức để bảo vệ giá trị di sản văn hóa, cụ thể là ngôi đình và lễ Kỳ yên trong bối cảnh kinh tế - xã hội hiện nay là vô cùng cấp thiết. Việc bảo vệ ngôi đình và lễ Kỳ yên cũng có nghĩa là bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp, góp phần khẳng định bản sắc văn hóa Việt Nam.
Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch vừa tổ chức hội thảo “Nhạc lễ dân gian và nghi thức cúng đình của người Việt ở tỉnh. Tại hội thảo, có 13 tham luận được tổng hợp vào kỷ yếu và ghi nhận 8 phát biểu ý kiến từ các địa phương, đơn vị, làm rõ các vấn đề về lịch sử, giá trị tiêu biểu của đình làng Bến Tre, diễn trình và âm nhạc sử dụng trong nghi lễ cúng đình. Nhiều ý kiến góp ý, đề xuất về biện pháp quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị nhạc lễ dân gian, nghi thức cúng đình cũng như bảo tồn và phát huy giá trị các di tích đình thần trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, tiếp tục mở ra các vấn đề về quản lý, nghiên cứu, giảng dạy và thực hành trong thời gian tới.