Đời sống xã hội

“Bem” – giá trị văn hóa của người Mảng

LH 27/11/2023 - 19:59

Bên cạnh hoạt động chính là sản xuất nông nghiệp làm nương rẫy, nhiều gia đình người Mảng (tỉnh Lai Châu) còn tích cực trong việc gìn giữ và phát huy những giá trị văn hóa có từ lâu đời, một trong số đó là nghề đan lát thủ công.

Phát huy thế mạnh văn hóa

Dân tộc Mảng thường có truyền thống đan lát thủ công độc đáo, phản ánh nền văn hóa và lối sống của họ. Các sản phẩm đan lát thủ công của dân tộc mảng thường được làm từ những nguyên liệu tự nhiên như tre, rơm, hoặc sợi dây. Các mẫu trang trí và kỹ thuật đan lát có thể phản ánh cảnh đẹp thiên nhiên, truyền thống tâm linh, hoặc câu chuyện dân gian của họ.

Nghệ nhân đan lát thủ công trong cộng đồng Mảng giữ vai trò quan trọng trong việc bảo tồn và phát huy di sản văn hóa. Công việc này không chỉ mang lại thu nhập mà còn giúp duy trì những giá trị truyền thống và tạo ra những tác phẩm nghệ thuật độc đáo. Lai Châu là tỉnh có đông đồng bào dân tộc Mảng sinh sống, với gần 6.000 người, tập trung chủ yếu tại các huyện biên giới Nậm Nhùn, Sìn Hồ và Mường Tè.

27-11.png
Bem (dong buê) có dây vắt qua ngang trán và sỏ qua tấm ván ách tì lên gáy là đặc trưng của cách vận chuyển sản phẩm của Mảng.

Nói về nghề truyền thống của người dân tộc, người ta thường nghĩ ngay tới dệt vải. Bởi vì dệt là một nghề thủ công, có vị trí rất quan trọng trong đời sống của đồng bào dân tộc. Nghề dệt của người Mảng cũng có từ lâu, song không phong phú như các dân tộc khác và không khác gì với thuở sơ khai ban đầu, cho dù cũng đã được cải tiến. Trong cộng đồng người Mảng. nhiều phụ nữ không biết dệt, mà họ chủ yếu phát triển nghề đan lát.

Do nguồn nguyên liệu phong phú và đặc trưng của cư dân nông nghiệp, nên nghề đan lát thủ công phát triển mạnh ở vùng đồng bào các dân tộc thiểu số. So với các dân tộc khác cùng địa bàn cư trú, người Mảng có kỹ thuật đan lát vượt trội. Trong cộng đồng của người Mảng, từ già tới trẻ, là nam hay nữ, hầu như ai ai cũng biết đan. Sản phẩm của họ rất phong phú, đa dạng từ các nguồn nguyên liệu chủ yếu là tre, mây, nứa, các loại dây rừng, chủ yếu vẫn là giang và mây. Công cụ người Mảng dùng để đan lát, chỉ có dao để chẻ và vót nan, vót mây, cùng chiếc dùi nhọn để chọc lỗ xuyên chỉ.

27-11-bem-la-vat-dung-khong-the-thieu-cua-nguoi-mang-khi-di-nuong.png
Bem là vật dụng không thể thiếu của người Mảng khi đi nương

Để làm ra các sản phẩm đan lát tưởng chừng như rất đơn giản này, họ đã kết hợp khối óc với đức tính cần cù, tỷ mỉ cùng khối bàn tay khéo léo và đôi mắt tinh tường của mình. Họ đã tạo ra những vật dụng thiết thực, hữu ích dùng trong sinh hoạt hàng ngày.
Không những thế, kỹ thuật đan lát của người Mảng còn phát triển vượt bậc đến mức tinh xảo, như: Mâm cúng, ghế ngồi, túi khoác, chiếu, nôi trẻ em, “Bem”, đến một số vật dụng phục vụ cho sản xuất nông nghiệp và đánh bắt cá, đan chài, giỏ đựng cá, giỏ đựng cơm, giỏ đựng thóc lép, vợt xúc cá, cót đựng lúa trên nương, sàng gạo, gùi đi nương. Ngoài ra, họ còn chủ động, sáng tạo khi đưa hoa văn họa tiết riêng của mình vào những vật dụng này.

Đặc biệt khi nói tới giá trị văn hóa vật chất, thì “Bem” là một vật dụng không thể không nhắc tới. “Bem” được chuyên dùng đựng quần áo, là một sản phẩm có giá trị trong nghề đan lát cùa người Mảng.
Trưởng ban Nậm Ô, xã Nậm Ban, ông Lý Văn Quân cho biết: “Bem được coi là một sản phẩm tiêu biểu, chuẩn mực và đánh giá cao. Đây là một vật dụng đòi hỏi người đan lát thủ công phải có trình độ kỹ thuật, mỹ thuật cao. Do vậy, đối với người Mảng, chỉ có nam giới mới dám nhận công việc này”.

Những sản phẩm có giá trị đó đã tạo nên sự hấp dẫn, cuốn hút các dân tộc anh em sống ở cùng khu vực cư trú của người Mảng, như đồng bào dân tộc Mông, Lự, Tày, Thái, Dao rất ưa chuộng. Là nghề thủ công truyền thống, các sản phẩm đan lát của người Mảng không chỉ đáp ứng cho việc tiêu dùng mà còn là giá trị trao đổi. Từ những sản phẩm đan lát thủ công của mình, người Mảng đã mang trao đổi hoặc bán lấy tiền mua gạo và các nhu yếu phẩm khác. Xét về góc độ kinh tế, các sản phẩm đan lát thủ công mang giá trị văn hóa đó đã trở thành hàng hóa.

Mở hướng thoát nghèo

Trong xu hướng hội nhập quốc tế như hiện nay, ngoài khó khăn về kinh tế, những nét văn hóa của dân tộc Mảng cũng dần bị mai một và đứng trước nguy cơ đồng hóa cùng các dân tộc trong vùng. Đã có không ít các sản phẩm thủ công của đồng bào dân tộc thiểu số được xuất khẩu thành hàng hóa với số lượng lớn, mang lại nguồn lợi dồi dào cho đất nước và cải thiện đời sống cho người dân.
Tuy nhiên, sản phẩm thủ công khó cạnh tranh với hàng hóa công nghiệp giá rẻ, tiện dụng đang có trên thị trường, kỹ thuật đan lát dù có điêu luyện đến mấy và phổ biến rộng đến đâu hoặc được các dân tộc anh em ưa chuộng, tiêu dùng thì nghề thủ công vẫn khó phát triển. Giá trị sản phẩm của đồng bào bán ra còn thấp, khó tiếp cận với thị trường lớn, sức mua không ổn định sẽ làm cho các ngành nghề truyền thống của đồng bào dân tộc ngày càng mai một dần. Tất yếu sẽ dẫn tới mất nghề truyền thống và mất đi bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc đó.

Theo Quyết định số 1227/QĐ-TTg, ngày 14/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt danh sách các dân tộc còn gặp nhiều khó khăn, có khó khăn đặc thù giai đoạn 2021-2025, dân tộc Mảng được xếp vào nhóm các dân tộc có khó khăn đặc thù.

Đề án: “Phát triển kinh tế-xã hội vùng các dân tộc Mảng, La Hủ, Cống” trên địa bàn tỉnh Lai Châu giai đoạn 2013-2020 (Quyết định số 370/QĐ-UBND, ngày 21/4/2015). Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Lai Châu đã cụ thể hóa các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước triển khai nhiều chương trình, dự án phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số nói chung và dân tộc Mảng, La Hủ nói riêng, là nguồn động lực lớn mở lối cho đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó có dân tộc Mảng thoát nghèo.
Ông Hà Văn Ruệ, Trưởng Văn hóa thông tin huyện Nậm Nhùn cho biết: “Thời gian tới huyện Nậm Nhùn có nhiều giải pháp để gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Mảng. Trong đó, có các lớp truyền dạy nghề đan lát cho đồng bào Mảng”.

Bên cạnh việc phát triển kinh tế nhằm nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống. Đề án còn góp phần gìn giữ và bảo tồn giá trị văn hóa. Đan lát là nghề thủ công phổ biến của người Mảng. Hy vọng rằng, đồng bào dân tộc Mảng sẽ phát huy thế mạnh của mình. Bởi, nghề đan lát của dân tộc Mảng không những có giá trị trong cuộc sống, dưới góc độ văn hóa còn mang giá trị nghệ thuật.
Sắc thái riêng của mỗi tộc người, sẽ tạo nên hình ảnh của một quốc gia giàu bản sắc văn hóa. Lắng nghe, thấu hiểu lối sống riêng của mỗi tộc người, sẽ góp phần tăng cường hiểu biết lẫn nhau, giảm thiểu xung đột, thay đổi theo hướng tích cực để cùng nhau xây dựng một xã hội hài hòa, tiến bộ và văn minh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Thủ tướng: Trẻ em là hạnh phúc của mỗi gia đình, là tương lai của đất nước
Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ đầu tư cho trẻ em là đầu tư cho tương lai đất nước; làm tốt công tác này là trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể, gia đình, nhà trường, toàn xã hội.
Tin mới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO