Tiêu điểm

Bảo vệ và phát triển các dân tộc thiểu số rất ít người

Hải Thanh 03/11/2023 - 20:23

Với tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc, Đảng, Nhà nước Việt Nam luôn quan tâm tới các dân tộc thiểu số rất ít người (DTTSRIN). Vì thế, ngoài chính sách chung cho các dân tộc thiểu số, hiện đã có một số chính sách đặc thù đối với đồng bào DTTSRIN.

Theo thống kê của Ủy ban Dân tộc, trong số 53 dân tộc thiểu số của nước ta có 16 dân tộc có số dân dưới 10.000 người (Ơ Đu, Pu Péo, Si La, Rơ Măm, Brâu, Cống, Bố Y, Mảng, Lô Lô, Cờ Lao, Ngái, La Ha, Pà Thẻn, Lự, Chứt, La Hủ). Nhóm dân tộc này hiện có hơn 74.000 người, chiếm 0,08% dân số toàn quốc và 0,55% cộng đồng dân tộc thiểu số.

Đây là những dân tộc thiểu số có điều kiện kinh tế - xã hội hết sức khó khăn, trình độ dân trí còn nhiều hạn chế, nhà ở điều kiện sinh hoạt và khả năng hưởng thụ các dịch vụ xã hội còn khó khăn. Bởi vậy, bảo vệ và phát triển các DTTSRIN là yêu cầu cấp bách hiện nay.

Trong những năm qua công tác dân tộc đã được các cấp, các ngành đặc biệt quan tâm, Nhà nước tiếp tục giành nguồn lực đầu tư phát triển vùng dân tộc thiểu số thông qua các chương trình dự án, hàng loạt chính sách đặc thù để đầu tư, hỗ trợ trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, y tế, giáo dục, văn hóa. Các chính sách này đã tạo động lức phát triển toàn diện cho đồng bào dân tộc thiểu số nói chung và đồng bào DTTSRIN nói riêng.

1(3).jpg
Tư vấn, cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho cộng đồng dân tộc thiểu số rất ít người nhằm đảm bảo sự phát triển đồng đều và bình đẳng giữa các dân tộc.

Sau khi Đảng ta có Nghị quyết số 24- NQ/TW, ngày 12/3/2003 của Ban Chấp hành Trung ương khóa IX “về công tác dân tộc” và nhiều văn bản khác. Với chức năng nhiệm vụ của mình, Ủy ban Dân tộc đã tham mưu Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1672/QĐ-TTg, ngày 26/9/2011 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án “Phát triển kinh tế- xã hội vùng các dân tộc Mảng, La Hủ, Cống, Cờ Lao”; Quyết định số 2123/QĐ-TTg ngày 22/11/2010 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án “Phát triển giáo dục đối với các dân tộc rất ít người giai đoạn 2010-2015”, Quyết định số 2086/ QĐ-TTg, ngày 31/10/2016 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án “Hỗ trợ phát triển kinh tếxã hội các DTTSRIN giai đoạn 2016-2025”, Quyết định số 499/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình "Bảo vệ và phát triển các DTTS rất ít người giai đoạn 2021 - 2030".

Bên cạnh đó, các địa phương cũng ban hành nhiều chính sách nhằm từng bước ưu tiên đầu tư nâng dần mức sống cho đồng bào DTTSRIN, góp phần giảm khoảng cách chênh lệch giàu nghèo trong các dân tộc thiểu số.

Và đầu tư phát triển nhóm dân tộc rất ít người là một trong các nội dung quan trọng tại Nghị quyết số 88 năm 2019 và nghị quyết số 120 năm 2020 của Quốc hội về đề án tổng thể và chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bằng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030.

lang-le.jpg
Cấp bò cái sinh sản nhằm hỗ trợ phát triển sản xuất và sinh kế cho hộ gia đình dân tộc Rơ Măm.

Bản Bãi Trâu, xã Bản Hon là một trong bốn bản trên địa bàn huyện Tam Đường (Lai Châu) được hưởng lợi từ các chính sách hỗ trợ đồng bào dân tộc rất ít người những năm qua. Bản có 24 hộ, 100% là dân tộc Lự sinh sống. Những năm trước đây, đời sống của người dân gặp không ít khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo của bản còn cao.

Theo Quyết định 1719 ngày 14/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ quyết định phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025, năm 2022 trên địa bàn huyện Tam Đường có 4 bản: Bản Thẳm, Bãi Trâu, Đông Pao 2 (xã Bản Hon) và bản Phiêng Pằng (xã Bản Bo) với 104 hộ trên địa bàn 2 xã được hỗ trợ trâu (1 con/hộ), tạo điều kiện cho bà con vươn lên phát triển kinh tế, tạo sinh kế bền vững.

Không chỉ hỗ trợ nhân dân phá triển kinh tế, cấp ủy chính quyền các cấp huyện Tam Đường quan tâm việc bảo tồn, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc Lự. Trong thời gian qua, 4 bản vùng dân tộc thiểu số đặc thù đặc biệt khó khăn trên địa bàn huyện Tam Đường được hỗ trợ 30 triệu đồng/bản để mua sắm các thiết chế văn hoá cho các nhà văn hoá bản như: bàn, ghế, tăng âm, loa đài… để phục vụ nhu cầu hội họp, sinh hoạt văn hoá, văn nghệ, thể dục thể thao, phục dựng những lễ hội truyền thống, không gian trưng bày văn hóa, những nét đẹp truyền thống văn hoá dân tộc Lự.

dsc-2645-copy20221019143612.jpg
Phát triển bản sắc văn hóa DTTSRIN.

Rơ Măm là dân tộc đặc biệt ít người đang sinh sống tập trung tại xã biên giới Mô Rai (huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum). Trước đây, đời sống khó khăn, giao thông còn nhiều cách trở. Bà con sống tập trung, ít giao lưu, tiếp xúc với các thôn, làng khác trên địa bàn. Kinh tế của người dân chủ yếu phụ thuộc vào sản xuất nông nghiệp với phương thức còn lạc hậu.

Được Đảng, Nhà nước cùng các cấp chính quyền đã quan tâm, đầu tư để bà con Rơ Măm định canh, định cư, hướng đến nâng cao kinh tế và thoát nghèo.

Hệ thống cơ sở hạ tầng được đầu tư cơ bản, hình thành trục giao thông chính dọc tuyến biên giới ngang qua làng Le. Hệ thống lưới điện Quốc gia đã phủ đến từng hộ. Hệ thống nước sinh hoạt, kênh mương thủy lợi phụ vụ sản xuất được đầu tư. Cùng với đó, con em đồng bào Rơ Măm được đến trường học và chăm sóc sức khỏe đầy đủ.

Hàng năm, người dân nơi đây còn được hỗ trợ về cây, con giống; được cán bộ khuyến nông, khuyến lâm trực tiếp hướng dẫn về áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Nhờ những nỗ lực không ngừng của bà con và chính quyền địa phương, năng suất các loại cây trồng, vật nuôi tại xã Mô Rai được cải thiện và nâng lên rõ rệt.

dan-toc-pa-then-160913554376778-1661486225792(1).jpeg
Lớp dạy dệt thổ cẩm truyền thống của dân tộc Pà Thẻn.

Bên cạnh các chính sách phát triển về kinh tế thì các chính sách về văn hóa, giáo dục cũng rất được chú trọng. Các chương trình chính sách đặc thù này đã được đầu tư có trọng tâm, trọng điểm và từng bước tạo chuyển biến ở các lĩnh vực, trong đó có giáo dục. Quyết định số 2123/QĐ-TTg ngày 22/11/2010 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Phát triển giáo dục đối với các dân tộc rất ít người giai đoạn 2010-2015 đã từng bước góp phần cải thiện tình trạng giáo dục đối với đồng bào DTTSRIN ở một số tỉnh. Cụ thể: Hỗ trợ mở lớp xóa mù tiếng phổ thông, hỗ trợ in ấn, cấp tài liệu, thiết bị dạy học; hỗ trợ đào tạo nghề...

Thực hiện dự án đầu tư phát triển 5 dân tộc rất ít người, các tỉnh như Lai Châu, Điện Biên, Nghệ An đã hoàn thành 100% việc xây dựng phòng học. Tỷ lệ huy động trẻ em, học sinh đến trường tăng hàng năm, một số dân tộc như Si La, Pu Péo, Rơ Măm không có học sinh bỏ học. Từ tháng 7/2017 đến tháng 7/2022, đã có 104.219 lượt trẻ em, học sinh, sinh viên dân tộc thiểu số rất ít người được thụ hưởng chính sách hỗ trợ học tập.

Đặc biệt, lần đầu tiên trong 15 nhiệm kỳ Quốc hội, Quốc hội có thêm đại diện của 2 DTTSRIN là Lự và Brâu.

hsdtts-144296.jpg
Đề án phát triển giáo dục đối với các dân tộc rất ít người đạt nhiều hiệu quả.

Có thể khẳng định, trong những năm qua, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chính sách quan trọng trên tất cả các lĩnh vực nhằm nâng cao chất lượng dân số; góp phần quan trọng trong việc thúc đẩy kinh tế - xã hội vùng DTTSRIN; hạ tầng cơ sở từng bước được cải thiện; đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào được nâng lên, tỷ lệ hộ nghèo ngày càng giảm.

Bên cạnh đó, việc khám chữa bệnh ngày càng được quan tâm với nhiều chính sách ưu tiên; trẻ em được đến trường học tập, rèn luyện... Những điều này đã giúp giảm dần các tệ nạn; tình hình chính trị, trật tự xã hội cơ bản ổn định; quốc phòng, an ninh biên giới được giữ vững.

Tuy nhiên, kết quả, hiệu quả các chính sách chưa toàn diện, gặp một số khó khăn. Hầu hết đồng bào nhóm DTTSRIN sinh sống ở vùng cao, vùng biên giới, khó khăn, có địa hình tự nhiên bị chia cắt. Trước những biến đổi xã hội và yêu cầu phát triển trong thời kỳ mới, đòi hỏi cần xây dựng các chính sách đặc thù, phù hợp với sự phát triển, năng lực sản xuất của đồng bào DTTSRIN với nhiều nhiệm vụ trọng tâm. Khi xây dựng và triển khai chính sách dân số cần lồng ghép trong các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, dự án phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời lồng ghép yếu tố dân số vào kế hoạch phát triển của từng ngành, từng lĩnh vực.

4a.jpg
14 dân tộc có số dân dưới 10.000 người tham dự Ngày hội văn hóa tại tỉnh Lai Châu.

Trong đó, tập trung bố trí đầy đủ nguồn lực từ ngân sách Nhà nước cho các hoạt động, nhất là bảo đảm cơ sở hạ tầng về giao thông, điện, thông tin liên lạc, giáo dục, y tế, hỗ trợ nước sách và cải thiện các dịch vụ xã hội cơ bản, thúc đẩy tinh thần vươn lên của đồng bào DTTSRIN.

Để giúp đồng bào từ bỏ dần các tập quán lạc hậu, tiếp cận với các dịch vụ y tế, giáo dục nhằm xây dựng lối sống văn hóa, vệ sinh, chăm sóc tốt sức khỏe bản thân và cộng đồng, công tác truyền thông được đặt lên hàng đầu. Do dân tộc thiểu số phần lớn có trình độ thấp, chỉ hiểu ngôn ngữ của dân tộc mình và tin theo những người có uy tín trong làng, bản nên công tác tuyên truyền cần đặc biệt chú trọng tới văn hóa, ngôn ngữ của đồng bào dân tộc, phát huy tốt vai trò của những Già làng, Trưởng bản, cộng tác viên dân số, cô đỡ thôn bản… thì mới nhanh truyền thông đến được người dân .

Có thể nói, cộng đồng DTTSRIN mặc dù chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ trong cộng đồng thiểu số nói chung nhưng minh chứng từ sự thay đổi trong đời sống, kinh tế xã hội của các cộng đồng dân tộc trên đã khẳng định chính sách của Đảng, Nhà nước đã vảo từng ngõ ngách của cuộc sống, trở thành “đòn bẩy” vững chắc trong cộng đồng xóa đói giảm nghèo, giảm dần sự chênh lệch về khoảng cách phát triển với các dân tộc khác, góp phần củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

(0) Bình luận
Nổi bật
Thủ tướng: Trẻ em là hạnh phúc của mỗi gia đình, là tương lai của đất nước
Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ đầu tư cho trẻ em là đầu tư cho tương lai đất nước; làm tốt công tác này là trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể, gia đình, nhà trường, toàn xã hội.
Tin mới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO