Đời sống xã hội

Bảo vệ rừng hiệu quả nhờ mô hình trồng cây dược liệu

Thúy Hạnh 09/01/2024 18:27

Được thiên nhiên ưu đãi, tỉnh Lâm Đồng có nhiều lợi thế về địa hình, khí hậu và quỹ đất rừng rộng được phân bố theo các tiểu vùng khí hậu đặc trưng là điều kiện vô cùng thuận lợi, để phát triển cây dược liệu có đặc tính cao, hình thành vùng nguyên liệu dược liệu lớn dưới tán rừng. Phương thức canh tác này vừa phát huy lợi thế của địa phương, vừa nâng cao thu nhập cho người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Đặc biệt, là vừa góp phần quản lý, bảo vệ rừng một cách hiệu quả.

Dưới những tán rừng thông thuộc xã N’Thol Hạ huyện Đức Trọng (Lâm Đồng), chất đất khá cằn cỗi, tưởng chừng như không cây gì sống nổi ngoài những cây thân gỗ, lá kim. Thế nhưng, ở dưới những tán rừng này, những luống cây dược liệu đang sinh trưởng và phát triển xanh tốt. Những loài dược liệu được trồng dưới tán rừng, chủ yếu là những loài dễ trồng, chăm sóc như cây xà cang, sâm đại hành, hoài sơn .v.v. Việc trồng và phát triển cây dược liệu dưới tán rừng không chỉ mang lại lợi ích kinh tế, mà còn góp phần bảo tồn nguồn gen quý, bảo vệ đa dạng sinh học của rừng tự nhiên ở Lâm Đồng.

9-1-1-bao-ve-rung.jpg
Chị Ka D’Rờng thu hoạch lá chè dây

Trồng dược liệu dưới tán rừng, phù hợp với điều kiện canh tác của nhiều nông dân, nhất là bà con dân tộc thiểu số. Điều đặc biệt hơn là những cây thuốc sống trong tự nhiên này có dược tính cao hơn, so với việc trồng thuần trên đất nông nghiệp.

Anh Lềm Thái Văn ở xã N’Thol Hạ huyện Đức Trọng, vui vẻ nói: “Cây dược liệu dưới tán rừng phát triển tự nhiên nên rất dễ phát triển. Vì vậy, người nông dân chúng tôi cũng nhàn, không chăm nhiều, chỉ việc làm cỏ để cây phát triển được tốt hơn”.

Giám đốc Công ty Thảo dược Minh Quân, huyện Đức Trọng, lương y Nguyễn Minh Tiến cho biết: “Dược tính của cây dược liệu được trồng dưới tán rừng tốt hơn là trồng riêng ở chỗ khác. Bởi, cây dược liệu trồng dưới tán rừng không phải phun thuốc, bỏ phân bón, cây được phát triển tự nhiên nhờ bóng mát dưới tán cây rừng”.

Còn ở một số vùng xa như huyện Đam Rông, huyện Cát Tiên, người dân ở đây vừa khai thức dược liệu trong rừng tự nhiên, vừa đem dược liệu về trồng tại rừng gần nhà để tiện khai thác, chế biến. Một trong những loại dược liệu được nhiều người tiêu dùng biết đến, đó là trà dây rừng (hay còn gọi là chè dây rừng). Với những công dụng tốt cho sức khỏe, trà dây rừng cùng với nhiều dược liệu khác trồng dưới tán rừng của Lâm Đồng, được nhiều người ưa chuộng, đem lại thu nhập ổn định cho người dân các địa phương. Nhằm phát huy thế mạnh về dược liệu nói chung và dược liệu dưới tán rừng nói riêng, tỉnh Lâm Đồng đã có giải pháp phát triển dược liệu bền vững trên địa bàn.

Ông Bon T’Rông Lèo, một người dân xã Liêng Srônh, huyện Đam Rông chia sẻ: “Vì có nhiều lợi ích đối với sức khỏe, nên trà dây rừng này mọi người rất hay uống. Một ký trà rừng khi còn tươi sẽ có giá là 7-8 ngàn, trà phơi khô thì giá sẽ cao hơn”.

Trà dây rừng là loại cây dược liệu quý, chỉ mọc trong khu rừng nguyên sinh. Chị Ka D’Rờng, người dân tộc Mạ ở thôn 4, xã Phước Cát 2, huyện Cát Tiên đã miệt mài tìm cách thuần dưỡng từ rừng, đem về trồng trong vườn nhà. Chị là một trong những người tiên phong trồng và sản xuất chè dây rừng thành công ở vùng núi sâu, mở ra một hướng đi mới trong sản xuất cây dược liệu, chị tâm sự: “Qua Chương trình phụ nữ khởi nghiệp, tôi đăng ký mô hình sản xuất trà dây. Tôi vừa học, vừa làm đúng 4 năm trời. Sau đó, bắt đầu có nhiều khách hàng tìm đến tôi, với mức giá bán 300.000đ/kg. Đến bây giờ tôi không cần tìm khách hàng nữa.”.
Không riêng chị Ka D’Rờng, với người Mạ và S’tiêng sống trong vùng lõi vườn quốc gia Cát Tiên, chè dây là một loại thuốc quý cho bệnh đau dạ dày, kháng khuẩn gây ung thư.

Ông Nguyễn Quang Duy, Phó Chi Cục trưởng - Chi Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Lâm Đồng, cho biết: “Đến năm 2025, chúng tôi sẽ phát triển vùng trồng dược liệu đến 2000 ha. Trong đó, tỷ lệ diện tích được chứng nhận đạt trên 50%. Tỉnh đang mong muốn và phấn đấu giá trị sản xuất bình quân /ha dược liệu, trên 800 triệu đồng/ha.
Về phát triển diện tích, chúng tôi hy vọng là sẽ đáp ứng được nhu cầu nguyên liệu cho các doanh nghiệp của tỉnh sơ chế, chế biến. 50% dược liệu sẽ được tinh chế và hình thành được ít nhất là 5 chuỗi giá trị sản xuất dược liệu có chất lượng cao, gắn với chế biến, gắn với thương hiệu. 30% dược liệu qua chế biến đạt chất lượng GMP (là từ viết tắt của cụm từ: Good Manufacturing Practice - nghĩa là thực hành sản xuất tốt). Ngoài ra thì sẽ phát triển thêm từ 15-20% các sản phẩm được chứng nhận OCOP”.

Thực tế cho thấy nguồn tài nguyên rừng của Lâm Đổng rất phong phú, với gần 539 ngàn ha. Đa dạng về hệ sinh thái rừng trong tự nhiên, tỉnh Lâm Đồng hiện có 283 họ, 2291 loại dược liệu được phân bố ở nhiều địa bàn trong tỉnh và 55 loại có tên trong sách đỏ của Việt Nam. Bên cạnh đó, 542.600 ha với hơn 16.000 hộ gia đình đang được giao khoán quản lý, bảo vệ rừng. Đây chính là tiềm năng phát triển các loại cây trồng xen giữa tán rừng, để từ đó phát huy sức mạnh địa phương, nâng cao thu nhập cho đồng bào dân tộc thiểu số.

Mô hình trồng cây dược liệu dưới tán rừng, không chỉ góp phần bảo tồn nguồn gen quý, bảo vệ đa dạng sinh học của rừng tự nhiên, giảm thiểu xói mòn. Mà còn giúp người dân nâng cao ý thức trong quản lý, bảo vệ và khai thác nguồn lợi, cho những cánh rừng thêm xanh. Trồng dược liệu dưới tán rừng là hướng đi bền vững giúp cho các hộ dân đồng bào dân tộc thiểu số có cuộc sống ổn định và ngày càng phát triển hơn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Thủ tướng: Trẻ em là hạnh phúc của mỗi gia đình, là tương lai của đất nước
Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ đầu tư cho trẻ em là đầu tư cho tương lai đất nước; làm tốt công tác này là trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể, gia đình, nhà trường, toàn xã hội.
Tin mới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO