Văn hóa

Bảo tồn văn hóa truyền thống Ê đê ở Cư Jút

Y Krak 06/04/2024 15:50

Qua 20 năm kể từ ngày tái lập tỉnh Đắk Nông đến nay, việc gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Ê đê ở huyện Cư Jút đang có những tín hiệu tích cực. Lớp trẻ đã dần tiếp nối, kế thừa và đam mê với văn hóa truyền thống của dân tộc mình.

Điểm sáng xã Tâm Thắng

Nằm cạnh dòng sông Sêrêpốk hùng vĩ, xã Tâm Thắng được biết đến là nơi giữ gìn được nhiều nét văn hóa của đồng bào Ê đê. Xã có 4 buôn đồng bào Ê đê sinh sống, gồm buôn Nui, Buôr, Ea Pô và Trum; với khoảng 800 hộ, hơn 4.900 nhân khẩu. Trải qua nhiều thăng trầm của thời gian, những nét đẹp truyền thống từ nhà dài, trang phục, ngôn ngữ,... đến tinh thần đoàn kết cộng đồng luôn được mỗi người dân trong buôn gìn giữ, phát huy.

dsc_9015(1).jpg
Nhiều nghệ nhân đồng bào Ê đê huyện Cư Jút biết chế tác, sử dụng thuần thục các loại nhạc cụ truyền thống

Về Tâm Thắng hôm nay, hình ảnh đầu tiên mà chúng ta bắt gặp là những căn nhà dài vững chãi bên cạnh những ngôi nhà xây hiện đại được bao bọc bởi vườn cà phê và cánh đồng lúa xanh ngát, tạo nên cảnh sắc yên bình. Không gian, khuôn viên nhà dài truyền thống của người Ê đê là nơi diễn ra các sinh hoạt thường ngày của mỗi gia đình và các lễ nghi truyền thống. Bên cạnh đó, đây còn là nơi lưu giữ những phong tục tập quán mang đậm bản sắc của buôn làng.

z5266249689533_05f99b3c7530464b2215a704752625c3(1).jpg
Nhà dài truyền thống được đồng bào Ê đê buôn buôn Nui giữ gìn đan xen với những ngôi nhà xây hiện đại, khang trang

Theo chị H Ngọc Êban, Bí thư Chi đoàn buôn Nui thì trước đây, thanh niên trong buôn ít quan tâm đến các hoạt động văn hóa, văn nghệ cũng như các phong trào do địa phương tổ chức. Tuy nhiên được sự quan tâm, vận động của cấp ủy, chính quyền và nghệ nhân trong buôn nên năm 2015, buôn đã thành lập được 1 đội văn nghệ dân gian với hơn 30 thành viên có tuổi đời từ 13 đến 25. Từ đó đến nay, mỗi khi địa phương diễn ra các sự kiện quan trọng thì các thành viên trong đội lại tập trung tại nhà sinh hoạt cộng đồng buôn để cùng nhau luyện tập.

dsc_8861(1).jpg
Hiện nay 6 buôn đồng bào Ê đê trên địa bàn huyện Cư Jút đều có đội văn nghệ dân gian

Nghệ nhân ưu tú Y Sim Ê ban là một trong những nghệ nhân lớn tuổi và am hiểu nhạc cụ của đồng bào Ê đê. Ông có thể chế tác và sử dụng thành thạo nhiều nhạc cụ truyền thống như cồng chiêng, đinh năm, sáo môi…

“Thời gian qua, được sự quan tâm đầu tư của Nhà nước về mọi mặt, đời sống của người dân đã được nâng lên. Đồng bào đã có điều kiện chăm lo đời sống tinh thần, đặc biệt là giữ gìn các nét đẹp văn hóa truyền thống thường xuyên được giữ gìn, bảo tồn và phát huy” – ông Y Sim Êban cho hay.

z5266248594398_1362e36d1065d8d376662f04adb64680(1).jpg
Nghệ nhân ưu tú Y Sim Êban là cánh chim đầu đàn trong việc giữ gìn và phát huy văn hóa truyền thống đồng bào Ê đê xã Tâm Thắng

Tương tự, tại buôn Buôr, cấp ủy, chính quyền xã và buôn cũng thường xuyên quan tâm tới việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống. Không chỉ khôi phục, truyền dạy cho thế hệ trẻ kỹ năng đánh chiêng, múa truyền thống, đan lát, dệt thổ cẩm…, hằng năm chính quyền xã còn phối hợp với huyện, ngành Văn hóa tỉnh tích cực phục dựng một số lễ hội truyền thống như: Lễ kết nghĩa anh em, cúng bến nước. Đặc biệt, buôn cũng đã thành lập đội múa truyền thống của người Êđê, thu hút đông đảo các thành viên tham gia.

z5266242506861_6bf67c21893f4b52775af554c5bdb120(1).jpg
Nghệ nhân ưu tú H Đá Êya là người tâm huyết giữ gìn và truyền dạy nghề dệt thổ cẩm cho đồng bào Ê đê huyện Cư Jút

Bà H Banh Bkrông, Trưởng Ban công tác mặt trận buôn Buôr chia sẻ: “Thông qua mỗi dịp đoàn tụ, sum vầy, các hoạt động văn hóa, lễ hội, các thành viên là những nghệ nhân, người cao tuổi sẽ dạy cho con cháu biết về phong tục của quê hương, dân tộc mình. Ban đầu, nhiều em còn e ngại, không mặn mà tìm hiểu, nhưng sau khi được nghệ nhân truyền dạy, hướng dẫn kỹ năng múa thì nhiều em đã tỏ ra thích thú".

dsc_88466(1).jpg
Đồng bào Ê đê Cư Jút càng vinh dự và tự hào giữ gìn khi cồng chiêng Tây Nguyên được UNESCO công nhận là kiệt tác văn hóa phi vật thể và truyền khẩu của nhân loại
Theo Báo Đắk Nông
Copy Link
(0) Bình luận
Nổi bật
Thủ tướng: Trẻ em là hạnh phúc của mỗi gia đình, là tương lai của đất nước
Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ đầu tư cho trẻ em là đầu tư cho tương lai đất nước; làm tốt công tác này là trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể, gia đình, nhà trường, toàn xã hội.
Tin mới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO