Trong những năm gần đây, không chỉ ở các thành phố lớn mà còn ở các vùng miền núi và dân tộc thiểu số (DTTS), số lượng youtuber đang ngày càng tăng lên. Họ không chỉ tạo ra nội dung giải trí mà còn đóng góp vào việc quảng bá du lịch và bảo tồn văn hóa của cộng đồng. Nhờ vào các video độc quyền và thu hút, họ đã giúp nâng cao nhận thức về các nét văn hóa đặc biệt của các dân tộc, từ đó thu hút sự quan tâm của đông đảo khán giả trên nền tảng Youtube.
Quảng bá du lịch, văn hóa
Trong những năm gần đây, sự đổi mới trong tư duy và hành động của nhiều người, đặc biệt là giới trẻ, đã tạo ra những giải pháp đáng kinh ngạc trong việc bảo tồn và phát triển văn hóa truyền thống trong bối cảnh hiện đại. Các Youtuber, như những hướng dẫn viên du lịch, đã nỗ lực giới thiệu về phong tục và con người tại các địa phương. Kênh của họ không chỉ là nguồn thông tin giới thiệu cảnh đẹp và văn hoá của miền đất nước, mà còn mang lại sự chân thực và độ chuẩn mực do được tạo ra bởi người dân trực tiếp. Điều này đã tạo ra sức lan tỏa mạnh mẽ, thúc đẩy người xem và cộng đồng mạng tham gia trải nghiệm và chia sẻ thông điệp văn hoá dân tộc.
Công nghệ số, đặc biệt là mạng xã hội và Youtube, đóng vai trò quan trọng trong việc giới thiệu và thúc đẩy du lịch và trải nghiệm văn hoá. Điều này đã giúp hỗ trợ bảo tồn và phát triển ngành du lịch Việt Nam, đồng thời tạo ra sự kết nối và sự thân thiện giữa các cộng đồng và du khách. Việc tiếp cận và khai thác mạng xã hội của các Youtuber núi rừng đang hứa hẹn trở thành một bảo tàng di động đầy tiềm năng cho từng địa phương. Họ đang chủ động sử dụng hình ảnh và thương hiệu cá nhân để quảng bá văn hoá của cộng đồng, trở thành những đại sứ thân thiện và nhiệt huyết. Trong khi đó, các phương tiện truyền thông và cách thức quảng bá truyền thống đang dần trở nên lạc hậu.
"Sứ giả" văn hoá, du lịch nhiệt huyết
Chị Tằng Liên, một phụ nữ Dao Thanh Y ở Quảng Ninh, từng là nông dân không biết nhiều về công nghệ, đã mạnh dạn lập 4 kênh YouTube và thu hút hàng nghìn người đăng ký. Ban đầu, chị chỉ muốn chia sẻ cảnh sống ở nhà và ở bản. Nhưng dần dần, kênh của chị đã trở thành một nơi truyền tải văn hóa của người dân tộc vùng núi Quảng Ninh. Chị chia sẻ rằng mong muốn của mình là để quảng bá văn hóa và cảnh đẹp của đồng bào Dao Thanh Y đến với mọi người, cũng như lưu giữ và chia sẻ những hình ảnh đẹp và truyền thống của dân tộc. Chị Liên đã tự học quay video và tự mình mày mò để mang những hoạt động văn hóa, thể thao và sinh hoạt hàng ngày của người Dao Thanh Y lên mạng.
Chị Liên cho biết: “Hồi đầu mới làm, mình không hiểu gì hết, cứ quay được gì là đăng hết lên mạng từng đó. Sau đó, mình bắt đầu học hỏi từ các Youtuber, cắt ghép hình ảnh cho gọn hơn, đẹp hơn, rồi thu âm, lồng tiếng bài hát, chỉnh sửa màu, ghép chữ”.
Chị Tằng Liên sở hữu 4 kênh Youtube với các tên gọi: Liên Quảng Ninh 1, Liên Tiên Yên, Liên Hà Lâu và Tằng Liên Em. Kênh "Liên Quảng Ninh 1" được lập sớm nhất và đã có hơn 700 video thu hút trên 3.500 lượt người đăng ký. Các kênh còn lại cũng đều có trên 1.000 lượt đăng ký. Chị Liên đã quay một video bài hát tiếng Dao, tôn vinh ơn Đảng và ơn Nhà nước, thể hiện lòng biết ơn với cuộc sống hiện đại và sự phát triển cơ sở hạ tầng. Video này nhanh chóng thu hút sự quan tâm của cộng đồng mạng, chỉ trong một ngày đã có gần 500 lượt người xem, và hiện đang vượt qua con số 11 nghìn lượt xem.
Chị Liên cho biết: “Người theo dõi kênh Youtube của mình hầu hết là đồng bào dân tộc Dao ở xã, ở các tỉnh khác trong nước, còn có cả người nước ngoài. Họ theo dõi rất thường xuyên và thích thú với những gì mình đăng tải. Nhất là những video về phong tục, tập quán, ngày lễ, ngày hội của đồng bào dân tộc Dao”.
Những nội dung mà chị Liên ghi lại rồi đăng tải lên Youtube khá dung dị và đời thường, như: Đám cưới của người Dao Thanh Y; hát đối, hát giao duyên của người Dao; giới thiệu về sản vật của Hà Lâu; cảnh đẹp quê hương; hướng dẫn cách làm một số món ăn truyền thống... Các video do chị Liên tự làm tuy còn thô mộc, nhưng đó là cả một “kho tàng” văn hóa trong đời sống thường ngày của người Dao Thanh Y, từ những phong tục tập quán, nét sinh hoạt cộng đồng, những bài hát, những lễ hội, trang phục của đồng bào dân tộc.
Nói về dự định trong tương lai, chị Liên vui vẻ: “Mình đang phát triển kênh YouTube theo hướng phản ánh đời sống, văn hóa của người Dao Thanh Y. Thông qua đó, giới thiệu được những gì đẹp nhất, hay nhất của cộng đồng mình. Cái mình hướng đến là biến kênh của mình trở thành kênh mang bản sắc của người dân tộc thiểu số”.
Dù các Video do chị Liên làm còn khá đơn giản, nhưng với lối dẫn bằng tiếng Dao mộc mạc, chân thật, có phiên âm tiếng Việt, kênh Youtube “Liên Quảng Ninh 1” thật sự đã trở thành điểm đến văn hóa của người Dao Thanh Y tại huyện Tiên Yên, tỉnh Quảng Ninh. Có thể thấy, đây chính là sự sáng tạo, nhanh nhạy của đồng bào DTTS khi tiếp cận công nghệ 4.0 trong xu thế hội nhập và phát triển, từ đó vừa gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc, vừa tự tin, hòa nhập với cộng đồng thế giới./.