Đời sống xã hội

Bảo tồn và phát huy nghề thủ công truyền thống của dân tộc thiểu số

Ngọc Chí 15/05/2024 - 11:30

Cộng đồng các dân tộc thiểu số (DTTS) tỉnh Kon Tum có rất nhiều nghề thủ công truyền thống độc đáo, gắn liền với phong tục, tập quán, tín ngưỡng, nghi lễ, sinh hoạt đời sống cộng đồng, mang đậm nét văn hóa truyền thống. Tuy nhiên, trong quá trình hội nhập và phát triển, cũng có không ít nghề truyền thống đứng trước nguy cơ mai một. Trước thực tế này, cùng với nguồn lực đầu tư của Nhà nước, nhiều nghệ nhân ở các bản làng, bằng nhiều cách đã quyết tâm gìn giữ và truyền lửa đam mê cho thế hệ trẻ mai sau.

Những nghệ nhân tâm huyết

Vốn đam mê với các loại nhạc cụ truyền thống từ khi còn nhỏ, nghệ nhân ưu tú A Thuih ở làng Kon Trang Long Loi, thị trấn Đăk Hà, huyện Đăk Hà đã có nhiều đóng góp trong việc truyền dạy cách chơi và chế tác các loại nhạc cụ truyền thống, như: Đàn T’rưng, Klông pút, Ting ning cho thế hệ trẻ trong làng.

Ông không chỉ là người tiếp thêm ngọn lửa đam mê văn hóa truyền thống cho lớp trẻ, vực dậy phong trào văn hóa, văn nghệ nơi đây, mà còn là người tích cực quảng bá, giới thiệu những nét văn hóa đặc sắc của người Ba Na đến với du khách gần xa.

Nghệ nhân ưu tú A Thuih (ngoài cùng bên phải) hướng dẫn người dân trong làng trình diễn nhạc cụ truyền thống của dân tộc
Nghệ nhân ưu tú A Thuih (ngoài cùng bên phải) hướng dẫn người dân trong làng trình diễn nhạc cụ truyền thống của dân tộc

Nghệ nhân ưu tú A Thuih chia sẻ: Nguyện vọng của tôi là cố gắng truyền nghề lại cho thế hệ trẻ và người dân trong làng, sợ mai mốt tôi mất thì nó mai một hết không còn truyền thống của dân tộc nữa. Ông già hồi trước dạy tôi như thế nào, thì tôi phải duy trì lại, phải dạy lại cho thế hệ trẻ.

Bên cạnh nghề đan lát dành cho đàn ông, hiện nay nghề dệt thổ cẩm cũng được các mẹ, các chị gìn giữ, lưu truyền và phát triển ở hầu khắp các thôn làng vùng đồng bào DTTS tỉnh Kon Tum. Như những cô gái Ba Na tại làng Plei Tơ Nghia, phường Quang Trung, thành phố Kon Tum, từ khi 7 tuổi, chị Y Thoach đã theo mẹ học dệt thổ cẩm. Do đam mê, lại chăm chỉ, gần 40 năm miệt mài với khung cửi, chị trở thành một trong những nghệ nhân có tay nghề cao của Tổ dệt trong làng. Ngoài kỹ thuật dệt thông thường, chị Y Thoach là một trong số ít người nắm giữ được kỹ thuật dệt thêu gần như đã bị thất truyền.

Chị Y Thoach (ngoài cùng bên trái) vẫn đang gìn giữ nghề dệt truyền thống của dân tộc
Chị Y Thoach (ngoài cùng bên trái) vẫn đang gìn giữ nghề dệt truyền thống của dân tộc

Chị Y Thoach cho biết: Giờ dệt thêu thì hiếm người dệt được, những người già thì họ không còn dệt được do họ không thấy đường. Dệt thêu cũng mất nhiều thời gian và công sức. Dệt cái khăn như bình thường mất 1 tháng, thì dệt thêu phải mất 2 tháng. Mình phải thêu từng sợi chỉ một, hoa văn nổi, sống động và tinh xảo hơn so với cách dệt thông thường rất nhiều.

Kon Tum hiện có 43 dân tộc anh em sinh sống, trong đó, đồng bào DTTS chiếm gần 55% dân số. Những năm qua, thực hiện Đề án Bảo tồn và Phát triển nghề truyền thống các DTTS tại chỗ trên địa bàn tỉnh Kon Tum, công tác bảo tồn phát triển nghề truyền thống các DTTS trong tỉnh đã có nhiều chuyển biến.

Ngoài lớp nghệ nhân ưu tú lớn tuổi, hiện nay trên địa bàn tỉnh cũng xuất hiện nhiều nghệ nhân ưu tú có tuổi đời còn khá trẻ như: Nghệ nhân ưu tú A Thu ở thôn Đăk Rô Gia, xã Đăk Trăm, huyện Đăk Tô; nghệ nhân ưu tú A Thui ở thôn Kon Trang Long Loi, huyện Đăk Hà; nghệ nhân ưu tú A Huynh, ở thôn Làng Chốt, thị trấn Sa Thầy, huyện Sa Thầy và nhiều nghệ nhân khác ở khắp các địa phương trong tỉnh. Họ là những người tiếp nối niềm đam mê về văn hóa và phát triển các nghề truyền thống của ông cha.

Tạo sinh kế từ nghề truyền thống

Với đôi tay khéo léo, làm ra nhiều sản phẩm đẹp, phong phú, từ lâu ngôi nhà nhỏ của nghệ nhân A Hùng (dân tộc Ba Na) đã trở thành một trong những điểm tham quan của du khách mỗi khi đến với Làng du lịch cộng đồng Kon Kơ Tu, xã Đăk Rơ Wa, TP. Kon Tum. Đam mê với nghề truyền thống từ nhỏ, nghệ nhân A Hùng không chỉ giỏi về đan lát mà còn biết tạc tượng và làm các đồ thủ công mỹ nghệ, nhất là mặt nạ bằng gỗ.

Nghề đan lát giúp nghệ nhân A Hùng có thêm nguồn thu nhập cho gia đình
Nghề đan lát giúp nghệ nhân A Hùng có thêm nguồn thu nhập cho gia đình

Nghệ nhân A Hùng chia sẻ: Ngoài làm các vật dụng thông thường phục vụ nhu cầu của bà con trong đời sống thường ngày như: Rổ, rá, gùi, nơm bắt cá, tôi còn đan các sản phẩm mây tre nhỏ đẹp mang nét đặc trưng của dân tộc Ba Na dùng để trang trí, phục vụ khách du lịch. Công việc này mang lại thu nhập khá ổn định cho gia đình.

Ngoài nghề đan lát, dệt thổ cẩm, chế tác nhạc cụ, hiện nay tại các làng đồng bào DTTS của tỉnh Kon Tum bà con dân làng còn lưu giữ nhiều nghề truyền thống như: Làm rượu ghè, làm gốm, nghề rèn và các hàng thủ công mỹ nghệ. Nhìn chung các sản phẩm nghề truyền thống đều được làm từ các nguyên vật liệu tự nhiên của núi rừng, thân thiện với môi trường, bền, đẹp.

Các sản phẩm, ngoài phục vụ nhu cầu trong đời sống hàng ngày của bà con, còn cung cấp cho thị trường và phục vụ nhu cầu mua sắm của khách du lịch, góp phần tăng thêm thu nhập, nâng cao đời sống người dân.

Bà Y Blanh, làng Plei Tơ Nghia, phường Quang Trung, TP. Kon Tum cho biết: Bà con hiện nay không chỉ dệt thổ cẩm truyền thống của mình thường mặc, mà còn làm tấm khăn, áo, váy đi dạ hội và váy công sở. Qua đó, cũng giúp cho các sản phẩm dễ bán hơn và giúp bà con có thêm thu nhập.

Ban Dân tộc tỉnh Kon Tum vinh danh, khen thưởng các nghệ nhân, cá nhân có nhiều thành tích trong bảo tồn và phát huy giá trị nghề truyền thống
Ban Dân tộc tỉnh Kon Tum vinh danh, khen thưởng các nghệ nhân, cá nhân có nhiều thành tích trong bảo tồn và phát huy giá trị nghề truyền thống

Theo ông Hà Hồng Duy, Phó trưởng Ban Dân tộc tỉnh Kon Tum cho biết: Thời điểm đầu khi bắt đầu triển khai Đề án Bảo tồn và Phát triển nghề truyền thống các DTTS tại chỗ trên địa bàn tỉnh Kon Tum mới có 2.200 người biết nghề, đến thời điểm hiện nay, thì có hơn 12.000 người biết nghề truyền thống; đã hình thành khoảng 47 điểm trưng bày sản phẩm nghề truyền thống hoặc lồng ghép vào các cửa hàng trưng bày sản phẩm Ocop trên địa bàn tỉnh để phục vụ tại các điểm du lịch và phục vụ các sự kiện văn hóa.

Để tiếp tục làm tốt công tác bảo tồn các nghề truyền thống, tháng 2/2022 Tỉnh ủy Kon Tum đã ban hành Nghị quyết số 08 về “Bảo tồn và phát huy giá trị các nghề truyền thống của các dân tộc thiểu số tại chỗ đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030”. Đây là cơ sở để các cấp, ngành, các địa phương trong tỉnh tiếp tục phát huy vai trò của các nghệ nhân, người có kinh nghiệm, uy tín trong việc gìn giữ, truyền dạy và phát triển nghề truyền thống cho thế hệ trẻ. Góp phần bảo tồn và gìn giữ những bản sắc văn hóa độc đáo của các DTTS, gắn với phát triển các loại hình du lịch, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho đồng bào DTTS.

Theo https://baodantoc.vn
copy Link
Copy Link
copy Link
(0) Bình luận
Nổi bật
Thủ tướng: Trẻ em là hạnh phúc của mỗi gia đình, là tương lai của đất nước
Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ đầu tư cho trẻ em là đầu tư cho tương lai đất nước; làm tốt công tác này là trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể, gia đình, nhà trường, toàn xã hội.
Tin mới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO