Văn hóa

Bảo tồn và phát huy giá trị Cây Di sản

Theo TTXVN 19/01/2024 - 13:54

Không chỉ mang giá trị về lịch sử, văn hóa, Cây Di sản còn là niềm tự hào của nhân dân mỗi địa phương.



Cây thị tại chùa Hưng Long, xã Ninh Nhất, thành phố Ninh Bình. Ảnh: Hải Yến/TTXVN

Bảo tồn Cây Di sản không chỉ góp phần giáo dục cho cộng đồng biết trân quý những giá trị lịch sử, mà còn là bảo vệ cảnh quan môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học. Chính vì vậy, thời gian qua, tỉnh Ninh Bình đã phát huy tinh thần trách nhiệm, chung tay gìn giữ, bảo tồn, chăm sóc Cây Di sản và xây dựng không gian sống xanh - sạch - đẹp.

"Báu vật" của làng

Năm 2016, cây Thị và cây Vông đồng tại đình làng thôn Phù Long, xã Gia Vân là 2 cây cổ thụ đầu tiên của huyện Gia Viễn được công nhận là Cây Di sản Việt Nam. Cây Thị khoảng hơn 700 tuổi được người dân trong làng xem như "báu vật", bảo vệ từ đời này sang đời khác. Vào những năm kháng khiến chống Pháp, Mỹ, cây Thị là nơi quan sát máy bay địch. Vào mùa Hè, người dân trong làng thường xuyên ra hóng mát dưới tán cây.

Ông Trần Văn Năm, Bí thư Chi bộ, Trưởng Ban công tác Mặt trận thôn Phù Long, xã Gia Vân cho biết, cây Thị và cây Vông đồng tại đình làng đều là những cây có tuổi đời hàng trăm năm với hình dáng đặc sắc. Không đơn thuần là những cây cổ thụ, 2 cây di sản này còn là chứng nhân lịch sử, nét đẹp văn hóa, niềm tự hào của người dân địa phương. Do vậy, người dân trong làng rất có ý thức trong việc cùng nhau chăm sóc, bảo vệ, tôn vinh để cây mãi sống xanh tốt cùng dân làng.

Đình làng Yên Chỉ, xã Thượng Hòa, huyện Nho Quan có lịch sử vài trăm năm. Đình được lập nên để thờ Tam vị Thánh Tản gồm: Quý Minh Đại Vương, Tản Viên Sơn Thánh và Cao Sơn Đại Vương. Đây là các vị Thượng đẳng thần, có vai trò quan trọng trong tín ngưỡng người Việt, phù trợ cho nhân dân được ấm no, hạnh phúc, đất nước thái bình. Cuối năm 2023, 2 cây Lộc vừng, 1 cây Bàng, 1 cây Bồ đề đều trên 200 năm tuổi nằm trong khuôn viên đình đã được Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam công nhận là Cây Di sản Việt Nam. Đình làng Yên Chỉ hiện là ngôi đình cổ đang sở hữu số Cây Di sản nhiều nhất Ninh Bình.

Ông Trịnh Văn Thụ, Ban Quản lý đình làng Yên Chỉ, xã Thượng Hòa chia sẻ, để bảo vệ và giữ gìn cây xanh trong khuôn viên đình nói chung và 4 Cây Di sản nói riêng, Ban Quản lý đã giao nhiệm vụ cho các thành viên trông coi, tưới nước, chăm sóc cảnh quan môi trường; đồng thời tuyên truyền cho bà con cùng chung tay bảo vệ.

Ông Nguyễn Văn Đạt, Chủ tịch UBND xã Thượng Hoà khẳng định, việc công nhận 4 Cây Di sản trong khuôn viên đình làng Yên Chỉ có ý nghĩa quan trọng về gìn giữ, bảo vệ hệ sinh thái môi trường cũng như tôn vinh, phát huy những giá trị văn hóa, tinh thần của người dân địa phương.

Bảo tồn và phát triển

Cây Thị tại đình làng thôn Phù Long, xã Gia Vân là 1 trong 2 cây cổ thụ đầu tiên của huyện Gia Viễn được công nhận là Cây Di sản Việt Nam vào năm 2016. Ảnh: Hải Yến/TTXVN

Ninh Bình hiện có hàng chục cây cổ thụ đã được công nhận Cây Di sản Việt Nam. Trong đó có nhiều cây có tuổi đời cao như cây Thị trên 700 năm ở đình làng Phù Long, xã Gia Vân, huyện Gia Viễn; cây Thị trên 500 năm tuổi, cây Bàng gần 250 năm tuổi tại chùa Hưng Long, xã Ninh Nhất, thành phố Ninh Bình…

Nhận thức rõ giá trị, vai trò của Cây Di sản, việc bảo tồn và phát huy giá trị của những cây này đã được các cấp, các ngành và mọi tầng lớp nhân dân địa phương tự giác, tích cực tham gia. Thời gian qua, Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường tỉnh Ninh Bình đã phối hợp với các địa phương có biện pháp chăm sóc, bảo vệ và bảo tồn Cây Di sản. Các cấp Hội cũng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân chung tay chăm sóc và bảo vệ tốt các Cây Di sản; theo dõi diễn biến sinh trưởng của cây để có biện pháp chăm sóc phù hợp, kéo dài tuổi thọ của cây; phối hợp giáo dục truyền thống, văn hóa tâm linh, phát triển du lịch gắn với bảo tồn các di tích và Cây Di sản, từng bước hình thành ý thức quý trọng, bảo vệ cây cho các tầng lớp nhân dân. Điều này cũng góp phần giáo dục truyền thống yêu nước, bảo vệ di sản văn hóa, bảo vệ môi trường và phát huy vai trò, ý thức cộng đồng trong việc bảo vệ nguồn gen thực vật quý hiếm.

Ông Quách Mai Hồng, Chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường tỉnh Ninh Bình cho biết, các Cây Di sản được công nhận đều nằm trong khuôn viên di tích đền, chùa, tạo nên quần thể di sản độc đáo mang đậm yếu tố tâm linh và giá trị văn hóa truyền thống. Việc bảo tồn và phát huy tốt sẽ giúp những địa điểm này trở thành sản phẩm du lịch sinh thái, văn hóa, tâm linh độc đáo, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân các địa phương, tạo động lực bảo vệ môi trường. Từ khi được công nhận, các Cây Di sản đều được gắn bia công nhận và có quy định chi tiết về việc bảo vệ theo đúng quy định của Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam.

Cây Di sản đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong xã hội. Việc gìn giữ, phát huy giá trị những cây này không chỉ thể hiện đạo lý nhân văn, bày tỏ lòng tri ân đối với các bậc tiền nhân đã dày công vun trồng, bảo vệ, mà còn giáo dục thế hệ trẻ biết trân quý những giá trị lịch sử. Tuy nhiên, theo ông Quách Mai Hồng, khó khăn hiện nay là các Cây Di sản có tuổi thọ cao, dễ bị xâm hại bởi sâu bệnh và thiên tai, việc chăm sóc đòi hỏi phải có kỹ thuật và kinh phí lớn, trong khi việc bảo tồn chủ yếu do chính quyền địa phương và cộng đồng dân cư nơi có cây đảm nhiệm. Để thực hiện tốt việc bảo tồn, phát huy giá trị Cây Di sản, tỉnh Ninh Bình cần có chính sách, cơ chế về bảo tồn, bảo vệ những cây này, đồng thời tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, vận động để người dân cùng chung tay chăm sóc và bảo vệ.

Theo Theo TTXVN
Copy Link
(0) Bình luận
Nổi bật
Thủ tướng: Trẻ em là hạnh phúc của mỗi gia đình, là tương lai của đất nước
Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ đầu tư cho trẻ em là đầu tư cho tương lai đất nước; làm tốt công tác này là trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể, gia đình, nhà trường, toàn xã hội.
Tin mới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO