Đời sống xã hội

Bảo tồn tiếng nói, chữ viết để giữ gìn bản sắc dân tộc

Lập Nguyễn 30/10/2023 - 10:41

Đồng bào Dao là một trong số ít Dân tộc thiểu số (DTTS) có chữ viết riêng. Đồng bào dùng văn tự để ghi lại vạn vật và sự thay đổi, biến chuyển của cuộc sống và con người. Chữ nôm Dao còn được dùng phổ biến trong lễ cấp sắc, Tết nhảy, cầu mùa, làm nhà. Do vậy, việc duy trì, phát huy chữ nôm Dao trong đời sống của đồng bào, chính là giữ gìn bản sắc văn hóa của cha ông.

Giữ gìn vốn quý của người xưa

Dân tộc Dao ở Thanh Hóa có tiếng nói, chữ viết, có trang phục và tập quán, tín ngưỡng riêng. Hiện nay, người Dao vẫn giữ được tiếng mẹ đẻ của dân tộc mình, ít pha tạp tiếng dân tộc khác. Đặc biệt, khi người Dao sinh sống cùng địa bàn với các dân tộc khác, họ còn có thể thông thạo tiếng của các dân tộc này. Ví dụ như, ngoài tiếng Việt phổ thông, người Dao ở huyện Mường Lát còn thông thạo tiếng Thái; người Dao huyện Cẩm Thủy và Ngọc Lặc còn thông thạo tiếng Mường để giao tiếp trong vùng.

23-10-23-anh-minh-hoa-lop-hoc-chu-nom-dao.png
Lớp học chữ Nôm Dao (Ảnh minh họa nguồn: Internet)

Trong lịch sử phát triển của mình, người Dao đã sáng tạo ra một loại chữ gọi là chữ nôm Dao để ghi chép, như: Gia phả, các bài cúng, truyển cổ, ca dao, dân ca... được ông cha lưu giữ bằng nhiều quyển sách cổ dùng để dạy chữ, dạy nghĩa, dạy kinh nghiệm làm ăn, sinh sống, đối nhân sử thế, dạy đoán thời tiết để làm mùa vụ, chăm sóc sức khỏe và thực hiện các tập quán, tín ngưỡng… Đây là tài sản vô giá của dân tộc Dao và của văn hóa các dân tộc Việt Nam.

Trước đây, do nhiều yếu tố như: Sống du canh, du cư, phân tán trong rừng núi, đời sống gặp nhiều khó khăn, nên người Dao không có điều kiện để tổ chức dạy và học chữ nôm Dao mà chỉ học thông qua bạn bè, với ông cha và những người cao tuổi biết chữ nôm Dao. Do vậy, số lượng người biết chữ nôm Dao đang ngày càng ít, hơn nữa nhiều cụ biết tiếng Dao nay đã già yếu 70 – 80 tuổi, nên việc bảo tồn và gìn giữ chữ nôm Dao gặp nhiều khó khăn và có nguy cơ mai một.

Trước tình trạng đó, năm 2014, Hội Dân tộc học và Nhân học tỉnh Thanh Hóa đã phối hợp với các nghệ nhân dân tộc Dao biết chữ nôm Dao, sưu tầm, biên soạn Bộ chữ nôm Dao Thanh Hóa. Bộ chữ đã được Hội đồng Khoa học cấp tỉnh thẩm định và được Sở Khoa học và Công nghệ, Ban Dân tộc trình UBND tỉnh Thanh Hóa phê duyệt và UBND tỉnh đã có Quyết định số 877/QĐ – UBND ngày 17/3/2015 phê chuẩn Bộ chữ nôm Dao Thanh Hóa (đây cũng là Bộ chữ nôm Dao đầu tiên của cả nước được phê chuẩn). Bộ chữ không chỉ dùng cho người Dao Thanh Hóa, mà còn được người Dao các tỉnh Hòa Bình, Sơn La, Lào Cai, Yên Bái… dùng để dạy cho con em mình.

Năm 2016, Hội đã chủ trì phối hợp với Trường Đại học Hồng Đức tổ chức 01 lớp bồi dưỡng chữ nôm Dao nâng cao cho 44 học viên là người Dao các huyện: Ngọc Lặc, Cẩm Thủy, Mường Lát. Để từ đây, các học viên này sẽ trở thành những giáo viên dạy chữ nôm Dao ở cơ sở. Kết quả có 40 học viên đã được Trường Đại học Hồng Đức cấp chứng chỉ đạt yêu cầu.

Theo đó, từ năm 2017 đến nay, Hội đã phối hợp với các huyện Ngọc Lặc, Cẩm Thủy, Mường Lát, mở được 27 lớp học chữ nôm Dao với 975 học viên. Theo kế hoạch, năm 2023, Hội sẽ mở 05 lớp/200 học viên tại 05 thôn bản dân tộc Dao. Từ những lớp học này, chữ nôm Dao ở Thanh Hóa, đang từng ngày được hồi sinh trong cộng đồng người Dao. Qua đó, những tri thức, bản sắc giá trị văn hóa của cha ông được bảo tồn và ngày càng phát huy.

Nỗ lực bảo tồn và phát huy

Bộ chữ nôm Dao truyền thống là di sản quý giá, đại diện cho văn hóa cội nguồn dân tộc mà không gì thay thế được. Vậy nên, những người nặng lòng với văn hóa dân tộc Dao ở Thanh Hóa, đã và đang không ngừng nỗ lực để “hồi sinh” chữ nôm Dao, đưa bộ chữ truyền thống này truyền lại cho thế hệ trẻ ngày nay.

Tuy nhiên, điều đáng quan tâm là, giới trẻ đồng bào Dao hiện nay, dù được học tiếng phổ thông, học ngoại ngữ, nhưng không học, không nói tiếng dân tộc mình nên chữ nôm Dao đang bị mai một. Bên cạnh đó, với xu thế hội nhập và phát triển khiến tiếng nói và chữ viết của dân tộc Dao đang có nguy cơ thất truyền.

Trước thực trạng trên, tỉnh Thanh Hóa đã giao nhiệm vụ cho Hội Dân tộc học và Nhân học, phối hợp với các nghệ nhân dân tộc Dao, sưu tầm và biên soạn giáo trình bộ tài liệu hướng dẫn dạy và học chữ nôm Dao. Đồng thời, phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức hội nghị với các sở, ban, ngành liên quan để đóng góp hoàn thiện bộ chữ và chương trình dạy chữ nôm Dao. Năm 2015, UBND tỉnh có quyết định phê chuẩn Bộ chữ nôm Dao Thanh Hóa.

Theo đó, trên cơ sở chương trình, bộ chữ được phê chuẩn, các cấp, các ngành, đặc biệt là các địa phương có người Dao sinh sống ở Thanh Hóa, đã triển khai nhiều giải pháp hữu hiệu nhằm đưa chữ nôm Dao "hồi sinh", bước đầu đã đạt được nhiều kết quả tích cực.

Ông Phạm Hải Lăng, Chủ tịch UBND xã Cẩm Châu cho biết: Những năm qua, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, địa phương đã mở nhiều lớp truyền dạy ngôn ngữ, chữ viết nôm Dao. Từ khi có lớp học chữ nôm Dao, phong trào học chữ nôm Dao trong cộng đồng người Dao ở Cẩm Châu có bước phát triển mạnh mẽ. Nhiều học viên tham gia học còn có mong muốn, là khi học được chữ nôm Dao xong thì sẽ truyền dạy lại cho thế hệ sau.

Tại xã Pù Nhi, huyện Mường Lát, vào các buổi tối tại Nhà văn hóa bản Hạ Sơn, nhiều người dân trong bản đã hăng hái theo học chữ Hán nôm Dao. Lớp học duy trì khoảng 30 học viên, người trẻ nhất 10 tuổi, người lớn tuổi nhất 53 tuổi. Hầu hết các học viên có chung một suy nghĩ, là người Dao phải biết đọc, biết viết chữ của dân tộc mình để hiểu thêm về văn hóa dân tộc, từ đó bảo tồn, gìn giữ và phát huy cho các thế hệ mai sau.

Cháu Tặng Việt Quân, 10 tuổi, ở bản Hạ Sơn, học viên trẻ tuổi nhất của lớp học cho biết: "Khi cháu 4 - 5 tuổi, được nghe bà nội đọc cho nghe những vần thơ, câu chuyện và hát những làn điệu dân ca của dân tộc Dao, cháu rất thích. Vì vậy, khi biết tin có lớp dạy chữ tại nhà văn hóa của bản, bố mẹ đã cho cháu theo học. Hiện nay cháu đã biết đọc, biết viết chữ của người Dao, bố mẹ rất vui mừng và luôn động viên cháu thường xuyên ôn luyện để không bị lãng quên...".

Chữ nôm Dao là một di sản văn hóa quý báu, gắn liền với các sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng của đồng bào dân tộc Dao. Vì vậy, chính quyền, các cơ quan hoạt động trong lĩnh vực bảo tồn di sản văn hóa, cần tiếp tục quan tâm hỗ trợ thỏa đáng để việc nghiên cứu, sưu tầm, bảo tồn sách cổ, dạy chữ của người Dao đạt hiệu quả cao, làm cơ sở cho việc lưu giữ và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của cha ông, góp phần làm giàu thêm bản sắc văn hóa xứ Thanh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Thủ tướng: Trẻ em là hạnh phúc của mỗi gia đình, là tương lai của đất nước
Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ đầu tư cho trẻ em là đầu tư cho tương lai đất nước; làm tốt công tác này là trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể, gia đình, nhà trường, toàn xã hội.
Tin mới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO