Tiêu điểm

Bảo tồn, phát huy văn hóa các dân tộc thiểu số

Hải Thanh 22/10/2023 09:03

Giá trị văn hóa các DTTS là bộ phận cấu thành quan trọng trong hệ giá trị chung của nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Trong quá trình hội nhập quốc tế hiện nay, việc giao lưu, tiếp biến các giá trị văn hóa từ bên ngoài là một tất yếu khách quan. Quá trình đó vừa tạo ra cơ hội, đồng thời là thách thức đối với việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, đặc biệt là văn hóa các DTTS.

“… Là vấn đề chiến lược cơ bản, lâu dài, cấp bách, là nhiệm vụ trọng tâm”

Với quan điểm nhất quán, Đảng và Nhà nước ta đã khẳng định, văn hóa các DTTS là một bộ phận quan trọng của nền văn hóa Việt Nam thống nhất, đa dạng. Các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước ban hành và thực hiện đã góp phần quan trọng trong việc bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, đồng thời tạo động lực để phát triển đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội, ổn định chính trị, an ninh quốc phòng vùng đồng bào DTTS.

Trong suốt sự nghiệp lãnh đạo đất nước, Đảng ta luôn chủ trương bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa đồng bào DTTS. Các văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VIII, IX, XI về xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc là cơ sở quan trọng trong định hướng chính sách bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa đồng bào DTTS giai đoạn vừa qua.

Nghị quyết Ðại hội XIII của Ðảng đã xác định nhiều quan điểm, chủ trương lớn, mang tính đột phá để phát huy sức mạnh mềm văn hóa Việt Nam. Trong đó bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa các DTTS là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu có tính đột phá.

z4806889044916_c11b9cf7940730a4328ce75321f00536.jpg
Việc bảo tồn, gìn giữ ngôn ngữ các dân tộc thiểu số là vấn đề rất cấp thiết.

Trên cơ sở chủ trương, đường lối Đảng, Nhà nước và các nghị quyết của Quốc hội, cơ quan chức năng đã cụ thể hoá thành hệ thống chính sách văn hóa nói chung và chính sách bảo tồn, phát huy giá trị văn hoá đồng bào DTTS nói riêng, nhằm tạo chuyển biến, khai thác nguồn lực văn hoá theo hướng bền vững.

Đặc biệt, trong “Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030” đã xác định và lồng ghép nhiều mục tiêu, nội dung, nguồn lực của Chương trình gắn với chính sách bảo tồn và phát huy giá trị văn hoá tộc người. Nhiều mục tiêu, nội dung về bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa của đồng bào DTTS cũng đã được các cơ quan hoạch định chính sách tích hợp vào mục tiêu, chỉ tiêu chung của Chương trình.

Để hiện thực hóa các nội dung trong các kết luận, nghị quyết của Đảng, Quốc hội về công tác dân tộc, ngành văn hóa và chính quyền các địa phương đã đưa ra nhiều chương trình hành động thiết thực với mục tiêu bảo tồn và phát huy di sản văn hóa các DTTS. Cụ thể như các đề án: Bảo tồn và phát huy giá trị dân ca, dân vũ, dân nhạc của các DTTS; bảo tồn và phát triển ngôn ngữ các DTTS Việt Nam; bảo tồn trang phục truyền thống các dân tộc ít người…

Khảo sát và mở các lớp truyền dạy văn hóa truyền thống phi vật thể, các nghề thủ công truyền thống của DTTS có số dân rất ít người do chính các nghệ nhân - chủ thể nắm giữ kho tàng văn hóa phi vật thể trực tiếp tham gia truyền dạy cho thế hệ trẻ như: Bố Y, Pu Péo, Ơ Đu, Brâu, Rơ Măm, Mảng, Cống, Lô Lô, Chứt, SiLa... qua đó, giáo dục truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc, ý thức trách nhiệm, niềm tự hào về văn hóa các dân tộc, góp phần củng cố, tăng cường sức mạnh khối đại đoàn kết các dân tộc, tôn vinh bản sắc văn hóa các dân tộc.

dsc_8218-1-(3).jpg
Bảo tồn gắn phát triển du lịch khai thác tiềm năng từ văn hoá truyền thống

Đến nay đã có gần 90 lễ hội truyền thống tiêu biểu của các DTTS được các địa phương tổ chức phục dựng, bảo tồn và phát triển đúng mục đích, phù hợp với từng dân tộc; Hơn 30 làng, bản, buôn truyền thống của 25 dân tộc thuộc các tỉnh đại diện cho vùng, miền trên cả nước được hỗ trợ đầu tư bảo tồn gắn phát triển du lịch khai thác tiềm năng từ văn hoá truyền thống tiêu biểu của dân tộc, từ đó nhân rộng, phát triển để xây dựng các làng văn hoá - du lịch, điểm văn hoá du lịch, tạo đà chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đẩy mạnh tốc độ xóa đói, giảm nghèo cho đồng bào ở địa bàn vùng DTTS.

Các địa phương cũng đã chủ động, tích cực ban hành nhiều chương trình, đề án, quy hoạch, kế hoạch triển khai thực hiện và có cách làm có hiệu quả khác nhau phù hợp với đặc thù của từng vùng, từng dân tộc theo từng giai đoạn. Xây dựng, phát triển mô hình/hoạt động du lịch cộng đồng, thu hút khách du lịch đến lưu trú vùng DTTS, góp phần phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS.

Triển khai các giải pháp thiết thực

Cả nước có khoảng 14,7 triệu người DTTS (chiếm khoảng 15,2% dân số), sinh sống chủ yếu tại các khu vực trung du, miền núi phía bắc, Bắc Trung Bộ, duyên hải miền trung, Tây Nguyên và Tây Nam Bộ. Với đặc điểm phân bố đa dạng ở các vùng địa lý khác nhau, gắn với các phong tục tập quán, văn hóa truyền thống lâu đời, mỗi DTTS đều sở hữu các giá trị văn hóa riêng biệt độc đáo, góp phần làm phong phú nền văn hóa chung của dân tộc Việt Nam.

Tuy nhiên, dưới sự tác động của đời sống kinh tế, xã hội nhất là trong giai đoạn hội nhập quốc tế, bùng nổ thông tin hiện nay, sự giao thoa, du nhập văn hóa của các vùng miền đang có xu hướng lấn át, làm mờ nhạt văn hóa bản địa. Nhiều giá trị văn hóa vốn được xem là đặc trưng, là bản sắc độc đáo của các DTTS có nguy cơ bị mai một như các lễ hội dân gian, phong tục tập quán truyền thống dần ít được thực hành, các sinh hoạt văn hóa dân gian như dân ca, dân vũ bị suy giảm, nhiều nhạc cụ dân tộc không còn được nhiều người DTTS am hiểu yêu thích...

Cùng với đó, nhiều không gian văn hóa đặc trưng của đồng bào DTTS có nguy cơ bị phá vỡ bởi sự cởi mở của du lịch cũng như sự xâm lấn của không gian mạng. Khi những người dân vùng đồng bào DTTS tham gia sử dụng internet nhiều hơn, sở hữu các thiết bị điện tử cá nhân nhiều hơn, nguy cơ “quên dần” không gian văn hóa của dân tộc mình cũng hiện hữu rõ hơn.

w_12_kk-ba-ba-chau-nguoi-dan-toc-dao-do-ha-ngoc-ha-tuyen-quang-.jpg
Truyền dạy nghề thêu thổ cẩm truyền thống của đồng bào dân tộc Dao Đỏ cho thế hệ mai sau

Để bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống các DTTS trước sự thay đổi, tiếp biến văn hóa hiện nay, cần tiếp tục tăng cường các giải pháp:

Một là, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các cấp, các ngành trong hệ thống chính trị và toàn xã hội về thực hiện chính sách dân tộc đối với vấn đề bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống dân tộc trong tình hình mới. Tiếp tục tổ chức quán triệt nội dung, mục tiêu, quan điểm, nhiệm vụ, giải pháp xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam của Nghị quyết số 33-NQ/TW, Kết luận số 76-KL/TW, Nghị quyết số 24-NQ/TW, Kết luận số 65-KL/TW.

Tuyên truyền, phổ biến rộng rãi đến cán bộ, đảng viên và nhân dân các chính sách dân tộc nói chung, chính sách dân tộc về văn hóa nói riêng. Làm cho đồng bào các dân tộc nhận thức rõ bối cảnh, thời cơ, thách thức trước tác động của sự thay đổi, tiếp biến văn hóa, trên cơ sở đó quyết tâm gìn giữ, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc mình với tinh thần tự lực, tự cường, chủ động, sáng tạo.

Hai là, tiếp tục bổ sung, sửa đổi, các chính sách phát triển kinh tế - xã hội gắn với xây dựng đời sống văn hóa vùng đồng bào DTTS và miền núi. Đồng thời, cần đẩy mạnh thực hiện các chủ trương, chính sách, các chế độ và chương trình, dự án nhằm sử dụng hiệu quả các nguồn tài trợ, vốn đầu tư cho các địa phương, chống thất thoát lãng phí. Nâng cao chất lượng phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”.

78678440_1432380116920425_6801903220928020480_o.jpg
Bảo tồn nét đẹp văn hóa đồng bào dân tộc Khmer

Tiếp tục đầu tư xây dựng hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở vùng đồng bào DTTS gắn với di tích lịch sử - văn hóa ở từng vùng, từng địa phương. Tăng cường tổ chức các hoạt động phát triển văn hóa đọc cho đồng bào DTTS, như: Khuyến khích xây dựng thư viện tư nhân, thư viện cộng đồng, tủ sách xã, bản; tăng cường luân chuyển sách báo và phát triển hệ thống các điểm phục vụ lưu động tại cơ sở; chú trọng các xuất bản phẩm bằng tiếng dân tộc. Tạo điều kiện để nhân dân tham gia và phát huy vai trò làm chủ trong công cuộc xây dựng đời sống văn hóa mới, góp phần nâng cao mức hưởng thụ văn hóa của người dân vùng đồng bào DTTS.

Nghiên cứu ban hành các chính sách cụ thể, thống nhất giữa các địa phương đối với nhà đầu tư cũng như cộng đồng dân cư trong việc quản lý, phát triển các loại hình du lịch tại vùng đồng bào DTTS nhằm tạo điều kiện cho đồng bào được chia sẻ lợi ích, hưởng lợi từ các hoạt động kinh tế, du lịch.

Ba là, tăng cường tổ chức các chương trình hoạt động văn hóa, nghệ thuật phục vụ đồng bào ở các xã, bản vùng sâu, vùng xa, ưu tiên các xã, bản sát biên giới, vùng đặc biệt khó khăn. Xây dựng các thiết chế văn hóa, thể thao cấp xã, thôn, bản để người dân có điều kiện nhiều hơn đến tham gia sáng tạo và hưởng thụ các giá trị văn hóa, thể thao.

Có các cơ chế chính sách đặc thù cho các nghệ nhân DTTS trong việc bảo tồn và truyền dạy văn hóa phi vật thể tại cộng đồng các dân tộc. Đa dạng các hình thức khen thưởng, động viên, hỗ trợ cho nghệ nhân, người có uy tín trong cộng đồng tham gia với vai trò đầu tàu trong các câu lạc bộ truyền dạy văn hóa - nghệ thuật dân tộc hoặc sáng tạo các giá trị văn hóa nghệ thuật mới phục vụ đồng bào các dân tộc trên địa bàn để xây dựng môi trường văn hóa một cách toàn diện ở gia đình, nhà trường, cộng đồng dân cư, trong các cơ quan Đảng, Nhà nước, đoàn thể, doanh nghiệp để văn hóa thực sự là động lực, đột phá phát triển kinh tế, xã hội, hội nhập quốc tế.

Bốn là, tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát thực hiện các chủ trương, chính sách, các chương trình, dự án gìn giữ, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống các DTTS. Cấp ủy, chính quyền các cấp cần có chương trình hành động cụ thể về xây dựng đời sống văn hóa mới; đồng thời, có sự phân công cụ thể cho các cấp, các ngành và cá nhân phụ trách theo địa bàn và dân tộc, qua đó, nâng cao hiệu quả công tác quản lý, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát thực hiện.

van-hoa-dieu-kien-quan-trong-de-phat-trien-ben-vung.jpg
Đồng bào các dân tộc thiểu số đã chủ động, tích cực gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc mình

Xây dựng cơ chế phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, tham mưu về công tác dân tộc trong việc triển khai thực hiện đồng bộ các chính sách, các chương trình, đề án, dự án về phát triển văn hóa, thể thao, du lịch vùng đồng bào DTTS. Các chế độ chính sách, các cơ chế đầu tư, các định mức hỗ trợ đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030 cần được các ngành quan tâm, phối hợp với ngành văn hóa, thể thao và du lịch để sửa đổi, bổ sung phù hợp với tiến trình phát triển chung của đất nước;

Năm là, thực hiện tốt công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng cán bộ là người DTTS, trong đó, đặc biệt quan tâm đến đội ngũ cán bộ làm công tác văn hóa.

Cán bộ, công chức ở cơ sở là người DTTS có vai trò quan trọng trong hệ thống chính trị, là hạt nhân tiêu biểu trong việc phát huy sức mạnh đoàn kết của cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Vai trò của các già làng, trưởng bản, những cán bộ là con em các dân tộc được học hành đào tạo bài bản chuyên sâu về văn hóa rất quan trọng, cần có chính sách thỏa đáng để sử dụng họ như là những cán bộ nòng cốt trong giữ gìn phát huy văn hóa thì sẽ rất hiệu quả.

Cần có cơ chế đặc thù trọng dụng người tài, người có năng lực để họ có thể phát huy khả năng, uy tín của mình trong cộng đồng, đánh thức, cời lửa, giữ gìn và lan tỏa những nét đẹp của văn hóa đồng bào DTTS.

(0) Bình luận
Nổi bật
Thủ tướng: Trẻ em là hạnh phúc của mỗi gia đình, là tương lai của đất nước
Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ đầu tư cho trẻ em là đầu tư cho tương lai đất nước; làm tốt công tác này là trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể, gia đình, nhà trường, toàn xã hội.
Tin mới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO