(DTTG) Người Dao là một trong những dân tộc còn gìn giữ được bản sắc văn hóa đặc trưng từ tiếng nói, phong tục, tập quán, các làn điệu dân ca đến trang phục truyền thống. Với người Dao Quần chẹt (hiện sinh sống chủ yếu ở Phú Thọ, Yên Bái, Thanh Hóa và một số tỉnh phía Bắc), thì trang phục là nét đẹp văn hóa có giá trị thẩm mỹ đặc sắc, thể hiện sự sáng tạo nghệ thuật hết sức tinh tế.
![]() |
Phụ nữ dân tộc Dao Quần chẹt duyên dáng trong trang phục truyền thống. |
Người Dao có nhiều tên gọi khác nhau như: người Động, người Xá, người Mán, người Dao... nhưng Dao là tên gọi chính thức. Chính người dân tộc Dao tự gọi mình là “Kiềm miền” (tức là người ở rừng). Người dân tộc Dao có 4 nhóm chính, gồm: Dao Đỏ (còn gọi là Dao Sừng, Dao Đại Bản), Dao Quần Chẹt (còn gọi là Dao Nga Hoàng, Dao Sơn Đầu), Dao Quần Trắng và Dao Làn Tuyển (còn gọi là Dao Tuyển).
Để phân biệt các nhóm Dao, chủ yếu dựa vào sự khác nhau trong bộ trang phục của phụ nữ. Phụ nữ Dao đỏ có đặc điểm dễ nhận thấy là dùng rất nhiều màu đỏ, nhiều tua và núm bông đỏ trên váy áo và khăn đội đầu. Phụ nữ Dao Quần Chẹt mặc quần ống hẹp bó sát vào chân (có lẽ đây là yếu tố tạo nên tên gọi của nhóm dân tộc Dao này). Trước đây phụ nữ nhóm Dao này còn có tục chải tóc bằng sáp ong nên gọi là Dao Sơn Đầu.
![]() |
Họa tiết, hoa văn cầu kỳ, sặc sỡ trên trang phục của dân tộc Dao Quần chẹt. |
Dạo quanh địa phận các xã đồng bào dân tộc thuộctỉnh Phú Thọ, Thanh Hóa (hoặc một số huyện ở Yên Bái, như: Văn Chấn , Yên Bình, Trấn Yên, Văn Yên, Lục Yên) vào những thời khắc nông nhàn, chúng ta dễ dàng nhìn thấy bên hiên nhà, những người phụ nữ Dao Quần chẹt chăm chỉ, miệt mài và tỷ mỷ với từng đường kim, mũi chỉ trên tấm vải chàm để làm nên bộ trang phục truyền thống dân tộc.
Chị Dương Thị Oanh, khu Sơn Nga vừa thêu trang phục vừa cho biết: Từ nhỏ, chị đã được bà, được mẹ chỉ bảo, truyền dạy cho cách thêu thùa, làm trang phụctruyền thống. Người phụ nữ dân tộc Dao ở Nga Hoàng luôn cảm thấy tự hào vì mình đã tự tay tạo nên bộ trang phục dân tộc cho bản thân và các thành viên trong gia đình.
![]() |
Để phân biệt các nhóm Dao, chủ yếu dựa vào sự khác nhau trong bộ trang phục của người phụ nữ. |
Trang phục truyền thống của người Dao Quần chẹt đặc sắc từ quần, áo, yếm, khăn, mũ... Lấy tông màu chàm đen làm chủ đạo, kết hợp với những nét hoa văn thêu chỉ, các phụ kiện, trang sức hết sức cầu kỳ, hòa quyện vào nhau thành một khối thống nhất không thể tách rời.
Trang phục của đàn ông người Dao đơn giản hơn phụ nữ, trang phục truyền thống đàn ông, gồm: Áo cánh ngắn cài cúc, cổ đứng để mặc ngoài và một chiếc quần dài, khăn vấn đầu; trang phục của phụ nữ Daobao gồm: Áo dài, yếm, quần, dây lưng, xà cạp, khăn đội đầu và các đồ trang sức khác đi kèm.
Để hoàn thành một bộ trang phục, người phụ nữ Dao Quần chẹt phải trải qua những công đoạn công phu và tỉ mỉ, có khi mất cả tháng trời. Chiếc áo được thêu đặc biệt với rất nhiều họa tiết, hoa văn bằng những đường chỉ màu rực rỡ tượng trưng cho mặt trời, cây cỏ, hoa lá, guồng nước với mong muốn mưa thuận gió hòa, vạn vật tốt tươi, mùa màng bội thu, cuộc sống no đủ.
![]() |
Phụ nữ dân tộc Dao Quần chẹt tự hào về trang phục truyền thống của dân tộc mình. |
![]() |
Bà và mẹ là những người tận tình truyền dạy cho con, cháu cách thức thêu may trang phục truyền thống. |
Chiếc quần dài thân thường rộng, độ giãn lớn, ống quần hẹp là nét đặc trưng riêng biệt của người Dao Quần chẹt. Khăn đội đầu có hai loại là khăn thêu và không thêu. Bộ xà tích gồm: Dây bạc, nhiều đồng bạc, xương trâu vuốt thành đoạn nhỏ như chiếc đũa, chạm trổ cầu kỳ cùng những chiếc vòng bạc đeo cổ thể hiện tính kiên trì, đồng thời thể hiện vai trò, địa vị của người mặc trong cộng đồng.
Ông Trịnh Tiến Xuân, Bí thư Đảng ủy xã Nga Hoàng, huyện Yên Lập, Phú Thọ, cho biết: Người Dao sinh sống tại địa phương đều thuộc nhóm Dao Quần chẹt. Hiện nay, đồng bào chủ yếu chỉ diện trang phục truyền thống vào các dịp lễ Tết, đám cưới hoặc các dịp lễ trọng. Ngày thường, khi đi làm hay đi chợ, họ cũng ít mặc, có thể có nguy cơ mai một những bộ trang phục truyền thống của người Dao Quần chẹt. Số lượng những người phụ nữ Dao thành thạo dệt và thêu trang phục hiện cũng đã lớn tuổi, không còn nhiều.
Thời gian qua, việc giữ gìn và phát triển trang phục truyền thống của người Dao Quần chẹt đã được xã Nga Hoàng, huyện Yên Lập quan tâm, chú trọng. Trong đó, xã đã đưa việc bảo tồn và phát triển văn hóa dân tộc trở thành một trong hai khâu đột phá trong nhiệm kỳ tới, nhằm tuyên truyền, vận động nhân dân bảo tồn những nét đẹp văn hóa truyền thống, khuyến khích người phụ nữ Dao tích cực truyền dạy lại cách may, thêu thùa trang phục truyền thống cho con, cháu trong gia đình.
Nhằm triển khai thực hiện Quyết định số 209/QĐ-BVHTTDL ngày 18/01/2019 của Bộ trưởng Bộ VHTTDL phê duyệt Đề án “Bảo tồn, phát huy trang phục truyền thông các dân tộc Việt Nam trong giai đoạn hiện nay”; Quyết định số 3002/QĐ-BVHTTDL ngày 20/10/2020 của Bộ trưởng Bộ VHTTDL về việc Tổ chức tập huấn về phương pháp bảo tồn, phát huy trang phục truyền thống các dân tộc thiếu số và bảo tồn, phát huy di sản văn hóa phi vật thể về trang phục của người Dao Quần chẹt, Bộ VHTTDL đã phối hợp với Sở VHTTDL và UBND huyện Ngọc Lặc, Thanh Hóa tổ chức lớp tập huấn về phương pháp bảo tồn, phát huy trang phục truyền thống các dân tộc thiếu số và bảo tồn, phát huy di sản văn hóa phi vật thể về trang phục của người Dao Quần chẹt tại huyện Ngọc Lặc, tỉnh Thanh Hóa.
![]() |
Lớp tập huấn về phương pháp bảo tồn, phát huy trang phục truyền thống các dân tộc thiếu số và bảo tồn, phát huy di sản văn hóa phi vật thể về trang phục của người Dao Quần chẹt tại huyện Ngọc Lặc, tỉnh Thanh Hóa. |
![]() |
Lãnh đạo Bộ VHTT&DL, và Huyện Ngọc Lặc, Thanh Hóa chụp ảnh lưu niệm với các học viên lớp tập huấn. |
Lớp tập huấn có sự tham dự của 70 người là nghệ nhân dân tộc Dao, người có uy tín trong cộng đồng và các học viên người Dao Quần chẹt tại địa phương. Thông qua khóa tập huấn, các học viên thu được nhiều kiến thức bổ ích trong việc nâng cao ý thức trao truyền – tiếp nhận về kĩ năng truyền đạt cho các thế hệ người Dao Quần chẹt, đặc biệt là giới trẻ.
Trong quá trình giao lưu, hội nhập quốc tế, với những thay đổi hàng ngày do thành tựu của tiến bộ của khoa học kỹ thuật - công nghệ mang lại, đòi hỏi chúng ta cần giữ gìn, bảo vệ và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, biến nó trở thành các sản phẩm phục vụ và thu hút du khách, tạo điểm nhấn để phát triển du lịch, góp phần tạo nguồn thu bền vững,góp phần phát triển kinh tế- xã hội.
![]() |
Vào các dịp Lễ Tết, cưới xin hay Lễ hội, phụ nữ dân tộc Dao Quần chẹt thường mặc trang phục truyền thống trong niềm tự hào về giá trị văn hóa của dân tộc mình. |
![]() |
Nông sản chủ yếu của đồng bào dân tộc Dao Quần chẹt là chè và quế. |