Phát triển - Hội nhập

Bảo tồn, phát huy giá trị thổ cẩm truyền thống ở Con Cuông

Hải Thanh 12/10/2023 - 07:57

Những năm gần đây, các sản phẩm dệt bằng tay được các bà, các chị ở Con Cuông bảo tồn, gìn giữ, góp phần lan tỏa giá trị văn hóa đặc trưng của đồng bào Thái nơi miền Tây xứ Nghệ.

Nghề dệt thổ cẩm ở Con Cuông được coi là thế mạnh để phát triển làng nghề truyền thống. Tuy nhiên do yếu tố khách quan, dệt thổ cẩm ở đây đang bị mai một.

Đến nay, chính quyền cùng phụ nữ Thái ở huyện Con Cuông (Nghệ An) đã xây dựng chuỗi giá trị thổ cẩm là cách làm thiết thực nhằm vực dậy nghề dệt thổ cẩm truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số ở địa phương.

Nếu như trước đây, sản phẩm của đồng bào chủ yếu quanh quẩn trong các bản làng thì nay, sản phẩm của họ được kết nối với thị trường không chỉ trong tỉnh, mà còn ở nhiều địa phương trong cả nước.

Tranh thủ những lúc rảnh rồi, bà Ngân Thị Định ở bản Khe Rạn, xã Bồng Khê vẫn luôn cần mẫn với nghề truyền thống có từ lâu đời của cha ông để lại. Từ những tấm thổ cẩm bà đã khéo léo may thành vỏ chăn, vỏ gối, váy… trang trọng và lịch sự. Bên cạnh sử dụng nhu cầu trong gia đình, giờ thổ cẩm đã trở thành hàng hóa và tạo thêm thu nhập cho nhiều chị em những lúc nông nhàn.

det-tho-cam2.jpg
Sự tỉ mỉ trong mỗi sản phẩm

Cũng giống như nhiều nghề truyền thống khác, nghề dệt thổ cẩm của người Thái ở Con Cuông cũng đứng trước nguy cơ mai một, nhất là khi thế hệ trẻ ít quan tâm. Mấy năm gần đây, thông qua các lớp tập huấn, đào tạo nghề ngắn hạn nên đã có rất nhiều chị em hội viên phụ nữ tham gia, rất mừng là vì trong đó đã có những hội viên trẻ tuổi tham gia.

Hiện nay, trên địa bàn xã Lạng Khê đã thành lập được các tổ nhóm dệt thổ cẩm ở các bản nhằm khôi phục lại nghề truyền thống. Mặc dù do bị sản phẩm công nghiệp lấn át, cạnh tranh, có lúc nghề dệt thổ cẩm hoạt động cầm chừng. Tuy nhiên, với quyết tâm giữ nghề, nên nghề dệt thổ cẩm ở đây vẫn được chị em gìn giữ và ngày càng phát huy thế mạnh.

Chị Lô Thị Sim - Phó Chủ tịch hội phụ nữ xã Lạng Khê, Con Cuông cho biết: "Sắp tới đây chúng tôi sẽ tiếp tục đẩy mạnh phát triển nghề dệt thổ cẩm, đồng thời liên doanh, liên kết tìm đầu ra cho sản phẩm…".

det-tho-cam.jpg
Nghệ nhân miệt mài dệt sản phẩm

Giữ nghề truyền thống không những bảo tồn giá trị văn hóa dân tộc mà còn góp phần phát triển KT-XH. Nhận thức được điều này, huyện Con Cuông đã có nhiều giải pháp bảo tồn và phát huy nghề dệt thổ cẩm. Để làm được điều này huyện đã giao cho Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện phối hợp các ban ngành mở các lớp đào tạo nghề, trong đó chú trọng về nghề dệt thổ cẩm.

Cùng với đó, huyện đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến người dân việc mặc trang phục truyền thống của dân tộc mình trong các hoạt động lễ hội, tết.

Được thành lập hơn 10 năm, mô hình HTX Thủ công mỹ nghệ, dịch vụ bản Xiềng (Môn Sơn) có những thời điểm tưởng chừng như không đứng vững. Tuy nhiên đến nay đã khẳng định được thương hiệu với các mặt hàng dệt thổ cẩm, không chỉ đáp ứng nhu cầu thị trường trong huyện mà vươn ra khắp tỉnh, có mặt tại các hội chợ ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh.

Bản Xiềng hiện có gần 180 hộ, trong đó khoảng 50% gia đình có khung cửi. Nghề dệt thổ cẩm đã đem lại cho chị em nơi đây thêm nguồn thu nhập đáng kể, giúp trang trải cuộc sống gia đình.

ttxvn_tho_cam_nghe_an_1.jpg
Hợp tác xã thủ công mỹ nghệ Môn Sơn được UBND huyên Cuông hỗ trợ kinh phí xây dựng gian trưng bày sản phẩm của thành viên trong Hợp tác xã

Bà Hà Thị Hằng - Chủ nhiệm HTX thủ công mỹ nghệ, dịch vụ xã Môn Sơn, chia sẻ: “HTX đã phát huy hiệu quả, tạo việc làm cho hàng trăm lao động những lúc nông nhàn, với mức thu nhập tương đối ổn định. Đến nay chúng tôi đã được UBND tỉnh công nhận làng nghề, đầu ra đã được tháo gỡ, đây là tiền đề để chúng tôi duy trì và phát triển nghề truyền thống”.

Hay như ở xã Lục Dạ, hiện nay đã thành lập được các tổ nhóm dệt thổ cẩm ở 6/12 thôn, bản nhằm khôi phục lại nghề truyền thống. Ở bản Tân Hợp, xã Lục Dạ hiện có trên 200 hộ tham gia nghề dệt thổ cẩm.

Mặc dù do bị sản phẩm công nghiệp lấn át, cạnh tranh, có lúc nghề dệt thổ cẩm hoạt động cầm chừn nhưng với quyết tâm giữ nghề, nên nghề dệt thổ cẩm ở đây vẫn được chị em gìn giữ và ngày càng phát huy thế mạnh.

bna-tho-cam-lang-xieng-1-79.jpg
Trang phục của người Thái đen ở bản Xiềng, xã Môn Sơn, huyện Con Cuông do chính tay những người phụ nữ nơi đây dệt lên

Các nhóm sản xuất của làng nghề cũng đã tích cực tìm hiểu thị trường, quảng bá, bao tiêu sản phẩm trong và ngoài tỉnh . Điều này đã góp phần nâng cao thu nhập cho hội viên, tạo động lực để duy trì và phát triển làng nghề.

Chị La Thị Nọong - Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Lục Dạ (Con Cuông), cho biết: "Sắp tới đây chúng tôi sẽ tiếp tục đẩy mạnh phát triển nghề dệt thổ cẩm, đồng thời liên doanh, liên kết tìm đầu ra cho sản phẩm…".

Huyện Con Cuông hiện có 9/13 xã, thị trấn xây dựng được các tổ, nhóm làm nghề dệt thổ cẩm. Dẫu vậy, nhiều địa bàn vẫn hoạt động cầm chừng, quy mô nhỏ lẻ. Bên cạnh đó, nghề thủ công đang đứng trước sự cạnh tranh về mẫu mã, giá thành của các sản phẩm dệt công nghiệp.

Để bảo tồn, phát triển làng nghề dệt thổ cẩm truyền thống, đòi hỏi các địa phương cần có quy hoạch, bước đi cụ thể. Trong đó, gắn bảo tồn ngành nghề với hoạt động du lịch dịch vụ...

Bà La Thị Hà, Chủ tịch Hội Phụ nữ huyện Con Cuông cho biết: Tới đây Hội liên hiệp phụ nữ huyện tiếp tục phối hợp các ban ngành mở các lớp đào tạo nghề, trong đó chú trọng về nghề dệt thổ cẩm. Cùng với đó tuyên truyền đến người dân việc mặc trang phục truyền thống của dân tộc mình trong các hoạt động lễ hội, tết nhất. Đó cũng là cách lan tỏa sản phẩm thổ cẩm đến với cộng đồng.

Việc phát triển nghề dệt thổ cẩm truyền thống trong thời gian gần đây đang có nhiều triển vọng và đi đúng hướng. Vì thế, ngày càng có thêm nhiều người tâm huyết với nghề, thị trường được mở rộng, giúp tăng việc làm và tăng thu nhập. Hiện tại, huyện đang tiếp tục hoàn thiện kế hoạch phát triển nghề truyền thống gắn với du lịch cộng đồng để tạo sự đột phá và nâng cao mức sống cho người dân.

(0) Bình luận
Nổi bật
Thủ tướng: Trẻ em là hạnh phúc của mỗi gia đình, là tương lai của đất nước
Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ đầu tư cho trẻ em là đầu tư cho tương lai đất nước; làm tốt công tác này là trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể, gia đình, nhà trường, toàn xã hội.
Tin mới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO