Ngôn ngữ của các dân tộc thiểu số (DTTS) trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi đang có nguy cơ bị mai một. Vì vậy, việc bảo tồn, gìn giữ ngôn ngữ các DTTS là vấn đề cấp thiết, nhằm lưu giữ bản sắc văn hóa, góp phần nâng cao ý thức bảo tồn, phát triển “tiếng mẹ đẻ” của đồng bào DTTS.
Tỉnh Quảng Ngãi có hơn 200 nghìn đồng bào DTTS (khoảng 15% dân số của tỉnh), trong đó có 3 DTTS có đông dân số là Hrê, Cor và Ca Dong. Những năm qua, tỉnh ta đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách nhằm phát huy mọi nguồn lực để phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi. Nhờ đó tạo nên những thành tựu quan trọng trên nhiều mặt đời sống xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho đồng bào các DTTS trên địa bàn.
Tuy nhiên, hiện nay đã có nhiều nét văn hóa truyền thống tốt đẹp như ngôn ngữ, lễ hội, kiến trúc, phong tục tập quán, tín ngưỡng. Đặc biệt là ngôn ngữ (gồm tiếng nói, chữ viết) của các DTTS đang dần bị mai một theo thời gian. Các dân tộc này đều có bản sắc văn hóa và tiếng nói riêng (Hrê có chữ viết riêng); tuy nhiên việc hình thành, lưu truyền bản sắc văn hóa của đồng bào DTTS từ xưa tới nay phần lớn thông qua tiếng nói và truyền miệng.
Bên cạnh đó, quá trình phát triển, hội nhập kinh tế, giao thoa văn hóa diễn ra nhanh chóng đã tác động mạnh mẽ đến đời sống đồng bào DTTS. Nhiều người là DTTS ít sử dụng "tiếng mẹ đẻ" của mình trong giao tiếp hằng ngày. Điều này dẫn đến tình trạng người đồng bào DTTS nói được “tiếng mẹ đẻ” của mình suy giảm mạnh, nhất là thanh thiếu niên.
Ngoài ra, hiện chính sách về việc dạy và học tiếng nói, chữ viết của DTTS trong các cơ sở giáo dục chưa được triển khai thực hiện trên địa bàn tỉnh. Nguyên nhân là chưa có giáo trình dạy tiếng dân tộc trong nhà trường, cũng như chưa có giáo viên dạy tiếng dân tộc đạt yêu cầu theo quy định của Bộ GD&ĐT.
Để gìn giữ ngôn ngữ của các DTTS trên địa bàn tỉnh, thời gian qua, Sở Nội vụ đã phối hợp với Trường Đại học Phạm Văn Đồng tổ chức các lớp giảng dạy tiếng đồng bào DTTS (Hrê và Cor) cho cán bộ, công chức, viên chức, giáo viên, nhất là những người đang công tác tại các huyện miền núi. Bên cạnh đó, ông Rô Đăm Bình, ở thị trấn Ba Tơ (Ba Tơ) đã tâm huyết, đóng góp công sức vào xuất bản cuốn “Tài liệu đào tạo, bồi dưỡng tiếng Hrê dành cho cán bộ, công chức công tác ở miền núi và làm công tác dân tộc tỉnh Quảng Ngãi”. Đây đang là tài liệu duy nhất, chính thức sử dụng phục vụ giảng dạy tiếng Hrê ở các huyện miền núi trong tỉnh. Với nghệ nhân ưu tú Hồ Văn Biên, ở xã Trà Sơn (Trà Bồng) thì truyền dạy cho thanh niên địa phương các điệu hát múa, đánh chiêng của dân tộc Cor. Ngoài ra, các câu lạc bộ văn hóa dân gian, dân tộc các DTTS được thành lập ở các huyện Sơn Tây, Sơn Hà, Trà Bồng... thu hút lớp thanh niên trẻ tham gia, góp phần bảo tồn tiếng nói của các DTTS ở các huyện miền núi trong tỉnh.
Hiện nay, Quảng Ngãi đang thực hiện đề tài khoa học: “Xây dựng cơ sở dữ liệu điện tử tiếng đồng bào dân tộc thiểu số Việt - Hrê, Việt - Cor” (được UBND tỉnh phê duyệt năm 2021). Sau khi từ điển điện tử tiếng đồng bào DTTS Quảng Ngãi hoàn thành sẽ là nơi lưu giữ ngôn ngữ, giá trị văn hóa truyền thống, hình ảnh, phong tục, tập quán của các DTTS trên địa bàn tỉnh, góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị truyền thống độc đáo của mỗi dân tộc.