Truyền thống là nhịp đập văn hóa, là dấu ấn của quá khứ và nguồn cảm hứng cho tương lai. Ở Đắk Lắk, mảnh đất của những câu chuyện dân gian và nền văn hóa đậm đà bản sắc, việc gìn giữ những nghề truyền thống không chỉ là việc bảo tồn di sản mà còn là sự kỳ vọng vào sức sống mới, sự phát triển bền vững của cộng đồng.
Dệt thổ cẩm và đan lát là hai nghề thủ công truyền thống gắn bó với đời sống người đồng bào dân tộc Ê Đê từ bao đời nay. Tuy thị hiếu của người tiêu dùng có sự thay đổi và sản phẩm làng nghề đang gặp phải những thách thức về việc giữ chân khách hàng, nhưng vẫn tồn tại những nghệ nhân chân chính nặng lòng níu giữ và bảo vệ nghề truyền thống của cha ông.
“Đau đáu” giữ lửa cho nghề truyền thống
Trong thời đại của sự hội nhập và phát triển, nhiều sản phẩm từ nghề thủ công truyền thống dường như đang dần mất đi, được thay thế bằng những sản phẩm công nghệ. Điều này đặt ra nguy cơ cho sự tồn tại của các nghề truyền thống và di sản văn hóa của dân tộc. Trước tình trạng này, nhiều nghệ nhân tại các buôn làng trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk đang đang nỗ lực không ngừng để gìn giữ và tìm kiếm cơ hội làm sống lại nghề thủ công truyền thống của tổ tiên.
Ông Y Sơn Niê, 75 tuổi (Xã Ea Tu, TP. Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk), một trong số ít người Ê Đê còn giữ, đeo bám với nghề đan lát tâm sự: “Ngày xưa đồng bào mình quanh năm sống bằng nương rẫy nên rất cần có những dụng cụ sản xuất và sinh hoạt bằng mây, tre đan. Người Ê Đê vào rừng khai thác lồ ô về đan những vật dụng phục vụ sinh hoạt gia đình, và trao đổi đồ dùng với các dân tộc khác”.
Ngày nay, nghề đan lát truyền thống rất ít người làm. Kinh tế phát triển, người ta ưa chuộng hàng công nghiệp. “Tôi nay đã già yếu, không còn sức khỏe để đi nương, đi rẫy... ngoài việc dựa vào đôi tay và kinh nghiệm, đan lát kiếm ít đồng mưu sinh qua ngày thì chỉ muốn bảo tồn nghề truyền thống của cha ông để lại”, ông Y Sơn nói.
Tại thành phố Buôn Ma Thuột, nhắc đến buôn Ako Dhong người ta nghĩ ngay đến danh xưng buôn cổ. Bởi nơi đây vẫn giữ được nhiều giá trị văn hóa truyền thống của người Ê Đê, trong đó có những câu chuyện bảo tồn nghề truyền thống của nhiều nghệ nhân đã lớn tuổi.
Đau đáu trong việc giữ gìn nghề, già Ama H’Loan, (Buôn Ako Dhong) dù đã cao tuổi, vẫn miệt mài đan những chiếc gùi để bán cho người dân trong buôn và du khách. Già H’Loan cho biết, khoảng hơn 20 năm về trước, nghề đan gùi phát triển khá rầm rộ. Buôn nào cũng có vài ba tổ, nhóm làm nghề, và đồng bào Ê Đê xem chiếc gùi là vật “bất ly thân” trong lao động sản xuất nên nhà nào cũng có từ 5 - 7 chiếc. Tuy nhiên, ngày nay họ ít mang gùi đi rẫy, chỉ khi nào có lễ của cộng đồng hay ca hát ở địa phương mới sử dụng đến. Vì vậy, nghề này cũng dần mai một.
Theo già Ama H’Loan, bây giờ còn rất ít người biết và duy trì đan lát. Để hoàn thành một sản phẩm đan lát cần rất nhiều thời gian và công sức, vì vậy, hiện nay giới trẻ cũng không mấy mặn mà như thời tuổi trẻ của bà ngày xưa. Những người trẻ bây giờ học xong không thường xuyên đan nên dần dần cũng quên nghề.
“Những người già biết đan lát ở trong buôn như tôi rồi cũng mất đi. Tôi sợ rằng một ngày không xa nghề đan lát này sẽ bị mai một”, già H’Loan buồn rầu nói.
Cũng giống như đan lát, nghề dệt truyền thống có vị trí quan trọng trong đời sống đồng bào ở các buôn làng Tây Nguyên.Trăn trở với nghề dệt thổ cẩm truyền thống, bà H’Wiêt Byă ở buôn Kplang, xã Tân Tiến, huyện Krông Pắk vẫn ngày ngày miệt mài bên khung cửi, tạo ra những sản phẩm thổ cẩm họa tiết sắc sảo, hoa văn đẹp mắt.
Bà H’Wiêt kể: Từ khi còn nhỏ, tôi đã thấy mẹ hàng ngày ngồi bên khung cửi dệt thổ cẩm, làm chăn đắp và may đồ cho gia đình. Mẹ dạy tôi cách giăng khung, luồn chỉ, và dệt những tấm vải thổ cẩm. Đến khi tôi 15 tuổi, tôi đã thành thạo nghề và dệt nhiều sản phẩm cho gia đình sử dụng. Để tạo ra những họa tiết và hoa văn đẹp, tôi còn học hỏi từ các bà và các cô trong buôn, nắm được nhiều kỹ năng tạo hoa văn rất đẹp. Vì vậy, sản phẩm thổ cẩm của tôi vẫn được nhiều người tìm mua.
Thực tế cho thấy, thời gian qua, nhằm lưu giữ nghề truyền thống của cha ông mình các nghệ nhân dệt thổ cẩm và đan lát ở địa phương đã nỗ lực truyền dạy lại cho người trẻ. Tuy nhiên, việc tìm kiếm thế hệ kế cận để bảo tồn và gìn giữ nghề truyền thống đang đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức.
Hướng đi mới cho nghề truyền thống
Việc phát triển nghề truyền thống ở Đắk Lắk trong những năm qua đã đạt được những kết quả tích cực, đóng góp vào sự phát triển kinh tế xã hội của tỉnh. Một trong những điểm nổi bật là việc tận dụng thế mạnh văn hóa và lịch sử của Đắk Lắk để tạo ra các sản phẩm độc đáo và đặc biệt. Sản phẩm từ các nghề truyền thống này không chỉ được xem là hàng hóa mà còn là những tác phẩm nghệ thuật, mang giá trị văn hóa và tinh thần đặc trưng của vùng đất Tây Nguyên.
Đáng ghi nhận là việc bảo tồn và phát triển nghề truyền thống gắn với phát triển du lịch đã trở thành một hướng đi mới được tỉnh tập trung thực hiện. Nhiều câu lạc bộ, tổ dệt thổ cẩm của người Ê-đê ở các buôn, xã trong thành phố Buôn Ma Thuột đã hợp tác với các công ty du lịch tổ chức sản xuất, tạo ra sản phẩm du lịch mới là thăm quan làng nghề, góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống và tạo động lực cho hộ gia đình giữ gìn nghề truyền thống của dân tộc.
Ông Từ Văn Hợi, Chủ tịch UBND xã Hòa Xuân, TP.Buôn Ma Thuột cho biết, xã Hòa Xuân rất quan tâm công tác bảo tồn, phát huy giá trị bản sắc văn hóa dân tộc thiểu số. Việc thành lập Câu lạc bộ và mở lớp hướng dẫn, truyền dạy dệt thổ cẩm truyền thống của người Ê Đê chính là bước khởi đầu. Chính quyền địa phương, các nghệ nhân, các học viên cần nỗ lực hơn nữa để bảo tồn, khôi phục, phát huy giá trị văn hóa nghề thủ công truyền thống của đồng bào dân tộc Ê Đê, gắn với phát triển du lịch cộng đồng trong tương lai.
Theo ông Lại Đức Đại, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk, để bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của các dân tộc, trong đó có nghề truyền thống, các địa phương cũng đang rất nỗ lực, cố gắng. Hiện nay, định kỳ hàng năm hoặc 2 năm/lần các huyện tổ chức Ngày hội Văn hóa - Thể thao các dân tộc thiểu số nhằm quảng bá, phát huy bản sắc văn hóa các DTTS với nhiều nội dung như, biểu diễn cồng chiêng, văn nghệ dân gian; thi giã gạo, đan lát, dệt thổ cẩm… Tuy nhiên, số nghệ nhân tham gia đan lát chỉ còn đếm trên đầu ngón tay, còn nghề dệt thổ cẩm chủ yếu nghệ nhân lớn tuổi tham gia.