 |
Bánh trứng kiến đặc sản của người Tày tại Cao Bằng. |
Loại bánh đặc biệt này được coi là đặc sản của người Tày ở vùng Cao Bằng. Nguyên liệu chính của bánh chính là trứng kiến và bột nếp nương. Vì phụ thuộc vào nguyên liệu đặc biệt này nên hàng năm chỉ có thể làm bánh từ đầu tháng 4 cho đến cuối tháng 5. Đây là thời gian sinh trưởng mạnh nhất của loài kiến đen rừng.
 |
Trứng kiến thường có vào tháng 4 -5 hàng năm. |
 |
Nguyên liệu chính để làm bánh trứng kiến chính là trứng non của kiến đen rừng. |
Tuy nhiên, theo như người làm bánh lâu năm chia sẻ, không phải trứng loài kiến nào cũng được lựa chọn để làm bánh. Người Cao Bằng chỉ tìm kiếm loại kiến đen trong rừng. Đây là loại kiến có thân màu nâu, bụng màu đen, to gấp 4-5 lần kiến trung bình. Trứng kiến có màu trắng sữa, to bằng hạt gạo, mẩy và trong, có hàm lượng dinh dưỡng cao. Loại kiến đen này thường làm tổ và đẻ trứng trên những chạc cây như vầu, nứa, xoan… Để lấy được trứng kiến, người dân phải vào rừng sâu, tìm những tổ kiến trên những thân cây này.
Ngoài nguyên liệu đơn giản, công đoạn làm bánh trứng kiến cũng không quá cầu kỳ nhưng muốn bánh được ngon thì yêu cầu người làm bánh cũng cần có sự khéo léo. Trứng kiến non sau khi lấy về sẽ được rửa sạch nhẹ nhàng, tránh xối nước trực tiếp sẽ làm trứng bị vỡ và mất đi dinh dưỡng, sau đó để ráo nước. Phi thơm trứng kiến với hành khô và thịt lợn xay, ít lá kiệu thái nhỏ vào đảo cùng nêm nếm vừa miệng, đun hỗn hợp trên lửa nhỏ đến khi chín và dậy mùi thì tắt bếp.
 |
Lá vả có tác dụng thanh nhiệt, nhuận tràng. |
Lá vả chọn lấy những lá non, lành lặn thì hái về rửa sạch, để ráo nước. Phần vỏ bánh được làm từ gạo nếp nương, hạt to và dẻo, đãi sạch rồi ngâm với nước lạnh qua đêm, sau đó để ráo nước, xay thành bột và nhào nặn với nước. Sau khi nhào nặn cho bột thật dẻo và mịn, bột nếp sẽ được cán mỏng thành từng miếng nhỏ cỡ bằng bàn tay. Sau đó, ốp miếng bột nếp đó vào một chiếc lá vả, rải nhân lên mặt bột bánh (chỉ trải nhân một nửa), cuối cùng là gấp một nửa phần còn lại lên phần đã trải nhân sao cho bột nếp và lá vả phủ hết không cho lớp nhân lộ ra ngoài. Cuối cùng, bánh được hấp cách thủy khoảng 45 - 50 phút kiểm tra bánh nếu đã phồng, thơm thì có nghĩa bánh đã đủ chín.
 |
Được gói bằng lá vả non, khi ăn có thể ăn được cả lá gói bánh. |
Khi chín bánh trứng kiến sẽ dẻo mịn, thơm mùi gạo nếp nương lẫn hương lá vả. Loại bánh này có thể ăn nóng hay nguội tùy theo khẩu vị vì ăn cách nào cũng cảm nhận được vị ngon rất riêng. Ngoài vị dẻo của gạo nếp nương, vị mềm của lá vả, người ăn còn cảm nhận rõ vị béo béo ngậy ngậy của trứng kiến. Cắn vào một miếng là thấy tiếng trứng kiến nổ lép bép ngay trong miệng.
Thưởng thức những chiếc bánh trứng kiến du khách sẽ phần nào cảm nhận được hương vị đặc biệt của núi rừng, đồng quê, vị đậm đà và béo bùi mà không thể tìm kiếm ở các loại bánh nếp khác. Nếu có dịp đến với Cao Bằng vào khoảng thời gian tháng 4 và tháng 5, đừng quên thử một lần thưởng thức món bánh kỳ lạ mà rất thú vị này.
 |
Món ăn được làm từ những nguyên liệu dân dã hòa quyện với nhau làm nên một thức bánh quyến rũ lòng người. |