Để hỗ trợ kịp thời cho những hộ nghèo, khó khăn, nhất là trong những tháng giáp hạt, Ban Dân tộc tỉnh Bắc Kạn đề nghị tăng cường sự đầu tư cho các khu vực đặc biệt khó khăn về cơ sở hạ tầng, phát triển sản xuất, trợ cấp cho các hộ nghèo không có khả năng thoát nghèo; khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp nông thôn, hỗ trợ phát triển kinh tế trang trại, kinh tế hộ gia đình và sớm ban hành các văn bản hướng dẫn tổ chức thực hiện và phân bổ nguồn kinh phí Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030.
Nhiều phần quà tới đồng bào dân tộc thiểu số nghèo nhân dịp Tết
Báo cáo thăm nắm tình hình đời sống nhân dân, đồng bào sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần của Ban Dân tộc tỉnh Bắc Kạn cho biết, thực hiện Chỉ thị 35/CT-TTg ngày 31/12/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường các biện pháp bảo đảm đón Tết Nguyên đán Nhâm Dần; Nghị định 20/2021/NĐ-CP ngày 15/3/2021 của Chính phủ quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội… UBND tỉnh Bắc Kạn đã ban hành văn bản chỉ đạo các đơn vị, địa phương thực hiện các chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội, xây dựng kế hoạch thăm hỏi, tặng quà và trợ giúp xã hội trong dịp tết Nguyên đán Nhâm Dần năm 2022, vận động các tổ chức, cá nhân chăm lo Tết cho đối tượng bảo trợ xã hội, người có hoàn cảnh khó khăn, người nghèo.
Đáng chú ý, ngày 26/1/2022, Ban đã phối hợp với đoàn công tác của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Uỷ ban Dân tộc thăm và tặng quà cho các tập thể, cá nhân trong tỉnh với tổng số tiền 222,5 triệu đồng.
Ngoài ra, còn phối hợp với Công ty Cổ phần Đầu tư và Dịch vụ GOLD MINERL Bắc Kạn và Sapa Tuyết Anh Bắc tổ chức tặng quà với tổng số tiền 101,7 triệu đồng (180 suất quà trị giá 90 triệu đồng cho các hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo nhân dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần năm 2022 và tặng 180 áo phao mùa đông với số tiền 11,7 triệu đồng cho 1 học sinh nghèo có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, trên địa bàn các xã Quảng Khê, Đồng Phúc, Hoàng Trĩ, huyện Ba Bể; Cổ Linh, huyện Pác Nặm; Sỹ Bình, huyện Bạch Thông và Liêm Thuỷ, huyện Na Rì.
Để góp phần ổn định đời sống nhân dân trong dịp Tết Nguyên đán và thực hiện kịp thời việc cứu trợ xã hội đối với những hộ có hoàn cảnh khó khăn, các đơn vị, địa phương trong tỉnh đã tổ chức các đoàn đi thăm hỏi, tặng quà các gia đình chính sách người có công, hộ nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn với 16.682 suất quà tổng giá trị hơn 5,6 tỷ đồng và thực hiện hỗ trợ gạo cứu đói dịp Tết cho 2.129 hộ, 7.727 nhân khẩu với tổng số gạo là 100.607 kg.
Tăng cường hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện chính sách trợ giúp xã hội
Sau Tết Nguyên đán, UBND tỉnh tăng cường việc thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, trong đó công tác chỉ đạo điều hành bảo đảm trật tự an toàn xã hội và quan tâm hỗ trợ, chăm lo đời sống vật chất tinh thần cho nhân dân được quan tâm thực hiện.
Chỉ đạo các sở ngành, UBND các huyện thực hiện tốt công tác bảo đảm an sinh xã hội, nhất là các gia đình chính sách, chăm lo cho người nghèo và chỉ đạo công tác sản xuất vụ Xuân đảm bảo các loại cây trồng được gieo cấy hết diện tích theo kế hoạch; đẩy mạnh phát triển chăn nuôi; triển khai các biện pháp phòng chống đói, rét, dịch bệnh cho gia súc, gia cầm,…
Tuy nhiên, theo Ban Dân tộc tỉnh Bắc Kạn, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 việc tổ chức triển khai các chính sách chăm lo hỗ trợ người nghèo, hộ gia đình chính sách gặp nhiều khó khăn.
Đồng thời các hộ nghèo không có khả năng thoát nghèo như người cao tuổi, khuyết tật, ngoài độ tuổi lao động, hộ nghèo trong độ tuổi lao động có thành viên thường xuyên ốm đau...nên những chính sách hỗ trợ giảm nghèo cho những hộ này khó thực hiện.
Ngoài ra, một bộ phận nhỏ đồng bào dân tộc thiểu số còn có tâm lý trông chờ, ỷ lại vào các chính sách của nhà nước. Việc huy động nguồn lực xã hội hóa thực hiện công tác giảm nghèo chưa cao nên số lượng hộ nghèo được hỗ trợ theo nguồn vốn còn ít.
Do thời tiết, dịch bệnh có diễn biến phức tạp, xảy ra một số đợt rét đậm, rét hại kéo dài gây khó khăn trong công tác sản xuất nông nghiệp; dịch tả lợn Châu Phi gây thiệt hại về gia súc như số lượng con trâu, bò bị chết nhiều,... gây thiệt hại lớn về kinh tế và thu nhập, trực tiếp ảnh hưởng đến đời sống nhân dân, hạn chế sản xuất dẫn đến một số đối tượng chính sách có nguy cơ đói giáp hạt, nhất là các đối tượng bảo trợ xã hội, người nghèo, có hoàn cảnh khó khăn.
Để hỗ trợ những hộ nghèo, khó khăn trong những tháng giáp hạt, Ban Dân tộc tỉnh cho biết, địa phương này sẽ tiếp tục nâng cao nhận thức các ngành, các cấp và cộng đồng, bảo đảm thực hiện chính sách trợ giúp xã hội kịp thời, đúng đối tượng; tiếp nhận, giải quyết hồ sơ kịp thời, đúng đối tượng, quy trình, thủ tục hành chính; tổ chức thực hiện chính sách trợ giúp xã hội trên địa bàn.
Tăng cường công tác quản lý, hướng dẫn, kiểm tra tình hình thực hiện chính sách trợ giúp xã hội và tình hình hoạt động của các cơ sở trợ giúp xã hội trên địa bàn tỉnh, thực hiện các giải pháp vận động xã hội hóa hỗ trợ các đối tượng bảo trợ xã hội có hoàn cảnh khó khăn.