Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bắc Ninh Vương Quốc Tuấn vừa ký ban hành Quyết định số 223/QĐ-UBND phê duyệt Đề án “Xây dựng thí điểm sản phẩm OCOP du lịch tỉnh Bắc Ninh giai đoạn 2023-2025”.
Theo Quyết định, giai đoạn 2023 – 2025, tỉnh Bắc Ninh đầu tư hơn 63 tỷ đồng xây dựng sản phẩm OCOP du lịch tại 3 địa điểm làng nghề, làng văn hoá trên địa bàn tỉnh, theo nguyên tắc “Bản sắc địa phương, chất lượng toàn cầu”, cụ thể là: Làng nghề tranh Đông Hồ tại phường Song Hồ, thị xã Thuận Thành; Làng nghề gốm Phù Lãng tại xã Phù Lãng, thị xã Quế Võ; Làng quan họ Viêm Xá tại phường Hoà Long, thành phố Bắc Ninh.
Mục tiêu của Đề án nhằm khai thác tiềm năng, lợi thế tài nguyên du lịch nông nghiệp, làng nghề, làng nghề truyền thống, hệ thống các di sản văn hóa của tỉnh Bắc Ninh để hình thành các sản phẩm du lịch theo hướng du lịch xanh, có trách nhiệm, bền vững, mang bản sắc đặc trưng văn hóa con người Bắc Ninh - Kinh Bắc thu hút người dân và du khách đến tham quan, vui chơi, giải trí. Kết hợp bảo tồn văn hóa, giới thiệu hình ảnh đẹp về văn hóa cư dân địa phương đến với du khách trong nước và quốc tế. Xây dựng tỉnh Bắc Ninh là đơn vị kiểu mẫu về triển khai chương trình du lịch gắn với chương trình OCOP trong xây dựng nông thôn mới.
Mục tiêu phấn đấu, năm 2024, công nhận 3 điểm OCOP du lịch đạt 3-4 sao; năm 2025 có ít nhất 1 điểm công nhận 5 sao; công nhận 3-5 sản phẩm OCOP đặc trưng, nổi trội của các địa phương triển khai xây dựng thí điểm sản phẩm OCOP du lịch cộng đồng.
Một trong những nhiệm vụ, giải pháp nhằm đạt các mục tiêu trên là tập trung vào quy hoạch cơ sở hạ tầng điểm du lịch; không gian cảnh quan cho điểm du lịch cộng đồng theo quy hoạch của địa phương; Rà soát, bổ sung hồ sơ công nhận điểm du lịch OCOP; hoàn thiện các hạng mục theo tiêu chí về công nhận OCOP điểm du lịch.
Nhiệm vụ đào tạo, tập huấn kỹ năng làm du lịch, quản lý kinh doanh, thiết kế mẫu mã, bao bì sản phẩm, kỹ năng ngoại ngữ, giao tiếp, đón tiếp và phục vụ khách du lịch... cho các hộ gia đình tham gia vào sản xuất, kinh doanh sản phẩm, dịch vụ tại điểm du lịch; Phối hợp cung cấp thông tin trên các trang điện tử lữ hành để quảng bá điểm đến; xây dựng 3 bộ phim chuyên đề cho 3 sản phẩm du lịch làng nghề; xây đa kênh truyền thông để giới thiệu, quảng bá sản phẩm, dịch vụ du lịch.
Ngoài ra, xây dựng hạ tầng Internet cho việc quản lý, điều hành điểm du lịch, thiết lập nền tảng số để du khách tiếp cận điểm du lịch được thuận tiện, dễ dàng. Ứng dụng các thành tựu về khoa học, kỹ thuật công nghệ trong cải tiến mẫu mã, kiểu dáng, bao bì, sản phẩm làng nghề nhằm mang đến diện mạo mới cho các sản phẩm truyền thống; đáp ứng nhu cầu, thị hiếu của thị trường trong nước và quốc tế.