(DTTG)Hát then, đàn tính là nét sinh hoạt văn hóa độc đáo của đồng bào dân tộc Tày, Nùng,… ở các tỉnh miền núi phía bắc, góp phần tạo nên tính đa dạng của văn hóa các dân tộc nước ta. Tại tỉnh Bắc Kạn trong những năm qua, công tác bảo vệ giữ gìn nét độc đáo, văn hóa truyền thống nghệ thuật hát then được các bạn trẻ quan tâm, phát triển lưu giữ bản sắc độc đáo đồng bào.
Bắc Kạn là một trong những nơi nghệ thuật hát then, đàn tính được bảo tồn và phát triển. Ở mỗi vùng, làn điệu Then lại có những nét độc đáo riêng, ví như: Then Lạng Sơn dìu dặt tha thiết, Then Tuyên Quang dồn dập như thúc quân ra trận, Then Hà Giang nhấn nhá từng tiếng một, Then Bắc Kạn lại như kể thầm thì những câu chuyện cuộc sống, câu chuyện lịch sử, câu chuyện hàng ngày.
Toàn tỉnh Bắc Kạn hiện có 17 di sản văn hóa phi vật thể được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào "Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia". Cụ thể, gồm: “Múa khèn của người Mông ở Bắc Kạn”; “Chữ viết của dân tộc Dao”; “Nghi lễ quá tăng (lễ cấp sắc) của người Dao ở Bắc Kạn”; “Lễ cấp sắc của then Tày”; “Chữ Nôm của dân tộc Tày”; “Lượn slương của dân tộc Tày”; “Lễ hội lồng tồng Ba Bể”; “Nghề dệt thủ công truyền thống của người Tày”; “Lễ cầu năm mới, cầu mùa của dân tộc Dao”; “Lễ mừng sinh nhật (mừng thọ) của người Nùng”; “Lễ cấp sắc cho thầy Tào của người Tày”; “Lễ cấp sắc pụt (lẩu pụt) của người Tày”; “Nghệ thuật trang trí hoa văn trên trang phục của người Dao đỏ”; “Lượn cọi của người Tày huyện Pác Nặm”; “Hát pá dung của người Dao”; “Lễ kỳ yên của người Tày” và “Hát sli của người Nùng” (xã Xuân Dương, Na Rì).
Ðồng bào dân tộc Tày, Nùng chiếm hơn 70% dân số cư trú trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn, hát then là một nhu cầu sinh hoạt tâm linh, văn hóa, tinh thần không thể thiếu đối với họ. Những gia đình người dân tộc Tày, Nùng ở nông thôn có điều kiện kinh tế, đầu năm thường mời nghệ nhân về nhà hát then cầu lộc, cầu tài, mong ước những điều may mắn, khát vọng về cuộc sống bình yên. Trong những cuộc hát then như vậy, chủ nhân thường mời anh em, họ hàng thân thích, hàng xóm gần gũi đến nghe, thưởng thức hát then và kết thúc bằng một bữa liên hoan vui vẻ, chan chứa tình người.
Trong suốt chiều dài lịch sử, hát then, đàn tính đã trở thành di sản nghệ thuật truyền thống độc đáo của Bắc Kạn. Hát Then và đàn Tính bắt nguồn từ cuộc sống lao động của người Tày cổ. Theo quan niệm dân gian, Then có nghĩa là Thiên, Thiên tức là “trời”, được coi là điệu hát của thần tiên truyền lại. Chính vì thế, trong đời sống của người Tày cổ, nó được dùng trong những sự kiện trọng đại hay lễ cầu an, cầu mùa, gọi hồn… Đồng bào Tày quan niệm rằng: những điệu then giúp họ gửi lời cầu khấn đến nhà trời.
Hát Then là sự tổng hòa của nhiều hoạt động nghệ thuật như: múa, đàn, hát… Đàn Tính là một loại nhạc cụ dân gian độc đáo của người Tày, mang lại âm thanh mượt mà, ngọt ngào và ấm áp. Đàn được làm bằng vỏ bầu, mặt đàn làm bằng gỗ vông, cán làm bằng gỗ cây khảo quang hoặc cây dâu tằm. Tiếng hát Then và đàn Tính hòa quyện, phản ảnh tâm tư tình cảm của người chơi và người nghe, tạo cảm giác bâng khuâng lưu luyến.
Lời hát Then vốn là những câu chữ được dân gian chắt lọc, gọt giũa; vừa là những câu thơ trữ tình, giàu nhạc điệu, vừa là lời khuyên răn, khích lệ; vừa là những kinh nghiệm về đối nhân xử thế... Cho nên nghe đàn Tính, nghe lời hát Then, người ta cứ thấy trong đó tái hiện lại chính cuộc sống của mình.
Nhằm lưu giữ và phát huy nghệ thuật của hát Then, đàn Tính, Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch Bắc Kạn đã mời các nghệ nhân hướng dẫn, truyền dạy loại hình nghệ thuật này cho thế hệ trẻ. Các cấp, ngành và nhân dân Bắc Kạn tiếp tục duy trì loại hình nghệ thuật này không chỉ trên sân khấu mà còn diễn trong ngày lễ tết, cầu an, cầu may, chúc thọ… Đồng thời, tỉnh còn gắn hát Then - đàn Tính với phát triển du lịch, phục vụ du khách thập phương khi trải nghiệm, khám phá bản sắc văn hóa dân tộc, vừa nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần, giúp đồng bào có công ăn việc làm cải thiện cuộc sống, vừa tăng thêm phần hấp dẫn đối với du khách khi đến với Bắc Kạn.
![]() |
Cán bộ Tòa án Nhân dân huyện Ba Bể cùng tham gia phong trào giới trẻ lưu giữ nghệ thuật Hát then – đàn tính |
Nghệ nhân Mã Trung Trực sinh ra và lớn lên ở vùng hồ Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn. Không chỉ là một nghệ nhân có tiếng với chất giọng ấm áp cùng ngón đàn mượt mà trên những cây đàn do chính tay anh chế tạo, anh còn thành lập các câu lạc bộ hát then đàn tính, vừa để duy trì phong trào, vừa phục vụ du khách tham quan hồ Ba Bể. Ngôi nhà sàn của anh cũng chính là nơi tổ chức các lớp dạy đàn, hát cho các cháu thanh, thiếu nhi và những người yêu then tính trong vùng, 2 vợ chồng anh cũng chính là giảng viên đứng lớp.
![]() |
Nghệ nhân Mã Trung Trực tin tưởng việc được vinh danh sẽ có thêm nhiều bạn trẻ biết và đam mê với những điệu then, tiếng tính quê hương. |
Nghệ nhân Mã Trung Trực bộc bạch: "Cá nhân tôi là người lưu giữ văn hóa hát then đàn tính và dạy hát then đàn tính, tôi thấy vui vì thế hệ trẻ ngày nay rất quan tâm đến thể loại này. Và đó cũng là động lực để tôi thấy mình cần có trách nhiệm truyền dạy nhiều hơn những gì mình biết cho thế hệ trẻ hôm nay".
Cơ quan quản lý văn hóa ở các huyện trong tỉnh cũng có nhiều hình thức bảo tồn hát then, như: hướng dẫn thành lập câu lạc bộ hát then ở các thôn, bản ở huyện Na Rì, thị xã Bắc Cạn nhằm tập hợp các nghệ nhân, những người biết hát và yêu thích hát then để luyện tập, phục vụ cộng đồng ở nơi cư trú. Phòng Văn hóa - Thông tin các huyện trên địa bàn tỉnh đều xây dựng kế hoạch dạy các em học sinh hát then, đánh đàn tính vào dịp các em được nghỉ hè.
Ðội văn nghệ quần chúng bản Pác Ngòi, xã Nam Mẫu (Ba Bể) là một điển hình, nơi tập hợp đội ngũ thanh niên nam nữ ở địa phương, được ngành văn hóa huấn luyện hát then, đánh đàn tính, may sắm trang phục để biểu diễn phục vụ du khách đến du lịch hồ Ba Bể. Hát then cùng với bảo tồn nhà sàn của người dân tộc Tày, Nùng ở bản Pác Ngòi từ lâu đã là địa chỉ du lịch hấp dẫn đối với nhiều du khách trong và ngoài nước.
|