Tiêu điểm

Bà Trương Thị Mai: Sẽ thêm nguồn lực hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số

Lưu Trọng Đạt 06/05/2024 - 08:02

Mới đây, tại huyện Đà Bắc, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai cùng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hòa Bình tổ chức hội nghị tiếp xúc cử tri trước Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV nhiệm kỳ 2021 - 2026.

vna_potal_thuong_truc_ban_bi_thu_tiep_xuc_cu_tri_tai_hoa_binh_142008427_7358815.jpg
Thường trực Ban Bí thư Trương Thị Mai phát biểu tại hội nghị tiếp xúc cử tri huyện Đà Bắc. Ảnh: Trọng Đạt-TTXVN

Tại buổi tiếp xúc, Phó trưởng Đoàn chuyên trách phụ trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hòa Bình Đặng Bích Ngọc đã thông tin tới cử tri dự kiến nội dung chương trình Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV. Đồng thời, thông báo kết quả giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri tại các cuộc tiếp xúc trước và sau Kỳ họp thứ 6; báo cáo kết quả hoạt động của Đoàn về tiếp thu ý kiến, kiến nghị của cử tri phản ánh tới Quốc hội, Chính phủ, các ban, bộ, ngành ở Trung ương, địa phương.

vna_potal_thuong_truc_ban_bi_thu_tiep_xuc_cu_tri_tai_hoa_binh_7358821.jpg
Tổng Kiểm toán Nhà nước Ngô Văn Tuấn phát biểu tại hội nghị tiếp xúc cử tri huyện Đà Bắc. Ảnh: Trọng Đạt-TTXVN

Tại huyện Đà Bắc, cử tri đề xuất, kiến nghị với đại biểu Quốc hội tỉnh một số nội dung như: Chính sách chi trả phí dịch vụ môi trường rừng, xây dựng hệ thống cảnh báo phòng, chống thiên tai trên địa bàn và đảm bảo cung cấp nước sạch cho nhân dân...

vna_potal_thuong_truc_ban_bi_thu_tiep_xuc_cu_tri_tai_hoa_binh_7358828.jpg
Cử tri nêu ý kiến tại hội nghị. Ảnh: Trọng Đạt-TTXVN

Cử tri cũng đề nghị quan tâm lắp đặt hệ thống đài phát thanh khu vực dân cư; tăng cường cơ sở vật chất cho Công an xã nhằm đảm bảo an ninh trật tự, đẩy mạnh công tác phòng, chống tội phạm; chính sách hỗ trợ đền bù, giải phóng mặt bằng khi triển khai các dự án về hạ tầng giao thông, vấn đề thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, điều chỉnh tăng mức hỗ trợ xây dựng nhà ở cho các hộ nghèo, cận nghèo… Từ đó, tạo động lực phát triển kinh tế cho huyện Đà Bắc.

vna_potal_thuong_truc_ban_bi_thu_tiep_xuc_cu_tri_tai_hoa_binh_7358829.jpg
Cử tri nêu ý kiến tại hội nghị. Ảnh: Trọng Đạt-TTXVN

Lãnh đạo các sở, ngành liên quan, đại diện Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hòa Bình đã trả lời, làm rõ ý kiến, kiến nghị của cử tri huyện Đà Bắc.

vna_potal_thuong_truc_ban_bi_thu_tiep_xuc_cu_tri_tai_hoa_binh_7358830.jpg
Cử tri nêu ý kiến tại hội nghị. Ảnh: Trọng Đạt-TTXVN

Tại buổi tiếp xúc, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai biểu dương những kết quả nổi bật huyện Đà Bắc nói riêng và tỉnh Hòa Bình nói chung đạt được thời gian qua. Đồng thời ghi nhận, làm rõ thêm ý kiến, kiến nghị của cử tri, nhất là ý kiến liên quan đến chính sách của Đảng, Nhà nước đang tổ chức, triển khai còn gặp khó khăn, vướng mắc.

vna_potal_thuong_truc_ban_bi_thu_truong_thi_mai_tiep_xuc_cu_tri_tai_hoa_binh_7358817.jpg
Quang cảnh hội nghị tiếp xúc cử tri tại huyện Đà Bắc. Ảnh: Trọng Đạt-TTXVN

Cử tri huyện Đà Bắc kiến nghị kéo dài Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi giai đoạn 2021-2025. Cử tri cũng đề nghị Quốc hội xem xét giảm một số chỉ tiêu với xã về đích nông thôn mới để phù hợp với đặc thù miền núi; bổ sung diện người khuyết tật được vào chăm sóc, nuôi dưỡng tại cơ sở trợ giúp xã hội.

Thường trực Ban Bí thư cho biết Trung ương đã có chủ trương không chỉ giai đoạn 2025-2030 mà xa hơn nữa, đồng bào dân tộc thiểu số miền núi sẽ tiếp tục được thụ hưởng các chính sách, nguồn lực để nâng cao đời sống, phát triển kinh tế.

"Đây không chỉ là kiến nghị của cử tri huyện Đà Bắc mà còn là kiến nghị chung của cử tri nhiều địa phương, phù hợp với chính sách chăm lo đời sống cho đồng bào dân tộc miền núi của Đảng, Nhà nước", bà Mai nói.

Bà đề nghị cấp ủy, chính quyền địa phương tiếp tục giải quyết kiến nghị của cử tri; lãnh đạo, chỉ đạo phát triển kinh tế xã hội, nâng cao đời sống cho nhân dân, bố trí ngân sách hỗ trợ sinh kế, nhà ở cho đồng bào vùng dân tộc thiểu số và miền núi.

Tháng 11/2023, khi thảo luận về kết quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, Quốc hội đánh giá kết quả giảm nghèo ở một số địa phương chưa thực sự bền vững, nguy cơ tái nghèo, phát sinh nghèo còn cao.

Việc xây dựng nông thôn mới còn chạy theo thành tích, tiêu chí đạt được chưa bền vững, còn nợ, hụt tiêu chí. Việc dừng thực hiện các chính sách ưu tiên với xã khu vực III (xã đặc biệt khó khăn), khu vực II (xã còn khó khăn) khi được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới đã gây khó khăn cho đời sống của một bộ phận người dân mới thoát nghèo, cận nghèo.

Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi triển khai chậm, còn lúng túng. Một số chính sách, dự án chưa sát với thực tế nên chưa phát huy được hiệu quả, đời sống đồng bào chậm được cải thiện.

Tại Nghị quyết giám sát chương trình này, Quốc hội giao Chính phủ, Thủ tướng rà soát, sửa đổi Bộ tiêu chí nông thôn mới các cấp cho phù hợp với tình hình thực tiễn, đặc biệt là vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Chính phủ được yêu cầu xây dựng dự thảo nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù để tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia, trình Quốc hội xem xét, quyết định tại kỳ họp gần nhất theo thủ tục rút gọn.

Những vấn đề cử tri kiến nghị thuộc thẩm quyền của Trung ương, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hòa Bình tiếp thu, ghi nhận và có ý kiến tại kỳ họp Quốc hội sắp tới.

Theo Theo TTXVN
Copy Link
(0) Bình luận
Nổi bật
Làm theo lời Bác Hồ dạy, đồng bào dân tộc thiểu số tích cực thi đua lao động sản xuất
Sinh thời, trong nhiều điện, thư, bài nói chuyện, Chủ tịch Hồ Chí Minh thường xuyên căn dặn đồng bào các dân tộc thiểu số (DTTS): “Phải thi đua tăng gia sản xuất” (Thư gửi đồng bào Khu tự trị Thái - Mèo, ngày 7/5/1955)... để “cho mọi người được no ấm” (Thư gửi đồng bào Hòa Bình, ngày 27/11/1950).
Tin mới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO