Hà Giang là tỉnh miền núi biên giới phía Bắc có diện tích chè lớn thứ 3 cả nước (sau tỉnh Lâm Đồng và Thái Nguyên). Tính đến tháng 9.2023, diện tích chè của Hà Giang đạt trên 21.000 ha, trong đó có 18.200 ha cho thu hoạch và sản lượng chè búp tươi ước đạt trên 90.000 tấn/năm. Các diện tích chè của Hà Giang được trồng tập trung tại 5 huyện Bắc Quang, Quang Bình, Vị Xuyên, Hoàng Su Phì và Xín Mần.
Chè của Hà Giang chủ yếu là chè Shan tuyết và chè Shan tuyết cổ thụ, chiếm trên 90% diện tích chè của tỉnh.
Thực trạng của quá trình phát triển cây chè trên địa bàn Hà Giang
Tuy diện tích chè của Hà Giang khá lớn nhưng chủ yếu được trồng phân tán, mật độ không đảm bảo; bên cạnh đó tại một số huyện vùng cao của tỉnh còn tồn tại khá nhiều diện tích chè cổ thụ có độ tuổi hàng trăm năm. Năng suất chè búp tươi đạt thấp, bình quân 34,7 tạ/ha (chỉ bằng 35 % so với năng suất của chè Thái Nguyên và 42 % năng suất của chè Lâm Đồng).
Nguyên nhân năng suất chè Hà Giang còn thấp là do không đảm bảo mật độ, nhiều diện tích chè đã bước vào giai đoạn già cỗi, việc đầu tư thâm canh không đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật (chỉ có khoảng 25,6 % diện tích đảm bảo về tiêu chuẩn thâm canh).
Bên cạnh đó, vấn đề thu hái và chế biến chưa theo đúng qui trình kỹ thuật đã làm giảm năng suất, chất lượng và giá trị kinh tế của cây chè. Ngoài ra, chủng loại chè đã qua chế biến chưa đa dạng, sản phẩm chè xuất khẩu chủ yếu ở dạng nguyên liệu thô.
Trong khi đó, Hà Giang lại có nhiều điều kiện thuận lợi về đất đai và các tiểu vùng khí hậu thuận lợi cho quá trình phát triển của cây chè. Do tiểu vùng khí hậu đặc thù đã tạo cho Hà Giang một số thương hiệu chè đặc sản như chè Shan tuyết Lũng Phìn (huyện Đồng Văn), chè Shan Nậm Ty (huyện Hoàng Su Phì), chè Cao Bồ (huyện Vị Xuyên)…nổi tiếng trong nước và trên thế giới. Người dân ở các huyện trồng chè đã có nhiều kinh nghiệm trong trồng trọt, chăm sóc, thu hái và chế biến các sản phẩm chè….
Trong năm 2021, Hà Giang đã có 02 sản phẩm chè Shan tuyết đạt tiêu chuẩn OCOP 5 sao cấp quốc gia là Hồng trà hộp 100 gam và Trà xanh hộp 100 gam của HTX chế biến chè Phìn Hồ, xã Thông Nguyên, huyện Hoàng Su Phì. Ngoài ra, các huyện trồng chè của Hà Giang cũng có nhiều sản phẩm chè Shan tuyết đạt tiêu chuẩn OCOP từ 3 đến 4 sao cấp tỉnh.
Đẩy mạnh áp dụng tiến bộ kỹ thuật nhằm không ngừng nâng cao năng suất, chất lượng chè
Xuất phát từ thực tiễn đó, tỉnh Hà Giang luôn xác định cây chè là cây trồng mũi nhọn trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Vì vậy trong những năm qua, Hà Giang đã đẩy mạnh áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong công tác trồng mới, đầu tư thâm canh, cải tạo các nương chè già cỗi; đẩy mạnh áp dụng tiến bộ kỹ thuật trong quá trình thu hái, chế biến các sản phẩm chè.
Bên cạnh đó, trong những năm qua Hà Giang đã đẩy mạnh áp dụng tiến bộ kỹ thuật trong quá trình bảo tồn và khai thác có hiệu quả các diện tích chè Shan tuyết cổ thụ.
Ngoài ra, người trồng chè luôn được tỉnh quan tâm bằng nhiều cơ chế chính sách phù hợp như hỗ trợ lãi suất cho người dân và các thành phần kinh tế vay vốn trong trồng mới, thâm canh, cải tạo các nương chè già cỗi; hỗ trợ các cơ sở chế biến chè về dây chuyền sản xuất và đóng gói sản phẩm, xây dựng thương hiệu và quảng bá các sản phẩm chè…
Bên cạnh đó, trong những năm qua tỉnh Hà Giang đã đẩy mạnh áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật nhằm phát triển chè Shan tuyết theo hướng an toàn vệ sinh thực phẩm theo tiêu chuẩn VietGAP và theo hướng hữu cơ nhằm không ngừng nâng cao giá trị của sản phẩm chè.
Theo tổng kết đánh giá của UBND tỉnh Hà Giang: Trong những năm qua nhờ đẩy mạnh áp dụng tiến bộ kỹ thuật trong trồng mới, thu hái và chế biến, năng suất và chất lượng chè Shan tuyết của tỉnh đã được nâng lên rõ rệt… Cây chè Shan tuyết đã thực sự trở thành cây trồng mũi nhọn trong phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo tại các huyện trồng chè của tỉnh.