Những năm qua, Hội Nông dân tỉnh chú trọng nâng cao khả năng ứng dụng kỹ thuật cho hội viên, từng bước tiếp cận sản xuất hiện đại, bền vững, hiệu quả kinh tế cao.
Năm 2023, hội viên, nông dân toàn tỉnh gặp nhiều khó khăn trong sản xuất nông nghiệp do tác động của hiện tượng El Nino với trên 1.000ha bị thiệt hại do nắng nóng kéo dài. Theo đó, năng suất một số loại cây trồng giảm đáng kể vì thiếu nước tưới trong thời điểm cây ra hoa, đậu quả. Hội nông dân các cấp đã tập trung hướng dẫn hội viên rải vụ, sử dụng các biện pháp kỹ thuật tạo ra nông sản trái vụ như mận và một số loại hoa màu khác. Đồng thời, thực hiện các biện pháp kỹ thuật trồng cây ăn quả chín sớm, chín muộn cũng góp phần giúp nông dân thích ứng với sản xuất trong điều kiện biến đổi khí hậu, hạn chế một phần thiệt hại do thời tiết khắc nghiệt.
Chị Lê Thị Doan, bản Hang Mon, xã Phiêng Khoài, huyện Yên Châu, chia sẻ: Gia đình tôi trồng hơn 3 ha mận hậu; từ năm 2020. Tôi đã áp dụng kỹ thuật rải vụ trên diện tích 1ha mận để cây ra hoa sớm, cho mận trái vụ giá bán 60 nghìn đồng/kg. Sau vụ đầu tiên, tôi nhận được nhiều đánh giá tích cực của khách hàng về chất lượng sản phẩm. Đến các vụ mận sau, có kinh nghiệm chăm sóc, mận trái vụ loại 1 cho trái to, đẹp, bán được giá 80-90 nghìn đồng/kg. Bên cạnh đó, sản xuất mận trái vụ, có thể tránh được tác động của thời tiết ảnh hưởng đến năng suất và đảm bảo được thu nhập từ mận.
Đối với nông dân huyện Phù Yên, việc ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất trong những năm gần đây cũng được đẩy mạnh. Trong đó, chủ yếu tập trung hướng dẫn nông dân sản xuất nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu, đầu tư và sử dụng hiệu quả nguồn nước thông qua công nghệ tưới nhỏ giọt. Hiện nay, toàn huyện có gần 800 ha sản xuất ứng dụng hệ thống tưới nhỏ giọt với các loại cây cam, quýt, dâu tây, cà chua; sử dụng các biện pháp che phủ cho đất bằng các loại phụ phẩm trong sản xuất để hạn chế thoát hơi nước.
Anh Nguyễn Văn Sử, bản Nghĩa Hưng, xã Mường Cơi, huyện Phù Yên, thông tin: Hiện nay, gia đình tôi có khoảng 4ha trồng các loại cây ăn quả như bưởi, cam canh và quýt. 2 năm trở lại đây, thời tiết nắng hạn trong thời điểm cây ra hoa, đậu quả nên ảnh hưởng đáng kể đến năng suất. Do đó, ngoài vận hành hiệu quả hệ thống tưới nhỏ giọt, tôi áp dụng một số biện pháp giữ ẩm cho đất bằng phương pháp tự nhiên, như, chỉ làm cỏ quanh gốc cây bán kính từ 1-1,5m, đồng thời, tận dụng số cỏ để lại quanh gốc giữ ẩm cho cây. Hoặc sau khi cắt, tỉa cành sau vụ thu hoạch, để lại tại vườn che phủ giữ ẩm cho đất; kết hợp với bón phân kích thích bộ rễ cây, giúp cắm sâu và chịu hạn tốt hơn.
Bên cạnh hỗ trợ nông dân trong lĩnh vực trồng trọt, Hội Nông dân tỉnh còn hướng dẫn hội viên đăng ký nhận các nguồn vốn hỗ trợ phát triển nông nghiệp từ các chương trình, dự án của Hội và các địa phương. Các dự án VOF và FFF với sự tài trợ của các tổ chức phi chính phủ nước ngoài đã giúp hội viên các huyện: Vân Hồ, Mai Sơn, Thuận Châu... có khả năng thích ứng với các hình thái thời tiết. Nhân dân đã chủ động xây dựng các bể chứa dự trữ nước kết hợp với sử dụng tiết kiệm, hiệu quả. Bước đầu xây dựng hệ thống lưới che hạn chế tác động của mưa đá và sương muối tác động đến năng suất, chất lượng cây trồng.
Đồng thời, phối hợp với các cơ quan chuyên môn tổ chức các đợt tập huấn, chuyển giao kỹ thuật sản xuất, giúp hội viên cập nhật, tiếp thu những kiến thức sản xuất mới, hiệu quả đem lại năng suất cao. Đối với hội viên, nông dân phát triển kinh tế lĩnh vực chăn nuôi, các cấp hội tập trung tuyên truyền, hướng dẫn hội viên chuyển từ hình thức chăn thả sang bán chăn thả; hướng dẫn kỹ thuật ủ chua các loại thức ăn cho đại gia súc, chủ động nguồn thức ăn cho vật nuôi.
Ông Bạc Cầm Khuyên, Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh, cho biết: Hội đã chỉ đạo các cấp hội rà soát, đánh giá hiệu quả các mô hình nông nghiệp trên địa bàn. Đồng thời, hỗ trợ hội viên về vốn, kỹ thuật sản xuất thông qua Quỹ hỗ trợ nông dân, các dự án liên kết với các tổ chức phi chính phủ. Có nhiều hội viên nông dân ở các địa phương được tiếp cận với kỹ thuật sản xuất mới thích nghi với biến đổi khí hậu. Thông qua cách làm “Nông dân dạy nông dân” việc ứng dụng khoa học, kỹ thuật của nông dân cũng dễ dàng hơn, đem lại những kết quả tích cực trong sản xuất, nâng cao thu nhập cho hội viên.
Với việc tích cực ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, thích ứng với biến đổi khí hậu đã và đang mang lại hiệu quả kinh tế cao, nhiều hộ nông dân vươn lên làm giàu, góp phần xóa đói giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới ở địa phương.