Văn hóa

10 năm Đờn ca tài tử được Unesco vinh danh: Lan tỏa và tiếp nối

Hải Thanh 05/12/2023 - 15:52

Trong suốt chặng đường lịch sử dựng nước và giữ nước, các thế hệ người Việt đã không ngừng xây dựng, bồi đắp, hun đúc nên một nền văn hóa giàu bản sắc dân tộc và thống nhất trong đa dạng. Thành quả sáng tạo, giữ gìn, trao truyền của cha ông đã để lại một kho tàng di sản văn hóa vật thể và phi vật thể đồ sộ, phong phú. Trong kho tàng di sản quý báu đó có nghệ thuật Đờn ca tài tử (ĐCTT) của người dân Nam bộ.

Cách đây 10 năm, ngày 5/12/2013, Unesco chính thức công nhận nghệ thuật ĐCTT của Việt Nam là Di sản văn hóa Phi vật thể đại diện của nhân loại. Làm sao để một Di sản văn hóa Phi vật thể đại diện của nhân loại xuất phát từ mạch nguồn cộng đồng, từ trong đời sống nhân dân phải được chính nhân dân gìn giữ, bảo vệ và phát huy giá trị là thách thức cần sự chung tay của cả cộng đồng.

Khơi nguồn

Sau biến có Kinh đô Huế năm 1885, phong trào Cần Vương tan rã, rất nhiều quan lại, dân binh bỏ xứ chạy vào phương Nam, trong đó có Nguyễn Quang Đại. Ông Nguyễn Quang Đại (tức Ba Đợi), sinh năm Mậu Ngọ 1855, thuộc dòng họ Nguyễn Nhữ ở Hải Quế, huyện Hải Lăng tỉnh Quảng Trị ngày nay. Những năm tháng tha hương, bằng tài âm nhạc vốn có, ông đã trải lòng mình qua cung oán, cung thương để sầu, để nhớ, để buồn vui với vùng đất mới. Âu cũng là sự khởi nguyên của nền âm nhạc tài tử có nguồn gốc từ nhạc cung đình Huế, nay ta quen gọi là âm nhạc tài tử Nam bộ.

don-ca-tai-tu-nam-bo-net-dep-van-hoa-mien-tay-7.jpg
Đờn ca tài tử xuất hiện từ hơn 100 năm trước.

Bước khởi đầu tìm hiểu một số tỉnh ở miền Đông như Biên Hòa, Đồng Nai, rồi đến Đa Kao (Sài Gòn), vào Chợ Lớn, xuống Cần Giuộc, Cần Đước, Vĩnh Kim (Mỹ Tho) cho thấy: những nơi ông Ba Đợi đã đến đều để lại nhiều môn đệ tài giỏi, vang bóng một thời. Rồi từ các lớp môn đệ ấy trở thành các lò đào tạo truyền nối nhiều đời, tạo nên rất nhiều nghệ nhân, nghệ sĩ nổi tiếng. Đặc biệt những năm tháng ở Đa Kao (Sài Gòn), ông Ba Đợi vừa dạy các môn đệ, vừa chấn chỉnh, đúc kết các bài bản từ nhạc cung đình, trở thành hơi điệu Nam bộ cụ thể là 4 điệu: Bắc - Nam – Hạ - Oán của 20 bài bản tổ và nhạc lễ Nam bộ ngày nay.

Ông còn là người sáng tác ra nhiều bài bản như bộ ngũ châu miền Đông, 8 bản Ngự để cung nghinh vua Thành Thái vào Nam (năm 1898). Ông là trưởng nhóm nhạc tài từ miền Đông cùng ông Trần Quang Quờn là trưởng nhóm Miền Tây. Sự đua tài cao thấp của hai nhóm nhạc đã làm cho kho tàng bài bản tài tử thêm phong phú và quý báu.

Tạo được nền âm nhạc tài tử Nam bộ như ngày nay, Nguyễn Quang Đại là một trong những người có công đầu.

1a-17011855413501325366835.jpg
Linh vị Nghệ nhân dân gian Nguyễn Quang Đại tại đình Vạn Phước - xã Mỹ Lệ - huyện Cần Đước - tỉnh Long An.

Cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20, các bậc tiền nhân đem vốn âm nhạc sở trường của mình cải biên cho thích nghi với vùng đất mới Nam bộ.

Những năm đầu hình thành nhạc tài tử, các ban nhạc chỉ chơi đơn thuần hòa nhạc, không có người ca. Lúc đó các ban thường hòa nhạc các bài Bắc lễ, 3 bài Nam và một số bài khác như Kim tiền, Xung phong, Long hổ, Lưu thủy, Phú lục, Bình bán, Hành vân, Tứ đại cảnh... Dần dần, các nhạc sĩ, ca sĩ và những người có khả năng sáng tác văn thơ, lại có đam mê nhạc tài tử. Họ dựa vào những bản ưa thích, thuộc lòng rồi tự đặt lời, ca chơi hòa điệu với dàn nhạc. Thế là lối chơi mới hấp dẫn này được phát triển nhanh chóng khắp lục tỉnh Nam kỳ.

Năm 1919 – 1920, bản Dạ cổ hoài lang của nhạc sĩ Cao Văn Lầu ra đời, sau đó trở thành bài vọng cổ, chiếm vị trí chủ chốt thay cho bài Hành vân và Tứ đại trong các buổi sinh hoạt từ bấy đến nay.

1-1-.jpg
Tượng sáp nhạc sĩ Cao Văn Lầu.

ĐCTT là loại hình nghệ thuật đặc sắc của vùng miệt vườn sông nước Nam bộ, là kết hợp tinh tế - hòa quyện giữa tiếng đờn, lời ca và điệu diễn, vừa phản ánh tinh hoa văn hóa ngàn năm văn hiến của dân tộc ta, vừa mang những nét đặc trưng của người dân vùng đất phương Nam - cần cù, bình dị, chân thật, phóng khoáng, nghĩa hiệp, can trường nhưng rất đỗi nhân văn.

Thật là khó có thể nói hết, diễn tả hết cảm xúc mà loại hình nghệ thuật ĐCTT Nam bộ đem đến. Trong ĐCTT ta thấy tình yêu quê hương, đất nước bao la; tình yêu đôi lứa thiết tha; tình phụ tử, mẫu tử thiêng liêng, cao cả; tình bạn tri kỷ gắn bó, keo sơn; tình anh, em máu mủ ruột rà,...

Giữa ca từ và chữ nhạc, giữa người ca và người đờn như hòa quyện vào nhau để rồi họ cùng bồng bềnh, trội nổi giữa không gian đầy chất thơ, chất nhạc và chất đời. ĐCTT chắp cánh cho họ bay, họ thăng hoa và cũng chính họ sáng tạo nên cả một vườn hoa nghệ thuật tinh khiết trên vùng đất phù sa màu mỡ. Lối chơi tài tử không kén chọn người chơi, người bình dân hay giới trí thức; người giàu sang hay nghèo hèn.

Lan tỏa nghệ thuật Đờn ca tài tử

ĐCTT là một loại hình nghệ thuật được quý như một viên ngọc cần được bảo tồn và phát huy, để tiếp tục khẳng định giá trị nghệ thuật độc đáo của ĐCTT, đồng thời, góp phần thực hiện Nghị quyết Trung ương 9 (khóa XI) “Về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước” và Nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị “Về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới”, Kết luận số 76-KL/TW về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XI về xây dựng và phát triển văn hoá, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước và Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng về lĩnh vực văn hoá.

Khi ĐCTT vừa được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đã có nhiều nội dung được đưa ra nhằm phát triển bộ môn nghệ thuật này. Trong đó, có 2 nội dung căn bản nhất là việc đào tạo người biết thưởng thức và người biết biểu diễn ĐCTT. Việc đào tạo này có thể thông qua các hoạt động tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức của toàn xã hội, đặc biệt là thế hệ trẻ. Nhưng hiệu quả nhất là tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực hành, sáng tạo và truyền dạy nghệ thuật ĐCTT trong các gia đình, nhà trường, CLB và cộng đồng nhằm nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần của cộng đồng và nhân dân địa phương.

Và thực tế, từ năm 2013 đến nay, cùng với sự xuất hiện hàng loạt sân chơi giao lưu, chương trình biểu diễn tại các tụ điểm văn hóa, trung tâm văn hóa, nhà thiếu nhi, trường học các cấp, tại các nhà hàng, sân khấu hát với nhau, các liên hoan hội diễn thành phố và quận huyện…, có rất nhiều đội, nhóm, CLB mới ra đời, hoạt động sinh hoạt biểu diễn nghệ thuật phong phú, đa dạng, sôi nổi, lan tỏa sâu rộng nghệ thuật ĐCTT trong đời sống.

Tại Bạc Liêu, tỉnh đã có nhiều kế hoạch, chương trình để nhằm bảo tồn, gìn giữ loại hình nghệ thuật này như: Tổ chức Liên hoan nghệ thuật ĐCTT Nam bộ 3 tỉnh Bạc Liêu, Sóc Trăng, Cà Mau được các tỉnh luân phiên đăng cai. Trong các Liên hoan, biểu diễn, cùng với nghệ nhân, nghệ sĩ, Ban tổ chức mạnh dạn để người trẻ tham gia, để họ có thể học hỏi và được truyền nghề, tạo sự đồng đều giữa nghệ nhân lớn tuổi và lớp kế cận.

dsc00020.jpg
Nghiên cứu chính sách hỗ trợ để các nghệ nhân đờn ca tài tử giữ gìn bản sắc, truyền lửa cho các thế hệ tương lai.

Việc bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật ĐCTT tại Bạc Liêu có sự chung tay, góp sức của toàn xã hội. Theo thống kê của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bạc Liêu, toàn tỉnh hiện có khoảng 150 câu lạc bộ ĐCTT với hơn 2.000 thành viên, nghệ nhân, tài tử thường xuyên sinh hoạt. Điều này cho thấy sức sống mãnh liệt của di sản này trong đời sống văn hóa của người dân ở đây.

Tại Long An, phong trào ĐCTT luôn phát huy thế mạnh và luôn được chính quyền quan tâm phát triển lực lượng kế thừa. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã chủ động tham mưu tỉnh cụ thể hóa chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, ban hành các văn bản chỉ đạo, điều hành, hướng dẫn xây dựng phong trào tại cơ sở. Từ năm 2016 đến nay, tỉnh đã tổ chức nhiều cuộc thi, liên hoan ở cơ sở về ĐCTT, thu hút nhiều đối tượng tham gia; đồng thời, tuyên truyền bằng nhiều hình thức như: cổ động trực quan, tuyên truyền lưu động, sân khấu hóa, tập huấn, giao lưu, tọa đàm, phát hành đĩa ĐCTT; tổ chức các cuộc thi sáng tác bài ca tài tử, hướng dẫn sách dạy và học về tài tử...

Thời gian tới, 21 tỉnh, thành trong khu vực Đông Nam bộ, Tây Nam bộ cần tiếp tục triển khai thực hiện tốt chương trình hành động quốc gia về bảo tồn và phát huy nghệ thuật ĐCTT Nam bộ; nâng cao chất lượng và phát triển phong trào ĐCTT tại các địa phương nhằm đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa, tinh thần của các tầng lớp nhân dân.

img9928-1649342854551285943192-1649378064792-1649378064899190290821.jpg

Đặc biệt là làm tốt công tác tuyên truyền quảng bá nghệ thuật ĐCTT trên các phương tiện truyền thông và ứng dụng công nghệ thông tin; nghiên cứu để có chính sách hỗ trợ cho các nghệ nhân phát huy hơn nữa việc giữ gìn bản sắc, truyền lửa cho các thế hệ tương lai.

Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL Nguyễn Văn Hùng

Mong muốn bảo tồn, phát huy giá trị của di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, thời gian qua ở cấp quốc gia cũng như từng địa phương khu vực Nam bộ, nhiều hoạt động, giải pháp bảo tồn, quảng bá, mang lại sức sống mới cho ĐCTT đã được thực hiện. Song, trong cuộc sống đương đại, quá trình phát triển và hội nhập, việc gìn giữ, phát huy giá trị của loại hình nghệ thuật này vẫn còn khó khăn, thách thức.

Và việc bảo tồn và phát huy những giá trị nổi bật của ĐCTT không chỉ cần sự cố gắng nỗ lực từ phía chính quyền, các tổ chức xã hội mà con ở cộng đồng dân cư trong mối liên hệ mật thiết với văn hóa Nam bộ.

Thiết nghĩ, nếu có những giải pháp đồng bộ từ các cấp cùng với sự tâm huyết và quyết tâm của những thành viên đam mê nghệ thuật ĐCTT, hy vọng việc bảo tồn và phát triển nghệ thuật truyền thống sẽ có những bước chuyển mới. GS- TS Trần Văn Khê đã khẳng định: “Dẫu UNESCO có công nhận nghệ thuật ĐCTT là di sản văn hóa phi vật thể thì chính chúng ta chứ không phải ai khác phải có trách nhiệm bảo tồn và phát huy những tinh hoa mà ông cha để lại”.

don-ca.jpg
Sân khấu hóa đờn ca tài tử.

Thực tiễn cho thấy, dù còn rất nhiều khó khăn nhưng các nghệ nhân, tài tử rất nỗ lực giữ lửa đam mê với nghề, chung sức gìn giữ, quảng bá ĐCTT trong đời sống. Sự gắn bó và tình yêu nghệ thuật ĐCTT bền bỉ ấy mãi là nền tảng vững chắc trong công cuộc bảo tồn, phát huy các giá trị nghệ thuật độc đáo của ĐCTT trong sự phát triển chung của văn hóa nghệ thuật nước nhà.

Google tôn vinh nghệ thuật ĐCTT của Việt Nam
Ngày 5/12 là kỷ niệm tròn 10 năm nghệ thuật ĐCTT của Việt Nam được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của thế giới. Hôm nay trang chủ Google đã tôn vinh loại hình nghệ thuật độc đáo này.

4-12-.png


Ngày 5/12/2013, nghệ thuật ĐCTT được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể. Cứ vào ngày 5/12 hàng năm là ngày đặc biệt của môn nghệ thuật này. Đây cũng là niềm tự hào của người dân Việt Nam nói chung, đặc biệt là những ai theo đuổi và có niềm đam mê với nghệ thuật ĐCTT.
Hình ảnh xuất hiện nhằm tôn vinh nghệ thuật ĐCTT ở Google Doodle được nghệ sĩ Camelia Pham minh họa. Bức vẽ đã thể hiện hình ảnh các nghệ sĩ đang biểu diễn ĐCTT.

(0) Bình luận
Nổi bật
Thủ tướng: Trẻ em là hạnh phúc của mỗi gia đình, là tương lai của đất nước
Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ đầu tư cho trẻ em là đầu tư cho tương lai đất nước; làm tốt công tác này là trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể, gia đình, nhà trường, toàn xã hội.
Tin mới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO