Chống phá Nhà nước và cái giá phải trả

23/06/2021 02:35

(DTTG) Trong mấy năm gần đây, một số đối tượng đã lợi dụng sự tự do ngôn luận, tự do tín ngưỡng để tuyên truyền chống phá Đảng và Nhà nước. Việc xử lý nghiêm những hành vi vi phạm pháp luật này là bài học cảnh tỉnh cho những ai đang có ảo tưởng, hoang đường về chính trị, cấu kết với các tổ chức phản động trong và ngoài nước nhằm lôi kéo, xúi giục người có tư tưởng bất mãn tham gia chống phá, đả kích chính quyền, chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc.

Các bị cáo Hòa, Thúy và Phương (từ trái qua).
Các bị cáo Hòa, Thúy và Phương (từ trái qua).

Bỏ nghề giáo để đi tuyên truyền phản động

Vào ngày 30/3/2021 vừa qua, TAND tỉnh Khánh Hòa đã tổ chức xét xử vụ án làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống phá Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam. Ba bị cáo trong vụ án này là Nguyễn Thị Cẩm Thúy (sinh năm - SN 1976), Ngô Thị Hà Phương (SN 1996), Lê Viết Hòa (SN 1962), cùng trú xã Cam Thành Bắc, huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa.

Theo cáo trạng, từ giữa năm 2018, Nguyễn Thị Cẩm Thúysử dụng tài khoản Facebook và tài khoản Youtube cá nhân để đăng tải các video có nội dung bôi nhọ, xúc phạm lãnh tụ Hồ Chí Minh; tuyên truyền xuyên tạc đường lối, chính sách của Nhà nước và lịch sử dân tộc Việt Nam.

Bên cạnh đó, Thúy còn thường xuyên livestream trên mạng xã hội để tuyên truyền nội dung phản động, xúc phạm, kích động chống phá Đảng và Nhà nước. Để thu thập, tích lũy thông tin thất thiệt, phiến diện về tiểu sử, sự nghiệp hoạt động cách mạng của Bác Hồ, về các vụ việc tiêu cực, tham nhũng và kết quả xử lý của cơ quan chức năng, Thúy đã đến nhiều tỉnh, gặp gỡ, trao đổi với nhiều cá nhân, tổ chức. Từ những thông tin thất thiệt ấy, Thúy thêm quan điểm cá nhân nhằm đả kích, xuyên tạc chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; xúc phạm hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh và các vị lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước.

Các video do Thúy tự làm, đăng tải, phát tán, lan truyền trên mạng Internet chủ yếu tuyên truyền, kích động, gây mất lòng tin trong người dân, kêu gọi sự ủng hộ vật chất, tinh thần của mọi người đối với hành động của Thúy, tập hợp lực lượng tiến tới thành lập tổ chức chính trị đối lập mang tên “Quốc hội tự xưng”. Mục đích sâu xa của hành động này là nhằm xóa bỏ sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước và chế độ XHCN ở Việt Nam. Đặc biệt, ngày 28 và 29/4/2020, Thúy còn đốt cờ Tổ quốc và cờ Đảng.

Một số đối tượng đã giúp sức cho Thúy thực hiện hành vi phạm tội. Cụ thể, Ngô Thị Hà Phương dùng điện thoại di động quay video khi Thúy livestream tuyên truyền chống Nhà nước; chia sẻ các video từ tài khoản của Thúy sang tài khoản của Phương; đăng tải một số video quay Thúy đang livestream lên tài khoản Youtube của Phương; làm cờ vàng có 3 sọc đỏ ngang cho Thúy sử dụng khi livestream; tham gia cùng Thúy đốt cờ Tổ quốc; cho Thúy sử dụng tài khoản mà mẹ Phương cho mượn để Thúy nhận tiền giúp sức hoạt động chống Nhà nước từ các đối tượng và cũng là người chuyển, rút các khoản tiền này.

Còn Lê Viết Hòa thì cùng Thúy đến nhiều địa phương, gặp gỡ, nhận tài liệu, thông tin từ các đối tượng. Khi Thúy livestream, Hòa cảnh giới để ngăn cản công an, chính quyền địa phương vào làm việc. Hòa còn cho Thúy sử dụng tài khoản của mình để nhận tiền giúp sức hoạt động chống Nhà nước. Với Vũ Tiến Chi, sau khi xem Thúy livestream đã liên hệ, thường xuyên đến chơi, ở lại nhà Thúy, dùng tài khoản cá nhân chia sẻ các video mà Thúy đã đăng.

Qua quá trình điều tra, công an phát hiện điện thoại của Thúy lưu trữ 31 video, 30 video đăng tải trên tài khoản Facebook và 50 video đăng trên tài khoản Youtube. Đồng thời, cơ quan chức năng cũng thu giữ 5 tờ giấy nền vàng có 3 sọc đỏ ngang, 1 ảnh Bác Hồ bị dán bẩn, nhiều máy tính, điện thoại di động, tài liệu, hàng trăm lít xăng dầu, nhiều loại vũ khí...

Tại phiên tòa, các bị cáo đều thành khẩn khai nhận những hành vi mà cáo trạng đã nêu là đúng sự thật. Khi được hỏi động cơ, mục đích phạm tội, Thúy thanh minh rằng, trước đó, Thúy có nhiều khiếu nại, tố cáovề giáo dục, đất đai không được cấp có thẩm quyền đáp ứng vì không đủ căn cứ, điều kiện giải quyết. Từ đó, bị cáo nảy sinh oán hận, bất mãn, cho rằng bản thân gặp khó khăn trong công việc, cuộc sống do lỗi của chính quyền; do các cơ quan nhà nước tại địa phương cản trở hành vi của mình, nên quyết định chống đối Đảng, Nhà nước...

Hội đồng xét xử nhận định, trong vụ án này, Thúy là người trực tiếp thu thập, tích lũy các thông tin thất thiệt, làm, đăng tải, phát tán, lan truyền các video trên mạng Internet nhằm tuyên truyền, kích động, tạo tâm lý hoang mang trong người dân, ảnh hưởng đến khối đại đoàn kết toàn dân... Tuy đã được vận động, giải thích, bản thân lại đã từng là giáo viên, nhưng Thúy vẫn tiếp tục thực hiện các hành vi chống phá Nhà nước. Các bị cáo Phương, Hòa đã giúp sức cho Thúy thực hiện hành vi phạm tội.

Sau khi nghị án, Hội đồng xét xử tuyên phạt bị cáo Thúy 9 năm tù; Phương 7 năm tù; Hòa 5 năm tù cùng về tội làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam. Tòa cũng phạt bổ sung 2 bị cáo Thúy và Phương, mỗi bị cáo phải chịu quản chế 3 năm sau khi chấp hành xong hình phạt tù.

Vũ Tiến Chi bị dẫn giải vào Tòa.
Vũ Tiến Chi bị dẫn giải vào Tòa.

Kiên quyết đấu tranh

Cũng vào ngày 30/3/2021, TAND tỉnh Lâm Đồng đã đưa Vũ Tiến Chi (SN 1966, ngụ đường Nguyễn Công Trứ, TP Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng), một thành viên cùng nhóm với Nguyễn Thị Cẩm Thúy, ra xét xử về tội làm, tàng trữ, phát tán và tuyên truyền thông tin, tài liệu nhằm chống phá Đảng và Nhà nước.

Theo hồ sơ của cơ quan chức năng, đầu năm 2018, Vũ Tiến Chi đã tìm hiểu thông tin từ các trang mạng ở nước ngoài chuyên đăng tải bài viết đả kích chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước; xuyên tạc, nói xấu Chủ tịch Hồ Chí Minh và nhiều lãnh đạo cấp cao.

Từ những thông tin trên, Chi đã sử dụng mạng xã hội đăng tải, chia sẻ 338 bài viết, 181 video phát trực tiếp với nội dung xuyên tạc, phỉ báng chính quyền nhân dân; nói xấu chế độ xã hội chủ nghĩa; phủ nhận thành tựu cách mạng; đả kích các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước trong các lĩnh vực chính trị, kinh tế, xã hội; xúc phạm lãnh tụ Hồ Chí Minh và lãnh đạo cấp cao nhằm tác động, gây mâu thuẫn, mất lòng tin của nhân dân về vai trò lãnh đạo của Đảng và Nhà nước…

Sau một thời gian hoạt động, Chi quen biết và trở nên thân thiết với Nguyễn Thị Cẩm Thúy. Hai đối tượng nảy sinh ý định tập hợp, lôi kéo những người cùng quản điểm, tư tưởng thành lập “Quốc hội tự xưng”, nhằm mục đích lập ra một tổ chức chính trị đối lập, từ đó thay thế Quốc hội của Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Tại phiên tòa, Vũ Tiến Chi đã khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội của mình. Sau khi xem xét, HĐXX TAND tỉnh Lâm Đồng đã tuyên phạt Chi 10 năm tù, 3 năm quản chế...

Qua điều tra của các cơ quan chức năng cho thấy, những thành phần mang tư tưởng phản động như Nguyễn Thị Cẩm Thúy hay Vũ Tiến Chi không phải là cá biệt. Thông thường, cứ mỗi lần có sự kiện trọng đại của đất nước, các thế lực thù địch luôn coi đó là cơ hội để chống phá. Ví dụ như trước thềm cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 vừa qua, chỉ trong vòng một thời gian rất ngắn, Bộ Công an đã tổ chức đấu tranh, thực hiện đối sách đối với 124 đối tượng phản động, chống phá, phá hoại bầu cử; quản lý giám sát chặt chẽ 1.251 đối tượng phản động, chống đối, đấu tranh; phá rã 4 nhóm phản động, ngăn chặn 2 chiến dịch tuyên truyền chống phá cuộc bầu cử của bọn phản động lưu vong; thu giữ hàng trăm đầu tài liệu phản động; khởi tố, bắt 3 đối tượng vi phạm pháp luật chống phá bầu cử, khởi tố 11 đối tượng đưa tin xuyên tạc sự thật liên quan đến bầu cử trên không gian mạng, xử lý vi phạm hành chính về hành vi này đối với hàng trăm đối tượng.

Những đối tượng này thường dùng rất nhiều thủ đoạn, phương thức như xây dựng các tổ chức lấy danh xưng tôn giáo cùng với việc thiết lập các trang mạng xã hội như: Youtube, facebook, blog… để phát tán, đăng tải các video, hình ảnh, bài viết với danh nghĩa các tôn giáo để đả kích, nói xấu chế độ, bôi nhọ lãnh tụ, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước.

Các video, hình ảnh, bài viết phần lớn đi sâu vào những mặt trái của xã hội để quy kết, hạ thấp thanh danh của Đảng và Nhà nước. Thậm chí chúng còn cố tình “diễn trò”, lợi dụng về đức tin và sự gắn kết cộng đồng của tôn giáo nhằm lôi kéo, tập hợp lực lượng chống phá cách mạng hay tìm mọi cách chia rẽ các tôn giáo với nhau, chia rẽ người có tôn giáo với người không có tôn giáo, nhằm phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc, làm giảm sút lòng tin của một bộ phận nhân dân với hệ thống chính trị.

Các băng đĩa, tài liệu liên quan đến hoạt động tuyên truyền chống Nhà nước bị thu giữ.
Các băng đĩa, tài liệu liên quan đến hoạt động tuyên truyền chống Nhà nước bị thu giữ.

Theo một số chuyên gia trong công tác đấu tranh phòng chống tội phạm thì theo thời gian, các đối tượng chống đối, các thế lực thù địch đã thay đổi phương thức tiến hành chống phá. Trước đây, chúng thực hiện các phương thức, thủ đoạn truyền thống như đưa người về, câu móc trong - ngoài, nay chúng triệt để lợi dụng không gian mạng, triệt để lợi dụng công nghệ thông tin để tiến công chống phá chúng ta. Đây là phương thức rất mới nên lực lượng an ninh ninh mạng gặp rất nhiều khó khăn trong việc ngăn chặn thông tin xấu, độc.

Có thể nói, việc ngăn chặn và bài trừ các đối tượng, tổ chức phản động đang đặt ra thật sự cấp bách. Bởi sự chống phá của chúng thông qua ngôn luận và tín ngưỡng, tôn giáo có tác động trực tiếp đến sự ổn định chính trị, làm suy giảm những thành tựu của sự nghiệp đổi mới vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta. Vì vậy, việc đấu tranh với các cá nhân, tổ chức, thế lực thù địch này là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục, lâu dài. Điều đó đòi hỏi sự kiên quyết, kiên trì vào cuộc của cả hệ thống chính trị, của mọi tầng lớp nhân dân.

(0) Bình luận
Nổi bật
Xuất bản sách “Văn hóa phải soi đường cho quốc dân đi”
Nhân kỷ niệm 134 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật xuất bản cuốn sách “Văn hóa phải soi đường cho quốc dân đi”.
Tin mới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO