Cái giá phải trả cho “ma men” cố ý làm hư hỏng tài sản

08/08/2021 09:28

(DTTG) Chỉ vì mải nhắn tin điện thoại và không rút thẻ ngân hàng nên bị máy ATM nuốt thẻ, do một phút bốc đồng khi trong người đã có hơi men Liều Văn Dũng đã không kìm chế được bản thân, dùng gạch tập phá màn hình máy ATM nên Dũng đã phải chịu sự trừng trị của pháp luật.

Sinh ra và lớn lên tại một xã nghèo của huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn, Liều Văn Dũng (SN 1996) người dân tộc Tày, do bản tính ham chơi, đua đòi nên Dũng đã bỏ học giữa chừng, Dũng chỉ học hết lớp 8. Vì không có công ăn việc làm ổn định, kèm theo sự hiểu biết nông cạn, hàng ngày hắn chỉ biết la cà, đàn đúm rượu ché nên dần dần Y trở thành “ma men” lúc nào không hay.

Nhớ lại, tết năm 2020 khi hắn đi chúc tết tại nhà một người anh họ nhưng do hết tiền nên Dũng đã nhờ anh chở ra cây ATM gần đó để rút tiền. Sau 2 lần rút tiền thành công, mãi nhắn tin điện thoại và không rút thẻ ngân hàng nên bị máy ATM nuốt thẻ. Do một phút bốc đồng khi đã có hơi men Dũng đã không kìm chế được bản thân, dùng gạch đập phá màn hình máy ATM của Phòng giao dịch thuộc một Ngân hàng thương mại cổ phần, Chi nhánh Lạng Sơn, khiến mặt nhựa khoang kỹ thuật của máy ATM bị nứt vỡ, khung bàn phím chức năng kèm kính chắn màn hình và phím chức năng cây ATM bị xô lệch. Sau đó, Y đi ra ngoài và tiếp tục ném viên gạch vào cửa buồng cây ATM, tổng giá trị thiệt hại do Dũng gây ra là 64.680.000 đồng.

Hình ảnh minh hoa (nguồn internet)
Hình ảnh minh hoa (nguồn internet)

Với hành vi hủy hoại tài sản của mình, Dũng không biết rằng, sự việc không đơn giản là vấn đề bồi thường thiệt hại là xong, mà theo quy định của pháp luật hình sự khi giá trị tài sản đủ lớn sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự với tội danh hủy hoại tài sản.

Căn cứ hành vi phạm tội, ngày 07/5/2020 Liều Văn Dũng đã bị các cơ quan chức năng bắt tạm giam. Và sau đó, ngày 07/ 9/2020 Dũng đã bị đưa ra xét xử sơ thẩm công khai vụ án hình sự tại trụ sở Tòa án nhân dân huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn.

Tại phiên xét xử lần thứ nhất, người đại diện hợp pháp của bị hại vắng mặt nhưng đã có đơn xin xét xử vắng mặt; người bào chữa cho bị cáo do bận công tác nên vắng mặt nhưng đã gửi Bản luận cứ bào chữa và bị cáo đồng ý xét xử vắng mặt người bào chữa. Căn cứ Điều 291, 292 của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, Tòa án vẫn tiến hành xét xử vắng mặt những người này theo quy định của pháp luật tố tụng hình sự.

Đứng trên bục khai báo, bị cáo đã khai nhận hành vi phạp tội của mình và phù hợp với lời khai của bị cáo tại Cơ quan điều tra; phù hợp với lời khai của bị hại; phù hợp với Bản kết luận định giá tài sản và các chứng cứ tài liệu khác có trong hồ sơ vụ án đã được thẩm tra tại phiên tòa.

Hội đồng xét xử nhân định, hành vi của bị cáo gây ra là hành vi nguy hiểm cho xã hội, đã trực tiếp xâm phạm tới quyền sở hữu về quyền tài sản của cá nhân, cơ quan, tổ chức, mà quyền này được pháp luật bảo vệ. Bị cáo nhận thức được hành vi của mình gây ra là vi phạm pháp luật, đã xâm phạm đến quyền sở hữu về tài sản của cá nhân, cơ quan, tổ chức nhưng bị cáo vẫn cố ý thực hiện. Hành vi đó cần phải xử lý nghiêm trước pháp luật thì mới có thể giáo dục, cải tạo bị cáo và răn đe phòng ngừa chung.

Tuy nhiên, bị cáo là người chưa có tiền sự, phạm tội lần đầu. Trong quá trình điều tra và tại phiên tòa, bị cáo đã thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải về hành vi phạm tội của mình; đại diện hợp pháp của bị hại đề nghị xem xét, giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo. Bị cáo không có nghề nghiệp ổn định, không có tài sản và là người dân tộc thiểu số cư trú ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn nên không áp dụng hình phạt bổ sung là phạt tiền đối với bị cáo.

Căn cứ vào hồ sơ vụ án và lời khai của bị cáo, Hội đồng xét xử đã tuyên phạt bị cáo 02 (hai) năm tù về tội “Cố ý làm hư hỏng tài sản” theo quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015, thời hạn chấp hành hình phạt tù tính từ ngày bắt để tạm giam.

Hành vi phạm tội “Cố ý làm hư hỏng tài sản” của bị cáo Liều Văn Dũng chỉ là một ví dụ điển hình cho loại tội phạm xâm hại trực tiếp đến quyền sở hữu tài sản của công dân. Làm ảnh hưởng đến tình hình an ninh, trật tự địa bàn, gây hoang mang cho dư luận, do đó đối với các vụ việc phạm tội đều được cơ quan tiến hành tố tụng tập trung điều tra, truy tố, xét xử đảm bảo tính răn đe, phòng ngừa.

Hiện nay, để phòng ngừa tội phạm hủy hoại hay cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác, ngoài việc tăng cường tuyên truyền pháp luật để người dân hiểu hơn quy định của pháp luật, nhất là người đồng bào dân tộc thiểu số, các cơ quan chức năng cần mạnh tay hơn trong việc xử lý các đối tượng manh động đập phá, hủy hoại tài sản của người khác để răn đe, phòng ngừa chung. Đồng thời, đối với người dân nếu phát hiện kẻ có hành vi hủy hoại, làm hư hỏng tài sản người khác thì cần tố giác ngay đến cơ quan chức năng để có biện pháp ngăn chặn kịp thời.

(Tên nhân vật đã được thay đổi)

(0) Bình luận
Nổi bật
65 năm Bộ đội Trường Sơn huyền thoại
65 năm trước, ngày 19/5/1959, Quân ủy Trung ương và Bác Hồ đã quyết định chính thức thành lập và giao nhiệm vụ cho “Đoàn công tác Quân sự Đặc biệt”- Đoàn 559 do Thượng tá Võ Bẩm làm Đoàn trưởng, có nhiệm vụ mở đường Trường Sơn, chi viện cho cách mạng miền nam. Vì nhiệm vụ bí mật và khó khăn, gian khổ không kể siết, hoạt động của Đoàn 559 luôn trong điều kiện “Ở không nhà, đi không dấu, nấu không khói, nói không tiếng”.
Tin mới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO