Bản án nghiêm minh, giải pháp hiệu quả trong phòng, chống tội phạm mua bán người

14/06/2021 08:44

(DTTG) Đã có rất nhiều vụ án mua bán người được xét xử kịp thời và những lỗi lầm phải trả giá bằng hình phạt thích đáng. Tuy nhiên, tình trạng buôn bán người, đặc biệt là ở những vùng cao, vùng dân tộc thiểu số vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, gây tâm lý hoang mang trong nhân dân, ảnh hưởng xấu đến tình hình an ninh trật tự trên địa bàn.

Vừa qua, Tòa án nhân dân tỉnh Điện Biên đã xét xử sơ thẩm vụ án bị cáo Hảng Seo Nam (SN 1992, bản Lầu, huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai) về tội “mua bán người”. Bước ra khỏi phòng xét xử là những giọt nước mắt lăn dài trên gò má của những người làm cha, làm mẹ, làm vợ; nước mắt của sự hối hận muộn màng của chính kẻ phạm tội chỉ vì hám lợi mà bất chấp pháp luật, bất chấp luân thường đạo lý.

Trong phiên tòa xét xử, bị cáo Hảng Seo Nam hầu như không dám ngẩng mặt lên, bởi hơn ai hết chính lúc này, có lẽ Nam đã ý thức được tội lỗi của mình. Chỉ vì thiếu hiểu biết và lóa mắt trước đồng tiền mà Nam đã câu kết với Vảng (người Trung Quốc) đưa chị Sùng Thị Thía, SN 1990, trú tại bản Tào La A, xã Tìa Dình, huyện Điện Biên Đông, tỉnh Điện Biên bán sang Trung Quốc với giá 15 triệu đồng.

Toàn cảnh phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án bị cáo Hảng Seo Nam.
Toàn cảnh phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án bị cáo Hảng Seo Nam.

Theo hồ sơ vụ án, bị cáo Nam đã từng phạm tội “Mua bán người”, vì vậy, Hội đồng xét xử xác định bị cáo là trường hợp “Tái phạm nguy hiểm”. Theo điểm e khoản 3 Điều 150 Bộ luật Hình sự; Điểm s khoản 1 BLHS và việc miễn hình phạt bổ sung cho bị cáo quy định tại khoản 4 Điều 50BLHS, Hội đồng xét xử nhận định, bị cáo phạm tội rất nghiêm trọng do cố ý, chưa được xóa án tích nay lại tiếp tục thực hiện hành vi phạm tội, đã tuyên phạt bị cáo Hảng Seo Nam về tội “Mua bán người” với mức án 13 năm tù.

Sau khi tuyên án, hình ảnh vợ Nam cùng những đứa con nhỏ ôm nhau òa khóc bởi không biết cuộc sống mai này sẽ ra sao khi thiếu đi người cha là trụ cột gia đình; hình ảnh mẹ của Nam khóc ngất khi đứa con trai tiếp tục bị tù tội khiến những người có mặt tại phiên tòa không khỏi chạnh lòng, xót xa. Xót xa hơn cho công nuôi nấng bao năm của cha mẹ thì càng cảm thấy tiếc thay cho người vợ đã sớm phải sống cảnh “thân cò lặn lội” cùng những đưa con thơ vì người chồng, người trụ cột gia đình phải chịu cảnh “cơm cân, áo số”. Và hơn hết, đó chính là những dằn vặt của “bản án” lương tâm đối với Nam, khi giờ đây không ai sẽ là người chăm sóc cho bố me, vợ con!

Đó chỉ là một trong số hàng trăm, hàng ngàn những vụ án mua bán người mà hậu quả để lại không chỉ ảnh hưởng trực tiếp tới nạn nhân, cuộc sống của từng gia đình mà còn tác động đến sự ổn định, trật tự an toàn xã hội.

Cần tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức cho đồng bào dân tộc về tội phạm mua bán người.
Bộ đội Biên phòng phát tờ rơi tuyên truyền về tội phạm mua bán người.

Những năm gần đây, tình trạng mua bán người ngày càng diễn biến phức tạp. Hàng năm, lực lượng chức năng đã phát hiện và bắt giữ nhiều vụ, nhiều đối tượng phạm tội mua bán người, giải cứu được rất nhiều nạn nhân của bọn buôn người. Đối tượng mà bọn tội phạm nhắm tới chủ yếu là phụ nữ và trẻ em, những người có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, thiếu hiểu biết, nhẹ dạ cả tin và có nhu cầu tìm việc làm.

Thủ đoạn phổ biến của bọn tội phạm là lừa đi xin việc làm, đi bán hàng, rủ lên biên giới chơi, đặt vấn đề yêu đương, giả danh người nước ngoài, cá biệt có nơi lợi dụng tục “bắt vợ” của người Mông để lừa bán các cô gái. Địa bàn đối với tội phạm buôn người không có giới hạn, miễn sao chúng tìm được “con mồi” là những cô gái nhẹ dạ, thiếu hiểu biết và bản lĩnh sống. Các đối tượng thường lợi dụng triệt để việc nạn nhân khao khát có cuộc sống sướng hơn để vẽ ra một viễn cảnh xán lạn, hứa đưa nạn nhân đến hoặc lừa gạt dưới chiêu bài dụ dỗ đưa ra nước ngoài để kết hôn, thăm thân, du lịch. Sau khi bị lừa bán thì nạn nhân cũng không có điều kiện liên lạc lại với gia đình.

Để ngăn chặn tội phạm này, bên cạnh các biện pháp nghiệp vụ của các lực lượng chức năng, phải phát huy hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức cho người dân nói chung, đặc biệt là các cô gái vùng đồng bào dân tộc nói riêng chính là cách thức hữu hiệu nhất để phòng ngừa hoạt động phạm tội buôn, bán người. Mặt khác, Tòa án nhân dân cần tăng cường tổ chức các phiên xét xử lưu động tội phạm buôn người ở vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; đồng thời các tổ xã hội phối hợp về từng bản làng, từng trường học tuyên truyền, chỉ ra những thủ đoạn của bọn buôn người để người dân nâng cao ý thức cảnh giác.

(Tên các nhân vật đã được thay đổi)

(0) Bình luận
Nổi bật
65 năm Bộ đội Trường Sơn huyền thoại
65 năm trước, ngày 19/5/1959, Quân ủy Trung ương và Bác Hồ đã quyết định chính thức thành lập và giao nhiệm vụ cho “Đoàn công tác Quân sự Đặc biệt”- Đoàn 559 do Thượng tá Võ Bẩm làm Đoàn trưởng, có nhiệm vụ mở đường Trường Sơn, chi viện cho cách mạng miền nam. Vì nhiệm vụ bí mật và khó khăn, gian khổ không kể siết, hoạt động của Đoàn 559 luôn trong điều kiện “Ở không nhà, đi không dấu, nấu không khói, nói không tiếng”.
Tin mới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO