Ngắm cây di sản “đặc biệt” ở Lam Kinh
Theo thống kê của Ban Quản lý Di tích Lam Kinh, trong Khu di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Lam Kinh ở Thanh Hoá có hàng chục cây cổ thụ hơn 100 năm tuổi, trong đó có 18 cây được công nhận là cây di sản Việt Nam.
Mỗi cây đều có một câu chuyện rất riêng, vừa kỳ bí, độc đáo. Trong đó có một cây Sui khoảng 600 năm tuổi, được cho lớn lên từ thời Anh hùng dân tộc Lê Lợi dựng cờ khởi nghĩa đánh quân Minh xâm lược và cây Đa - Thị “một gốc hai ngọn”.
Đến thăm Khu di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Lam Kinh ở huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa, ngay khi bước qua Nghinh môn, du khách sẽ được hướng dẫn viên mời dừng chân và giới thiệu về một trong những di sản độc đáo bậc nhất của khu di tích: cây Đa - Thị.
Không ai rõ từ bao giờ, cây Đa đã lớn lên và nhanh chóng ôm trọn cây Thị vào trong lòng nó. Để rồi thay vì hai cây, nó trở thành cây “một gốc hai ngọn” và được người dân trong vùng gọi cái cây đặc biệt ấy là cây Đa - Thị.
Dù bị “bó” trong lòng cây Đa, nhưng cây Thị vẫn sinh trưởng, đơm hoa, kết trái. Quả Thị tuy nhỏ, có vị ngọt - chát nhưng rất thơm. Mùa thị kết trái, mùi thơm dân dã ấy cứ phảng phất khắp nơi trong khu di tích. Không hiểu lý do vì sao, năm 2007, cây Thị chết chỉ còn lại cây Đa.
Tuy nhiên, theo Ban Quản lý khu Di tích lịch sử Lam Kinh cho biết, những năm gần đây, một nhánh của cây Thị đã “xuất hiện” chen ra từ trong lòng cây Đa.
Hiện nhánh cây này lớn nhanh, xanh tốt và khỏe mạnh như một điềm báo linh thiêng và tốt lành về sức sống mới trên vùng đất cổ Lam Kinh, mang đến hy vọng về sự hồi sinh của cây Đa - Thị ngày nào.
Để bảo vệ cây, hàng năm Ban Quản lý khu Di tích lịch sử Lam Kinh thường xuyên dọn dẹp cành khô mục, phun thuốc diệt mối nhằm ngăn chặn các tác nhân làm hư hại cây. Đồng thời, chú trọng công tác phòng cháy, chữa cháy rừng và tạo môi trường sinh trưởng ổn định cho các loài thực vật...
Với tuổi thọ khoảng 300 năm và mang nhiều giá trị về lịch sử, văn hóa, tâm linh, cây Đa - Thị đã được vinh danh là Cây Di sản Việt Nam.
Nằm phía sau 5 tòa Thái miếu, ngay trước mộ vua Lê Thái Tổ tại Khu di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Lam Kinh còn có một cây Sui hơn 600 năm tuổi, được xem là cây cổ thụ nhất tại đây.
Theo Ban Quản lý khu di tích cho biết, cây Sui chủ yếu phân bố trên vùng núi cao ở một số tỉnh miền núi phía Bắc. Việc cả khu rừng ở đây chỉ có 1 cây Sui cổ thủ đến nay vẫn là một điều bí ẩn chưa có lời giải.
Cây Sui nằm ở vị trí đẹp trên đỉnh thế đất mai rùa, vừa tạo vẻ đẹp tự nhiên cho di tích, vừa tạo thêm sự tôn nghiêm chốn linh thiêng này.
Theo kết quả đo đạc, chiều cao của cây khoảng 40 mét, đường kính 1,13 mét, cây khỏe mạnh, cành lá xanh tốt. Trên thân cây, nhiều loài địa y, dương xỉ bám đầy.
Dù ở vị trí cao nhất nhưng cây Sui không bao giờ bị sét đánh, hay gió bão làm hưởng…
Khu di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Lam Kinh có tổng diện tích hơn 200ha, trong đó có trên 100ha rừng tự nhiên lâu đời. Theo khảo sát chưa đầy đủ, rừng Lam Kinh có khoảng 200 - 300 loài thực vật, trong đó có tới 80 loài gỗ quý và nhiều loài dược liệu quý. Đặc biệt, rừng Lam Kinh có 18 cây di sản, trong đó có 13 cây thuộc phạm vi di tích Lam Kinh ở huyện Thọ Xuân và 5 cây thuộc phạm vi đền thờ Lê Lai ở xã Kiên Thọ, huyện Ngọc Lặc. |