Cô gái Thái đưa thổ cẩm ra thế giới
Sinh ra, lớn lên trong cái “nôi” thổ cẩm bản Hoa Tiến (Quỳ Châu, Nghệ An), từ khi còn nhỏ, nghệ nhân Sầm Thị Tình đã bắt đầu học nghề dệt vải thổ cẩm từ mẹ mình, nghệ nhân Sầm Thị Bích. Tình yêu của cô đối với thổ cẩm Thái đã trở nên mạnh mẽ và cô quyết định đưa "hồn quê" của mình ra khỏi bản làng, thách thức thời gian và thị trường hiện đại.
Lưu giữ nghề dệt thổ cẩm ở Hoa Tiến
Bản Hoa Tiến với gần 300 ngôi nhà sàn cổ, là nơi mà nghệ thuật dệt thổ cẩm không chỉ là nghề truyền thống mà còn là phần của cuộc sống hàng ngày. Các bàn tay tài năng của những nghệ nhân Thái, trong những ngôi nhà sàn, tạo ra những tác phẩm thổ cẩm độc đáo với đầy đủ sự khéo léo và kỹ thuật.
Từ thuở nhỏ, các cô gái Thái đều được mẹ truyền cho nghề dệt vải. Trồng dâu, nuôi tằm, ươm tơ, dệt vải, thêu thùa vốn là các công việc mà họ đều hết sức thuần thục như một bảo chứng cho sự trưởng thành của thiếu nữ Thái. Họ thường tự tay làm những chiếc váy, chăn, nệm, những chiếc khản piêu để phục vụ bản thân và gia đình. Người Thái xem thổ cẩm là những vật phẩm không thể thiếu trong cuộc sống thường ngày. Vì thế mỗi đường nét thêu trên mảnh vải thấm đượm tình yêu lao động, tình yêu quê hương.
Tuy nhiên xã hội ngày càng phát triển, kéo theo đó nghề dệt thổ cẩm truyền thống nơi đây gần như mai một. Để bảo tồn và phát triển nghề truyền thống, chị Sầm Thị Tình cùng mẹ đã lựa chọn một lối đi riêng mở ra Hợp tác xã thổ cẩm Hoa Tiến từ năm 2010.
Với vai trò đứng đầu HTX, nghệ nhân Sầm Thị Bích chưa bao giờ hài lòng với thành quả đang có. Ngược lại luôn vận dụng sáng tạo, kết hợp cùng các nhà thiết kế, miệt mài tạo ra những sắc màu đa dạng, những hoa văn cầu kì, tinh xảo nhưng vẫn toát lên nét đặc thù vốn có. Hình thức đi liền với chất lượng, sản phẩm thổ cẩm Hoa Tiến không chỉ bắt mắt mà còn đảm bảo không phai, đặc biệt hơn là không ảnh hưởng đến sức khỏe.
Với vai trò đứng đầu HTX, nghệ nhân Sầm Thị Bích chưa bao giờ hài lòng với thành quả đang có. Ngược lại luôn vận dụng sáng tạo, kết hợp cùng các nhà thiết kế, miệt mài tạo ra những sắc màu đa dạng, những hoa văn cầu kì, tinh xảo nhưng vẫn toát lên nét đặc thù vốn có.
Hình thức đi liền với chất lượng, sản phẩm thổ cẩm Hoa Tiến không chỉ bắt mắt mà còn đảm bảo không phai, đặc biệt hơn là không ảnh hưởng đến sức khỏe. Tất cả các sợi vải được nhuộm bằng cây cỏ thiên nhiên như lá cà phê, cây cỏ mực, vỏ cây pháng đỏ, rễ xẹt, nghệ, lá mục vôi, lá hom, lá mượt, lá bàng, cắm phộng, gỗ mít...
Với hơn 30 năm trong nghề, nghệ nhân Sầm Thị Bích và đội ngũ nghệ nhân dệt thổ cẩm của mình đã tạo ra nhiều tác phẩm độc đáo. Bà đã được vinh danh trong nhiều cuộc thi và nhận được giấy chứng nhận danh hiệu thợ giỏi và nghệ nhân. Năm 2019, các sản phẩm của HTX làng nghề thổ cẩm Hoa Tiến đã đạt chuẩn 4 sao OCOP.
Để lưu giữ và chia sẻ với du khách về vẻ đẹp và giá trị văn hóa của nghề dệt thổ cẩm, bản Hoa Tiến đã xây dựng một bảo tàng mang tên Pỉ Noọng. Bảo tàng này lưu giữ hàng trăm hiện vật quý và độc đáo, trong đó có bộ váy áo truyền thống của người Thái lưu truyền suốt hơn 120 năm qua. Bộ váy áo này, từ lụa tơ tằm, vẫn giữ nguyên vẻ đẹp và họa tiết đặc trưng của người Thái, làm say đắm mọi du khách đặt chân đến đây.
Nghệ nhân Sầm Thị Bích cho biết: Khi thổ cẩm Hoa Tiến hồi sinh, người dân đã nghĩ cách đưa sản phẩm ra nước ngoài. Thậm chí, kết hợp với du lịch cộng đồng, Homestay nhằm giới thiệu cho du khách đến Hoa Tiến biết về thổ cẩm. Năm 2022, tổng doanh thu từ du lịch cộng đồng, bán các sản phẩm truyền thống giúp bà con bản Hoa Tiến thu về 1,2 tỷ đồng.
Hái “trái ngọt” từ nghề truyền thống của gia đình
Kiên trì thực hiện giấc mơ khi 16,17 tuổi, đến năm 2015 Sầm Thị Tình đã quyết định sáng lập Hoa Tien Brocade - giới thiệu quảng bá các sản phẩm của HTX Hoa Tiến. Đây là bước khởi nghiệp quan trọng, giúp cô quảng bá sản phẩm truyền thống của quê hương và tìm đầu ra cho sản phẩm, giúp bà con có thêm thu nhập trang trải cuộc sống. Từ đó, thương hiệu thổ cẩm Hoa Tiến vươn xa hơn thông qua các hoạt động du lịch, thương mại, liên kết với các sản phẩm dệt thổ cẩm truyền thống từ HTX và các dân tộc ở nhiều địa phương khác.
Với bàn tay khéo léo và tài hoa, các sản phẩm thổ cẩm của nghệ nhân Sầm Thị Tình vừa giữ được nét đẹp bản sắc truyền thống của dân tộc Thái, vừa hiện đại, tinh tế. Cũng nhờ chiến lược hợp lý, kết nối với các nhà thiết kế thời trang bền vững, các kiến trúc sư để ứng dụng những sản phẩm của Hoa Tiến Brocade. Dòng sản phẩm của HTX Hoa Tiến ngày càng được biết đến rộng rãi thông qua kênh bán hàng truyền thống, qua hội chợ thương mại và đặc biệt là mạng xã hội.
Những sản phẩm thổ cẩm từ bàn tay tài năng của nghệ nhân Sầm Thị Tình không chỉ giới hạn ở những chiếc ví, thú bông, khăn choàng mà còn mở rộng ra các mảng khác như dép thổ cẩm, vỏ gối, gấu bông... Sự sáng tạo không ngừng, việc học hỏi và thiết kế mẫu mã mới đã giúp nghệ nhân Sầm Thị Tình nâng cao giá trị của sản phẩm thổ cẩm Hoa Tiến. Với sự tỉ mỉ và khéo léo, cô đã biến những sợi vải vụn thành những sản phẩm tinh tế, phù hợp với nhu cầu thị trường.
Nghệ nhân Sầm Thị Tình cho biết, nét độc đáo của thổ cẩm Hoa Tiến là đều được làm thủ công bởi các nghệ nhân, bà con dân tộc Thái trong bản Hoa Tiến. Từ ươm tơ, xe sợi, dệt lụa, thậm chí nhuộm vải, các công đoạn đều được thực hiện hoàn toàn thủ công. Bà con ở đây sử dụng nguyên liệu tự nhiên từ cây, củ, quả trong vườn và rừng để chế thuốc nhuộm màu. Hiện nay, Hoa Tiến đã chế được 52 màu để nhuộm cho nhiều chất liệu khác nhau như vải tằm thô, lụa, vải bông, vải linen.
Bên cạnh đó, người Thái ở Hoa Tiến duy trì kỹ thuật dệt - nhuộm với độ tỉ mỉ và hoàn thiện cao, điển hình là kỹ thuật dệt ikat tạo ra những hoa văn độc đáo trên các tấm vải, khăn. Sản phẩm của Hoa Tiến đặc trưng với vải thô nhất định từ chất liệu, đường thêu chắc chắn, màu nhuộm tự nhiên đa dạng, bền đẹp với thời gian.
Đặt mục tiêu đưa sản phẩm thổ cẩm Hoa Tiến ra khỏi vùng cao xa xôi vươn ra thế giới, nghệ nhân Sầm Thị Tình đã phải vượt qua không ít khó khăn. Chị chia sẻ: “Đó là những trở ngại khi tiếp cận thị trường, làm thế nào để ngày càng nhiều người biết tới sản phẩm thổ cẩm. Rồi những khó khăn về đầu tư trang thiết bị để phục vụ việc tạo ra sản phẩm hoàn thiện; trăn trở tìm đầu ra cho sản phẩm đảm bảo ổn định; thách thức khi tiếp cận với khách nước ngoài”.
Chừng ấy khó khăn không làm cô gái Thái nản lòng. Không chỉ tiếp thu nền văn hóa đặc sắc của người Thái, nghệ nhân Sầm Thị Tình còn nắm vững các kỹ thuật thêu dệt, khi có thời gian, mình cũng luôn học hỏi và tìm tòi để ứng dụng thật nhiều các mẫu hoa văn thổ cẩm, hay các kỹ thuật dệt và nhuộm thực vật truyền thống của dân tộc Thái vào các sản phẩm tại Hoa Tiến Brocade nên khi giới thiệu về sản phẩm, cô dễ dàng chuyển tải tới khách hàng một cách dễ hiểu, hấp dẫn. Xác định đấy cũng chính là thế mạnh của bản thân cần khai thác để tạo điểm khác biệt, thu hút và giữ chân khách hàng.
Để tồn tại và phát triển, các thành viên HTX sống được bằng nghề thì việc tìm kiếm thị trường tiêu thụ là yếu tố tiên quyết. Do đó, một mặt thay đổi tư duy sản xuất, làm ra những sản phẩm mang tính ứng dụng cao, thiết kế hiện đại; mặt khác, đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến thương mại, ứng dụng thương mại điện tử vào tiêu thụ sản phẩm. Ngoài ra, còn kết nối với các cửa hàng, bảo tàng, các nhà thiết kế trong nước và quốc tế... để tạo thêm nhiều đơn hàng thổ cẩm, tăng thu nhập cho các thành viên.
Hiện nay, sản phẩm thổ cẩm Hoa Tiến đã có mặt ở nhiều thành phố lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hạ Long... và được xuất khẩu ra nhiều quốc gia như Pháp, Đức, Nhật, Lào... Sự nỗ lực không ngừng nghỉ cùng với sự ủng hộ và ghi nhận của các tổ chức trong và ngoài nước, đã giúp Hoa Tien Brocade không ngừng phát triển, góp phần giữ gìn và phát triển những giá trị truyền thống của Nghệ An nói riêng và Việt Nam nói chung.
Các sản phẩm thủ công hiện nay đóng vai trò rất quan trọng cho việc lưu giữ, bảo tồn và phát triển bản sắc văn hóa của các dân tộc, đặc biệt là dân tộc thiểu số. Nó thể hiện được tay nghề cao của những người nghệ nhân, mồ hôi và công sức của họ trong từng sản phẩm được làm rất tỉ mỉ, cầu kỳ. Đồng thời, những sản phẩm thủ công không được sản xuất đại trà, do nó cần phải có thời gian dài mới có thể hoàn thành, nên chúng mang giá trị rất đặc biệt.
Cá nhân mình cho rằng thổ cẩm cần được các nhà thiết kế thời trang ứng dụng nhiều hơn, có thể vào những bộ trang phục thường ngày. Mọi người cũng nên trân trọng những sản phẩm thủ công hơn để lan toả những giá trị văn hoá của hoa văn thổ cẩm nói chung và thủ công nói riêng, đồng thời ủng hộ công sức của các bà con dân tộc thiểu số ở Việt Nam - Nghệ nhân Sầm Thị Tình chia sẻ.
Giữ được nghề dệt chính là giữ được những nét văn hóa cổ xưa của đồng báo Thái Quỳ Châu. Dù chặng đường phía trước vẫn còn nhiều khó khăn nhưng với những sản phẩm thổ cẩm mang đậm tính nhân văn với các giá trị truyền thống của dân tộc Thái chắc chắn sẽ tiếp tục vươn xa.