Với lịch sử hàng trăm năm hình thành và phát triển, trên mảnh đất Quảng Bình đã ghi dấu bao tên đất, tên làng với bề dày trầm tích văn hóa-lịch sử đi suốt chặng đường dài dựng nước, giữ nước của dân tộc. Dẫu thời gian có trôi qua với những biến thiên thời cuộc, nhiều làng quê vẫn vẹn nguyên các giá trị trường tồn, bởi sâu thẳm còn đó không ít “di sản” của làng được bảo tồn vẹn nguyên…
Bên dòng Gianh dữ dội mà thâm trầm, với diện tích nhỏ bé, xã Quảng Lộc (TX. Ba Đồn) là một trong những địa phương hiếm hoi của tỉnh có đến 4 công trình được công nhận là di tích lịch sử-văn hóa cấp tỉnh và quốc gia, đó là: Đình Phù Trịch, Điện Thành hoàng làng Vĩnh Lộc, chiến thắng Phù Trịch-La Hà và Truy Viễn Đường làng Vĩnh Phước.
Theo cuốn “Lịch sử Đảng bộ xã Quảng Lộc-tập I, 1930-2000”, các cụ tiền nhân kể lại, xã Quảng Lộc vốn dĩ là một vịnh nhỏ do phù sa của nhiều dòng chảy thuộc lưu vực sông Gianh bồi đắp tạo thành. Do vị trí, địa lý, Quảng Lộc thuộc vùng thấp, trũng nên thường bị ngập lụt hàng năm (từ tháng 8-10 âm lịch) gây khó khăn, mất mát về mùa màng, tài sản, đe dọa đến đời sống nhân dân.
Xã có quá trình hình thành dân cư và làng xóm từ rất sớm. Khoảng cuối thế kỷ XIV, các họ có nguồn gốc từ Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh vào mới bắt đầu khai khẩn. Đặc biệt, dưới thời vua Trần Minh Tông (1314-1329), Trần Bang Cẩn là người có công dẹp giặc Lồi, được vua phong chức Đại hành khiển, hàm Thượng thư.
Năm 1318, sau khi hoàn thành nhiệm vụ cùng đại quân nhà Trần dẹp nạn xâm lấn của quân Chiêm Thành, Trần Bang Cẩn được vua cho phép quay về chiêu dân lập điền tại ấp Thị Lang (nay là làng Vĩnh Lộc), hướng dẫn nhân dân khai khẩn đất đai, mở mang cương vực ven sông Gianh, vùng hạ lưu tạo lập xóm, làng, khai phá hoang hóa, kiến thiết ruộng đồng, lập trang trại sản xuất. Ông vừa là quan chỉ huy quân đồn trú, vừa là chủ điền trang của hai giáp (Đông, Đoài). Ông đã vận dụng chính sách của nhà Trần để cho binh lính luân phiên sản xuất và tập luyện, vừa bảo vệ vùng đất phía Nam Hoành Sơn, vừa xây dựng trang trại, dạy dân sản xuất, tạo nên một vùng xóm, làng trù phú ở hai xứ (Đông, Đoài).
Điện Thành hoàng làng Vĩnh Lộc là di tích lịch sử-văn hóa cấp quốc gia, thờ Thành hoàng làng Thượng thư Trần Bang Cẩn, Tả Phó quan Nguyễn Chiêm và Thiếu giám quan Đinh Tướng công. Trải qua nhiều biến thiên, quần thể di tích vẫn trường tồn dù cái còn, cái mất, minh chứng cho sự trường tồn của những giá trị không thể đổi khác. Đặc biệt, 5 đạo sắc phong và thanh gươm hộ thân của Thành hoàng làng vẫn được hậu thế lưu truyền đến tận ngày này.
Ông Đinh Văn Duẩn, Trưởng ban truyền thống làng Vĩnh Lộc (thôn Đoài hai giáp) cho chúng tôi xem thanh gươm báu được gìn giữ vẹn nguyên qua bao thăng trầm lịch sử. Ông kể, trước đây, thanh gươm cùng 5 đạo sắc phong được lưu giữ tại Điện Thành hoàng làng Vĩnh Lộc, nhưng sau đó, lo ngại an toàn của “di sản”, được sự cho phép của làng, ông đã đem về bảo vệ tại nhà mình. Thanh gươm báu im lìm nằm đó như ẩn chứa bên trong cả một câu chuyện lịch sử dài. Nét vàng son tuy có phai mờ, độ sắc của gươm đã phôi pha ít nhiều, nhưng những đường nét tinh xảo vẫn vẹn nguyên. “Tôi giữ vật báu này có lẽ là đời thứ 30 được truyền lại…”, ông Duẩn trầm ngâm chia sẻ.
Quảng Lộc còn có một “kho báu” khác, đó chính là 12 đạo sắc phong được lưu giữ ở đình Phù Trịch. Theo chân Trưởng thôn Phù Trịch Nguyễn Công Nguyên, chúng tôi kính cẩn lần giở từng “di sản” của các bậc tiền nhân. Từng trang sắc phong còn giữ nguyên màu tươi mới, chữ viết sắc nét, dấu triện vua ban vẫn thắm đỏ, dù vẫn còn một số hư hỏng không thể tránh khỏi bởi thời gian và khắc nghiệt của thời tiết. Dưới mái đình Phù Trịch chứng kiến bao đổi thay của thời cuộc, những đạo sắc phong vẫn ở đó như “di sản” của làng Phù Trịch xưa trường tồn với thời gian.
Trong lòng đô thị Ba Đồn trẻ trung, hiện đại, vẫn còn đó một đình Lũ Phong (phường Quảng Phong) với những giá trị vẫn được lưu giữ vẹn nguyên, là di tích lịch sử-văn hóa cấp quốc gia. Theo cuốn “Những nét đẹp về văn hóa cổ truyền Quảng Bình” của nhà nghiên cứu Nguyễn Tú, làng Lũ Phong có câu nói truyền đời: “Văn: La; Võ: Lũ”, hàm ý văn học thì có làng La Hà, võ bị thì có làng Lũ Phong là tiêu biểu hơn cả. Bởi lẽ, ngay từ thời làng mang tên Lũ Đăng vào các thời Trần, Hồ, Lê… cho đến Trịnh-Nguyễn đổi tên như ngày nay, người làng Lũ Phong đã rất giỏi võ nghệ, có nếp sống hiên ngang, khí phách của con nhà thượng võ.
Truyền thống trọng văn, trọng võ còn có nguồn gốc từ sự thờ cúng của đình Lũ Phong, “một thủ tục kỳ lạ đến mức vượt quá tục tôn thờ đa thần trong văn hóa nông nghiệp, cũng khác lạ với nguyên tắc cơ bản của đạo Nho. Đình làng Lũ Phong không thờ thần nào, chẳng phải là Thành hoàng, vì Thành hoàng có miếu riêng (miếu cụ Phạm Xuân Quế) cũng không phải là bách thần vì mỗi vị thần có sắc phong đều có miếu thờ vị ấy, nhưng cũng có thể nói đình làng Lũ Phong thờ 5 vị thần vô danh, không tên tuổi mà vẫn được nhân dân tâm niệm là “thần””.
Người làng Lũ Phong xưa lấy “thờ thần”, “thờ dân”, “thờ văn”, “thờ võ”, “thờ lễ” để làm năm nguyên tắc đối nhân xử thế và cao hơn nữa năm nguyên tắc ấy được tôn lên thành “thần” để mọi người thờ. Người dân còn lập ở đình làng 5 bàn thờ với 5 bài vị tương đương, cùng một kiểu kiến trúc đình làng 5 nóc. 5 nóc ấy cũng là: Nóc thần, nóc dân, nóc văn, nóc võ, nóc lễ. Các cụ cao niên của làng lý giải, từ thuở mới lập làng, các vị tiền khai canh, khai khẩn cho rằng, thờ thần là tôn kính thiên nhiên, trời đất; thờ dân là tôn kính Tổ quốc vì lấy dân làm gốc; thờ văn là để trọng văn, lấy văn để phát triển làng xóm, có văn mới có văn hóa, phong tục, tri thức; thờ võ, chuộng võ, trọng võ để có đủ sức mạnh bảo vệ cho dân, cho nước và thờ lễ để làm nền móng cho làng Lũ Phong.
Bước sang thời đại cách mạng công nghiệp 4.0, các “di sản” của làng vẫn rất cần được quan tâm để có những cách thức bảo quản hiện đại, phù hợp, thay vì cất giữ trong các mái đình hay nhà dân vốn không bảo đảm điều kiện tốt, nhất là trong bối cảnh biến đổi khí hậu đang diễn biến phức tạp như hiện nay.
Theo ông Nguyễn Văn Sơn, chủ tế lễ hội đình Lũ Phong (vào ngày 18/1 âm lịch hàng năm), kế thừa nét truyền thống của cha ông, đình Lũ Phong ngày nay hiện thờ 10 vị thần và đặc biệt mỗi vị thần lại minh chứng cho niềm tin của người dân vào những giá trị văn hóa truyền đời. Trong 10 vị thần được thờ ở đình làng, bên cạnh các nhân vật cụ thể, như: Năm 2024 là Sở vương hành khiển (tên vị thần thay đổi theo năm âm lịch); Thành hoàng làng; vị khai khẩn làng... còn có 2 vị nữ tướng, vị thần Biển Đông, vị thần Sông Gianh và vong linh những người hy sinh vì đất nước. Đặc biệt, đình còn thờ Bác Hồ và Đại tướng Võ Nguyên Giáp, tuy không có bài vị, nhưng tâm trí người làng Lũ Phong luôn thành kính nhớ về...
Vẫn còn nhiều nữa những “di sản” quý giá ở các làng quê trên địa bàn tỉnh, minh chứng cho lịch sử của một vùng đất nhiều trầm tích văn hóa một thời. Thời gian trôi qua, nhưng những “di sản” của làng vẫn trường tồn mãi như cách để các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của cha ông được lưu giữ, phát huy từ thế hệ này sang thế hệ khác.