Sức bật từ phong trào sản xuất, kinh doanh giỏi
Phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh (SXKD) giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” được các cấp Hội Nông dân (HND) tỉnh Cao Bằng triển khai hiệu quả. Các mô hình SXKD giỏi thúc đẩy, lan tỏa khí thế thi đua vượt khó, làm giàu của nhiều hội viên, nông dân (HV, ND) là động lực tác động tích cực đến phát triển nông nghiệp, nông thôn, từng bước hình thành và phát triển các vùng sản xuất hàng hóa tập trung gắn với các cây trồng chủ lực, từ đó thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, góp phần xây dựng nông thôn mới tại địa phương.
Nông dân thi đua làm giàu
Hưởng ứng phong trào “Nông dân thi đua SXKD giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”, hằng năm, các cấp Hội tuyên truyền, vận động trên 21.000 lượt hộ đăng ký, qua bình xét có trên 12.000 lượt hộ đạt danh hiệu SXKD giỏi. Ở họ đều có điểm chung là tinh thần sáng tạo, dám đổi mới tư duy trong phát triển kinh tế, chủ động nắm bắt các cơ hội để nâng cao hiệu quả SXKD, phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, đời sống vật chất và tinh thần.
Là một trong những HV, ND được chứng nhận hộ SXKD giỏi nhiều năm của tỉnh, anh Lê Bảo Hưng, xóm Nà Mạ, xã Trường Hà (Hà Quảng) thực hiện lồng ghép mô hình chăn nuôi và trồng trọt mang lại hiệu quả kinh tế cao. Hiện nay, gia đình anh tập trung chăn nuôi trên 100 con lợn nái, lợn thịt và trên 1.000 con gà siêu trứng. Hằng năm, thu nhập của gia đình đạt trên 500 triệu đồng.
Năm 2021, chị Nguyễn Hồng Minh, tổ 5, phường Hợp Giang (Thành phố) đạt danh hiệu “Nông dân Việt Nam xuất sắc”. Chia sẻ về quá trình phát triển sản xuất của bản thân, chị Minh cho biết: Đầu những năm 2000, bắt đầu khởi nghiệp phát triển kinh tế vườn rừng trên khu đất rừng rộng 7,3 ha.
Do thiếu kinh nghiệm, lựa chọn cây trồng và giống chưa tốt nên chị phải liên tục “trồng rồi chặt, rồi lại trồng và chặt”. Trải qua nhiều thất bại và quá trình học hỏi, tích lũy kinh nghiệm, đến năm 2007, chị Minh tìm được hướng đi đúng khi trồng những cây ăn quả được thị trường đón nhận, giá cả ổn định, không bấp bênh, mất giá. Vườn cây ăn quả của chị hiện có hơn 1.000 cây hạt dẻ, 200 cây trám đen, 600 cây bưởi da xanh, 300 cây mận, 700 cây ổi... Đáp ứng tiêu chí sạch, ngon, trái cây của gia đình trồng được không đủ bán, nhiều tư thương chủ động tìm đến bao tiêu sản phẩm, mua về sử dụng. Năm 2022, thu nhập từ trái cây ăn quả của chị Minh đạt khoảng 700 triệu đồng.
Cùng làm kinh tế giỏi như anh Lê Bảo Hưng, chị Nguyễn Hồng Minh, tại các địa phương trong tỉnh xuất hiện nhiều gương nông dân SXKD giỏi như: Chị Riêu Thị Mới, ở thị trấn Thông Nông (Hà Quảng), phát triển trồng trọt, chăn nuôi, tổng thu nhập năm 2022 đạt 560 triệu đồng; chị Nông Thị Dung, ở phường Ngọc Xuân (Thành phố) phát triển chăn nuôi lợn và trồng rừng, thu nhập năm 2022 đạt 1,4 tỷ đồng; anh Đàm Văn Chất, xóm Bản Viết, xã Phong Châu (Trùng Khánh) phát triển mô hình trang trại chăn nuôi vịt, thu nhập gần 300 triệu đồng/năm…
Không chỉ làm giàu cho gia đình, các hộ SXKD giỏi đóng góp giúp các gia đình chính sách, gia đình neo đơn, hộ nông dân có hoàn cảnh khó khăn 2,8 tỷ đồng; giúp cây, con giống, lương thực, thực phẩm trị giá 6,5 tỷ đồng, cho mượn 55 ha đất canh tác, cho vay 407 triệu đồng không lấy lãi; giúp 39.691 công lao động sửa chữa nhà ở, làm chuồng trại chăn nuôi, thu hoạch mùa vụ; giúp đỡ 1.031 hộ nông dân thoát nghèo... Thông qua phong trào, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tái cơ cấu ngành nông nghiệp, hình thành các vùng sản xuất tập trung, xây dựng các mô hình kinh tế tập thể, hợp tác xã SXKD theo hướng liên kết chuỗi giá trị, tạo nên nhiều sản phẩm đạt chuẩn OCOP địa phương, góp phần giảm nghèo bền vững.
Từ năm 2017 đến nay, các cấp Hội phát động thi đua, vận động 136.271 hộ nông dân đăng ký tham gia phong trào, trong đó có 55 hộ nông dân SXKD giỏi được UBND tỉnh tặng bằng khen, 78 hộ được HND tỉnh tặng bằng khen, 1 hộ được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen, 3 hộ được HND Việt Nam tặng bằng khen; 7 hội viên được công nhận danh hiệu “Nông dân Việt Nam xuất sắc”, 3 nhà khoa học của tỉnh được Trung ương HND Việt Nam công nhận danh hiệu “Nhà khoa học của nhà nông”.
Góp sức xây dựng nông thôn mới
Từ phong trào “Nông dân thi đua SXKD giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” đã xuất hiện nhiều cá nhân năng động, SXKD đạt hiệu quả cao. Từ năm 2018 đến nay, HV, ND tham gia làm mới, sửa chữa 6.347 km đường, kiên cố hóa, sửa chữa 1.653 km kênh mương, làm mới, sửa chữa 91 cầu cống, đóng góp 757.313 công lao động, 9.484 triệu đồng, hiến 442.982 m2 đất mở rộng đường, xây dựng nhà văn hóa, trường học; xây dựng các tuyến đường nông dân tự quản, tham gia trồng, chăm sóc hoa, cây cảnh dọc đường nông thôn... Duy trì và phát huy hiệu quả 926 mô hình bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu hoạt động hiệu quả, vận động HV, ND di dời 2.538 chuồng trại ra khỏi gầm sàn nhà ở, xây dựng 4.771 nhà tiêu hợp vệ sinh.
Phong trào nông dân thi đua SXKD giỏi góp phần hình thành các mô hình SXKD mới, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Điển hình như: Mô hình trồng và chăm sóc cây ăn quả tại xã Vũ Minh (Nguyên Bình), trồng và chế biến miến dong tại thị trấn Tĩnh Túc (Nguyên Bình), chăn nuôi bò sinh sản tại xã Lý Bôn (Bảo Lâm), trồng cây ăn quả kết hợp với chăn nuôi lợn tại thị trấn Nguyên Bình (Nguyên Bình), trồng cây hồi và chế biến tinh dầu hồi tại xã Cốc Pàng (Bảo Lạc), chăn nuôi trâu bò sinh sản tại thị trấn Thông Nông (Hà Quảng),... qua đó, đóng góp quan trọng vào quá trình xây dựng nông thôn mới, làm thay đổi bộ mặt nông thôn tại địa phương theo hướng ngày càng khang trang, giàu đẹp hơn.
Đến nay, toàn tỉnh có 17 xã đạt chuẩn nông thôn mới; Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) tạo điều kiện cho phát triển kinh tế nông thôn, nhiều sản phẩm đặc trưng, sản phẩm OCOP tạo ra thương hiệu cho từng địa phương, đem lại giá trị kinh tế với 144 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP.
HND các cấp tiếp tục chủ động phối hợp với các cơ quan liên quan, các doanh nghiệp, nhà khoa học tạo nhiều nguồn lực hỗ trợ nông dân đẩy mạnh sản xuất theo hướng hàng hóa, nâng cao năng suất, chất lượng, tăng sức cạnh tranh, tăng thu nhập và cải thiện thu nhập, đời sống cho HV, ND. Hỗ trợ nông dân xúc tiến thương mại, tiêu thụ sản phẩm. Hoạt động Hội hướng mạnh về cơ sở, gắn bó sâu sát, nắm chắc tình hình tâm tư và nguyện vọng của HV, ND, nhất là nông dân ở vùng sâu, biên giới, vùng đặc biệt khó khăn; giúp hội viên chủ động, tự tin hơn trong lao động, sản xuất, tổ chức cuộc sống, nhân rộng các điển hình, tạo sự lan tỏa và thu hút đông đảo HV, ND tham gia, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới.