Khèn Mông sang chợ Tây
Mùa Mí Nam, nghệ nhân dân gian ở Vị Xuyên (Hà Giang), bán khèn Mông sang Mỹ và Pháp với giá hàng trăm USD. Từ khi chuyển điện thoại "cục gạch" sang dùng smartphone để video call, khách hàng của Mí Nam vượt xa khỏi biên giới.
Mùa Mí Nam dỡ từng ống trúc khỏi bầu khèn bằng gỗ rồi lót giấy, nhét vào trong một cái ống nhựa PVC to như phích nước.
Mảnh giấy dán trên ống nhựa ghi địa chỉ của một người ở California (Mỹ). Anh cho hay tháo từng bộ phận nhét vào ống nhựa là cách tốt nhất để gửi hàng đi đường xa không bị hỏng.
Khèn của anh không phải gắn keo, cứ rút từng ống trúc ra, đến nơi người ta ghép lại là dùng được.
Cây khèn 500 USD
Chào khách phương xa, Mí Nam nhờ người cầm điện thoại quay video, anh lắp chiếc khèn lại thổi một bài, vừa thổi vừa múa như thời trẻ... xuống chợ tán gái.
Đám thanh niên hàng xóm nghe tiếng khèn chạy ra ngó, lố nhố ngoài bờ rào. Hàng xóm cũng toàn người Mông quê ở Đồng Văn mua đất chuyển nhà về nơi này.
Đám trai bản ngày nào cũng nghe tiếng khèn nhưng vẫn mê. Thứ âm thanh trầm trầm, khúc khuỷu như bước chân chếnh choáng men rượu ngô chợ phiên đã ngấm vào máu đám con trai miền núi.
Đám trai bản mê lắm! Nhưng giá của mỗi chiếc khèn bằng một con trâu tốt. Mí Nam bán sang Mỹ, sang Pháp tính bằng tiền đô la.
Gã trai làm khèn này bị người ta nghi ngờ bán thuốc phiện hay là theo bọn xấu mang cái đạo lạ về cho bà con người Mông.
Mỗi lần vợ chồng Mí Nam đến ngân hàng rút tiền cũng mang về một bọc to như cục gạch.
Người Mông làm nương, không nuôi trâu bò nhưng có nhà xây to nhất bản, trong nhà toàn xe máy đẹp thì chỉ có buôn "cái gì" mới có nhiều tiền như thế. Người làm khèn ở Hà Giang có cả chục, cắp một con lợn xuống chợ là đổi được cái khèn.
Ấy nhưng những người biết làm khèn ấy cả tuần làm được một chiếc, bán cái khèn, uống rượu thắng cố xong chỉ mua được cân thịt mỡ về cho con. Chẳng mấy ai làm khèn mà nhiều tiền như Mí Nam.
"Mình làm chẳng đủ bán. Các ông chú ở Pháp, ở Trung Quốc gọi điện về lấy rất nhiều", anh khoe. Năm 2018, có mấy người ở Trung Quốc tìm sang tận nhà Mí Nam để xem cây khèn.
Họ tìm người biết làm cái khèn thổi thật hay, thật tốt ở chợ Phó Bảng, người ở chợ chỉ đến nhà Mí Nam. Ngày ấy, Mí Nam bán cho một người bốn chiếc.
Hơn tuần sau, người này quay lại, dẫn theo sáu người nữa. Mỗi người lấy vài chiếc. Họ thích cây khèn của Mí Nam - loại khèn thổi lên đúng âm điệu của người Mông. Họ bảo Mí Nam tạo tài khoản QQ và Wechat trên điện thoại, chỉ cách quay video, cách đăng, cách nhắn tin...
Mí Nam biết bán hàng trên mạng từ ngày ấy. Người ta bảo anh là người đầu tiên bán khèn Mông trên mạng.
Ít lâu sau, Mí Nam lại xuất hiện trên kênh tiếng Mông của truyền hình địa phương. Clip về nghề chế tác khèn của anh đăng lên YouTube, nhiều người Mông ở Mỹ, Pháp xem được hỏi đài truyền hình số điện thoại của Mí Nam. Anh lại lập thêm nick Facebook để giới thiệu, bán hàng.
"Năm 2013, bốn ông ở Pháp đã về đây, ở nhà tôi 17 ngày xem tôi làm khèn. Tôi làm được bốn cái, các ông chú lấy đi rồi lại giới thiệu Facebook của tôi cho nhiều người bên ấy. Đông khách quá tôi phải thuê thêm mấy người giúp mới làm kịp", anh khoe.
Nghệ nhân từ năm 30 tuổi
Người Mông từ lúc 3 ngày tuổi cho đến khi chết vùi trong đá núi đều gắn với tiếng khèn. 3 ngày tuổi nghe khèn ở lễ mo "hu plỳ" (nhập hồn), thầy mo làm lễ dùng cây khèn để gọi con ma rừng, ma đất, gọi hồn vía của đứa trẻ về, buộc vào cái vòng bạc đeo trên cổ.
Con trai lớn lên biết cầm cuốc lên nương, biết phá đá làm nương cũng là lúc tập thổi khèn để tìm vợ. Đến khi lìa đời, tiếng khèn của thầy mo lại đưa hồn vía họ về với tổ tiên, về với núi.
Cái khèn gắn với người Mông là vậy, đi đâu cũng thấy khèn, làm gì cũng có khèn bên cạnh. Nhà nào có khèn treo trên vách nhà đó còn là con cháu người Mông.
Mí Nam 13 tuổi đã biết thổi khèn, 17 tuổi biết làm khèn, làm mộc, hơn 30 tuổi đã trang trọng được Nhà nước phong nghệ nhân.
Gã trai người Mông này vừa biết khoét cái gỗ khít như con ong xây tổ trên cây, vừa biết pha đồng với bạc không bị đen, rồi còn biết đọc làu làu những cuốn sách ghi bằng chữ Quan thoại và lướt smartphone nhoay nhoáy.
Ít ai ngờ gã trai người Mông ở góc núi Hà Giang này đã kết nối với cả cộng đồng người Mông trên khắp thế giới.
Nhà cũ của Mí Nam ở trên một triền dốc lởm chởm đá tai mèo thuộc đất Phó Bảng (Đồng Văn, Hà Giang).
Mảnh nương nhà Mí Nam chỉ trồng được chục ống bơ ngô giống, cứ ba hạt ngô bỏ vào một hốc đá. Lúc cây ngô bé, đợi mãi chẳng có mưa, khi mưa xuống lại trôi hết đất. Nuôi thêm con bò cũng không đủ nước cho nó uống.
Nghèo quá nên Mí Nam học làm thợ rèn. Anh từng nổi tiếng đất Phó Bảng với nghề làm súng kíp. Nhà nước cấm súng săn, anh nghe lời cán bộ nộp cả hơn chục khẩu súng, nộp cả bễ lò rèn.
Tuy nhiên, nghề rèn khiến anh biết cách tôi cái sắt cho cứng và lại khéo cái tay làm mộc. Vì thế mà từng cái ống trúc gắn vào bầu khèn của anh khít đến nỗi không phải dùng keo.
Bầu khèn anh làm bằng gỗ ngọc am trên núi Tây Côn Lĩnh (huyện Vị Xuyên, Hà Giang), ống khèn lấy ở rừng trúc tận Trà Lĩnh (Cao Bằng), cái đai khèn làm bằng vỏ một loại đào mọc trên núi đá vùng Si Ma Cai (Lào Cai).
Bộ phận quan trọng nhất là cái "lưỡi gà" để tạo ra âm thanh trong mỗi ống trúc làm bằng đồng pha với bạc trắng.
Thế nhưng bí quyết bao nhiêu lạng đồng pha với bao nhiêu chỉ bạc, nung nóng đến độ nào, tán mỏng ra sao thì chỉ có Mùa Mí Nam biết.
Trước năm có dịch COVID-19, nghe nói ở bên Trung Quốc có người làm ra được cái máy chế tác khèn, Mí Nam lặn lội sang cửa khẩu Ma Lù Thàng (Lai Châu) tìm bằng được cái máy ấy. Thế nhưng đến nơi anh thất vọng, máy cơ khí chỉ làm ra cái khèn để múa cho đẹp chứ không thổi được.
"Cái máy nó khoan lỗ tròn, lỗ nào cũng như lỗ nào, nhưng cái ống trúc làm khèn lại không tròn đều. Mỗi ống to nhỏ, dày mỏng khác nhau, bắt buộc phải dùng dao khoét lỗ thủ công. Làm phải thật khít, lấy ống của cái khèn này lắp sang khèn khác cũng không được", anh cười kể.
Anh khoe hè này anh lại xin mở lớp dạy khèn cho trẻ con. Năm ngoái anh mở một lớp, 28 người, toàn trẻ con đến học miễn phí.
Anh xin phép phòng văn hóa đồng ý thì mở lớp, đến học ở nhà anh, ăn uống ở đấy không lấy tiền. Anh dạy thổi khèn, dạy theo các bài ghi trong sách cổ, ai có năng khiếu, anh dạy cả làm khèn. Và tiếng khèn Mông cứ trầm bổng vang vọng khắp núi đá.