Đời sống xã hội

Thúc đẩy phát triển dân tộc miền núi

Bài và ảnh: Ngọc Huấn 30/05/2024 - 05:41

Huyện Cẩm Thủy (Thánh Hóa) có 16 xã và 1 thị trấn; dân số khoảng 120 nghìn người, có 3 dân tộc chính sinh sống lâu đời là Kinh, Dao, Mường (trong đó dân tộc Mường chiếm 52,58%) và một số dân tộc thiểu số (DTTS) khác. Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước có những chủ trương, chính sách đầu tư phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) miền núi nói chung, huyện Cẩm Thủy nói riêng, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân; an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo, hệ thống chính trị không ngừng được củng cố.

27-5-1-thanh-hoa(1).png
Lễ hội Khai hạ suối cá thần Cẩm Lương (Cẩm Thủy) vào dịp đầu xuân góp phần bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa của đồng bào dân tộc Mường.

Lễ hội Khai hạ suối cá thần Cẩm Lương (Cẩm Thủy) vào dịp đầu xuân góp phần bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa của đồng bào dân tộc Mường.

Những tấm gương điển hình trong thanh niên, đồng bào DTTS

Ở thôn Quý Thanh, xã Cẩm Quý, đoàn viên, thanh niên (ĐVTN) Cao Ngọc Xuân, sinh năm 1995, dân tộc Mường đã mạnh dạn vay vốn, thành lập doanh nghiệp cơ khí, sơn tĩnh điện Xuân Thành Phát, tạo việc làm ổn định cho 7 lao động là những thanh niên tại địa phương với mức thu nhập từ 8 đến 10 triệu đồng/tháng, mỗi năm thu về từ 250 đến 300 triệu đồng lợi nhuận. Ngoài ra, đoàn viên Cao Ngọc Xuân còn thường xuyên chia sẻ kinh nghiệm, tạo điều kiện hỗ trợ kỹ thuật, hướng dẫn cách làm hiệu quả cho ĐVTN. Vận động các thanh niên có mô hình kinh tế tiêu biểu thành lập câu lạc bộ (CLB) thanh niên phát triển kinh tế xã Cẩm Quý và hiện nay đoàn viên Cao Ngọc Xuân đang giữ chức vụ phó chủ nhiệm CLB.

Ở xã Cẩm Châu có gương anh Phùng Văn Minh, sinh năm 1986, dân tộc Dao. Anh Minh Phó Chủ tịch HĐND kiêm Bí thư Đoàn xã Cẩm Châu. Là người năng động, anh Minh phát triển mô hình tổ chức sự kiện cưới hỏi đã hơn 6 năm, cho thu nhập hàng năm từ 250 - 300 triệu đồng, giải quyết việc làm thường xuyên cho 3 lao động là thanh niên địa phương. Ngoài ra, anh Minh còn tham mưu cho địa phương thành lập CLB thanh niên phát triển kinh tế xã Cẩm Châu, với mục đích tạo môi trường để ĐVTN được hỗ trợ, chia sẻ, giúp đỡ nhau về kinh nghiệm, thông tin, kiến thức, vốn, thị trường tiêu thụ... góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế tại địa phương.

Cùng với lực lượng ĐVTN có hoài bão, ước mơ, những người có uy tín, già làng, trưởng bản, trưởng dòng họ, nhân sĩ, trí thức, doanh nhân là người DTTS trên địa bàn huyện Cẩm Thủy đã phát huy vai trò hiệu quả trong tuyên truyền, vận động, hướng dẫn, giúp đỡ Nhân dân trong phát triển KT-XH ở cơ sở, xóa đói, giảm nghèo, XDNTM, xây dựng hệ thống chính trị cơ sở và khối đại đoàn kết các dân tộc, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, bảo vệ quốc phòng - an ninh (QP-AN); giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư... góp phần cùng với cấp ủy, chính quyền địa phương từng bước nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân các dân tộc trên địa bàn huyện.

Tiêu biểu như ông Triệu Phúc Quý, dân tộc Dao, già làng, người có uy tín của tổ dân phố Ngọc Sơn, thị trấn Phong Sơn; ông Trương Ngọc Chưởng, dân tộc Mường, người uy tín thôn Liên Sơn, xã Cẩm Tú có thành tích xuất sắc trong công tác tuyên truyền, vận động đồng bào các dân tộc chấp hành chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và các quy định của địa phương; ông Bàn Văn Phòng, dân tộc Dao, là thầy cúng, người có uy tín thôn Thạch An, xã Cẩm Liên; bà Hà Thị Điểm, dân tộc Mường, doanh nhân làm kinh tế giỏi thôn Chiềng Chanh, xã Cẩm Thành.

Ông Bùi Văn Hiển, dân tộc Mường, hộ sản xuất, kinh doanh thôn An Tâm, xã Cẩm Tâm luôn tích cực, gương mẫu trong cải tạo vườn tạp, chuyển đổi cây trồng, phát triển kinh tế gia đình, tạo mô hình phát triển kinh tế tại địa phương, tạo việc làm thường xuyên cho 2 lao động trong thôn. Gia đình ông Hiển còn hỗ trợ giúp đỡ hội viên cựu chiến binh và bà con trong thôn về kinh nghiệm làm kinh tế vườn hộ. Tham gia và ủng hộ tinh thần cũng như vật chất cho các phong trào văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao của thôn và xã, góp phần xây dựng nông thôn mới xã Cẩm Tâm...

Triển khai thực hiện hiệu quả Chương trình 1719

Cùng với sự nỗ lực vươn lên của mỗi người dân, các chương trình, chính sách của Đảng, Nhà nước đã và đang góp phần thúc đẩy phát triển KT-XH, giữ vững QP-AN trên địa bàn huyện Cẩm Thủy. Ngày 22/6/2021, Ban Thường vụ Huyện ủy đã ban hành Quyết định số 492-QĐ/HU về việc thành lập ban chỉ đạo các chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) trên địa bàn huyện Cẩm Thủy, giai đoạn 2021-2025 gồm chương trình XDNTM; giảm nghèo bền vững; phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021-2030 (sau đây gọi là Chương trình 1719).

Ngày 13/9/2021, ban chỉ đạo các chương trình MTQG trên địa bàn huyện Cẩm Thủy đã ban hành Quyết định số 606-QĐ/BCĐ về phân công nhiệm vụ các thành viên ban chỉ đạo các chương trình MTQG trên địa bàn huyện Cẩm Thủy, giai đoạn 2021-2025. Ở các xã, thị trấn đều thành lập ban chỉ đạo các chương trình MTQG và phân công 1 cán bộ kiêm nhiệm thực hiện công tác tổng hợp, báo cáo...

Thời gian qua, Huyện ủy, HĐND, UBND huyện luôn quan tâm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo về phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS&MN. UBND huyện Cẩm Thủy đã ban hành Kế hoạch số 50/KH-UBND, ngày 1/3/2022 về việc triển khai thực hiện Chương trình 1719 giai đoạn 2021-2030; giai đoạn 1 từ năm 2021-2025. Ngoài các chương trình, kế hoạch dài hạn theo giai đoạn, UBND huyện còn ban hành các kế hoạch thực hiện hằng năm, kế hoạch thực hiện theo các dự án, tiểu dự án; ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện.

Hàng năm trên cơ sở các nguồn lực tỉnh giao, UBND huyện xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện các dự án, các tiểu dự án. Chỉ đạo các xã, thị trấn, các đối tượng thụ hưởng dự án thực hiện huy động các nguồn vồn hợp pháp khác để đối ứng thực hiện các dự án, tiểu dự án. Từ năm 2022 đến năm 2024 nguồn vốn trung ương đã giao để thực hiện Chương trình 1719 được Ban Dân tộc chủ trì, tham mưu phân bổ cho huyện Cẩm Thủy là 38.565 triệu đồng, thực hiện giải ngân đạt gần 70% số vốn đã được phân bổ.

Dưới sự lãnh, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền từ huyện đến cơ sở, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong chỉ đạo thực hiện các mục tiêu, nội dung của Chương trình 1719, cùng với chương trình MTQG XDNTM và giảm nghèo bền vững đã từng bước góp phần khai thác được tiềm năng, lợi thế của các xã, thị trấn trong vùng đồng bào DTTS&MN. Hệ thống cơ cấu hạ tầng KT-XH của huyện đã được cải thiện; các công trình thiết yếu phục vụ sản xuất và đời sống của Nhân dân được quan tâm đầu tư xây dựng, với 100% số xã có điện lưới quốc gia; được phủ sóng truyền hình; có đường ô tô đến trung tâm xã, có trên 98% số hộ dùng điện thường xuyên, an toàn; thu hút đầu tư đạt kết quả tốt.

Diện mạo đô thị, nông thôn có nhiều khởi sắc. Lĩnh vực văn hóa - xã hội có nhiều tiến bộ, an sinh xã hội được đảm bảo, đời sống người dân được nâng lên; QP-AN được giữ vững và tăng cường; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ổn định. Trong nửa đầu nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Cẩm Thủy lần thứ XXVI, nhiệm kỳ 2020-2025, Đảng bộ và Nhân dân huyện Cẩm Thủy đã hoàn thành và hoàn thành vượt mức 10/25 chỉ tiêu KT-XH chủ yếu của kế hoạch phát triển KT-XH giai đoạn 2021-2025 đã đề ra. Trong đó, có nhiều chỉ tiêu quan trọng như: Tỷ lệ thu ngân sách tăng bình quân trên 69,49%/năm; tỷ lệ đô thị đạt 19,33%; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 70,16%, tỷ lệ hộ nghèo còn 2,96%...

Bài và ảnh: Ngọc Huấn