Lên vùng cao Hải Sơn trải nghiệm du lịch cộng đồng
Chẳng cần đi đâu xa, khi chính bản làng là nơi phát triển du lịch cộng đồng, du lịch bản địa với mức chi phí thấp, trải nghiệm giá trị cao, điều này đang được nhiều địa phương vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) miền núi thực hiện rất hiệu quả. Xã Hải Sơn (thành phố Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh) là một điểm đến như vậy!
Hải Sơn là xã vùng cao biên giới với gần 87% cư dân là đồng bào các DTTS sinh sống. Những năm gần đây, xã Hải Sơn tập trung xây dựng mô hình du lịch cộng đồng và mỗi năm, lại có thêm những sản phẩm mới, hấp dẫn du khách. Trong đó, từ tháng 5/2024, đồi sim bên đỉnh Mã Thàu Sơn ở xã Hải Sơn bắt đầu đưa vào khai thác, phục vụ du khách. Trên diện tích gần 10ha, các hộ đồng bào DTTS ở Hải Sơn đã chung tay xây dựng một điểm đến vô cùng hấp dẫn.
Tới đây, du khách được trải nghiệm không gian khoáng đạt của núi rừng, khí hậu trong lành khiến bao mỏi mệt bộn bề lo toan của cuộc sống dường như biến mất. Giữa đại ngàn, sắc sim tím hòa cùng màu xanh của rừng sẽ là bức họa tuyệt đẹp để mỗi người ghi lại những tấm hình quý giá của thanh xuân rực rỡ. Đặc biệt hơn, du khách có thể khoác lên mình những trang phục rất tuyệt vời của đồng bào Dao, Sán Chỉ để cùng check-in điểm đến vùng cao.
Ẩm thực nơi đây vô cùng phong phú với những sản vật của núi rừng như: Gà thả đồi, lợn bản, trà hoa vàng, sắn vàng, xôi ngũ sắc, bánh lá ngải, cá suối, thịt ngan đen hoặc cà sáy (vịt lai ngan), bánh chưng nếp cẩm, thổ cẩm, mật ong rừng, trám muối riềng, măng rừng muối, rượu sim... Rửa tay dưới dòng nước mát lấy từ khe núi, ăn miếng gà nướng củi ngọt lịm, cắn miếng sắn dẻo rền do chính tay du khách tự nhổ sắn, tước vỏ, tự luộc... quả thực là những trải nghiệm vô cùng đặc sắc...
Hải Sơn là một trong những địa phương giàu bản sắc văn hóa, lại được thiên nhiên ban tặng nhiều cảnh quan tuyệt đẹp như: Thác 72 gian kỳ vĩ, hồ Tràng Vinh, núi Panai, Mã Thàu Sơn, làng bích họa Pò Hèn rực rỡ giữa núi rừng Đông Bắc... Đặc biệt, nơi đây có Khu di tích lịch sử quốc gia Pò Hèn, điểm đến tâm linh ngàn người thăm viếng.
Ông Nguyễn Văn Đô, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Móng Cái cho biết: Thực hiện các nghị quyết, quyết định của Trung ương, của tỉnh và thành phố Móng Cái về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; các Chương trình mục tiêu quốc gia và Nghị quyết số 06-NQ/TU ngày 17/5/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về “Phát triển bền vững kinh tế - xã hội gắn với bảo đảm vững chắc quốc phòng - an ninh ở các xã, thôn, bản vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030” (Nghị quyết số 06-NQ/TU), thành phố đã tập trung chỉ đạo thực hiện các cơ chế, chính sách thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn tỉnh và Nghị quyết số 06-NQ/TU, hướng đến phát triển bền vững kinh tế - xã hội gắn với bảo đảm vững chắc quốc phòng - an ninh ở các xã, thôn, bản vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo gắn với xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu và giảm nghèo bền vững.
Trong định hướng phát triển kinh tế, xã hội vùng đồng bào DTTS, mô hình du lịch cộng đồng được thành phố Móng Cái xác định là thế mạnh, trong đó chọn các xã vùng cao Bắc Sơn, Hải Sơn là điểm đến, lấy du lịch cộng đồng làm nền tảng cho bảo tồn văn hóa, lấy bảo tồn văn hóa để làm du lịch cộng đồng. Phát huy giá trị bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào DTTS, người dân ở Hải Sơn đang tích cực tận dụng để phát triển du lịch cộng đồng vừa nâng cao thu nhập, vừa góp phần bảo tồn, phát huy nét văn hóa truyền thống của dân tộc, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Nhờ phát triển du lịch cộng đồng, chất lượng cuộc sống của người dân vùng đồng bào DTTS được cải thiện rõ rệt. Người dân dần tự ý thức trong bảo vệ môi trường sống, tự cải tạo cho ngôi nhà của gia đình, đường làng, ngõ xóm thêm sạch đẹp hơn; tích cực gìn giữ, bảo vệ bản sắc văn hóa, nghề truyền thống của dân tộc.
Từ khi làm du lịch, người dân xã Hải Sơn cũng mang văn hóa truyền thống đoàn kết, tương trợ, yêu thương, hiếu khách để ứng xử, đối đãi, đón khách đến với địa phương. Du khách đến đây đều được đón tiếp với nụ cười tuyệt vời, cùng trải nghiệm các trò chơi dân gian như ném còn, đánh đu, leo cầu khỉ, đánh quay, bịt mắt bắt vịt, trèo cây chuối, cùng học cách làm bánh sắn, cách nấu xôi ngũ sắc, cùng hát soóng cọ với người dân tộc Sán Chỉ, hát giao duyên với người dân tộc Dao... Đây không chỉ là cách làm du lịch thân thiện, tuyệt vời, mà còn là cách để giữ gìn, trao truyền, lan tỏa các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào, góp phần tạo nên bản sắc, điểm nhấn độc đáo để thu hút du khách.
Thú vị hơn, mô hình du lịch cộng đồng ở Hải Sơn còn ghi dấu ấn đậm nét với Lễ hội hoa sim biên giới được tổ chức hằng năm vào mùa Hè. Năm nay, lễ hội này được tổ chức vào ngày 18 và 19/5, là sự lựa chọn thú vị cho du khách với mọi lứa tuổi.
Du lịch Hải Sơn trong mùa lễ hội với chi phí thấp mà giá trị trải nghiệm cao chắc chắn “hút khách”. Du khách nếu từ trung tâm thành phố Móng Cái sẽ chỉ mất quãng đường 34km về phía Tây Bắc, đường trải nhựa cực dễ đi, dù bằng ô tô, xe máy, hay trải nghiệm cung đường xanh mướt bằng xe đạp cũng là chọn lựa thú vị.
Tháng 5 về, trong cái nắng vàng rực rỡ nhuộm thêm sắc tím ngọt ngào của hoa sim, bà con Hải Sơn xúng xính váy hoa, khăn quấn, chăm chút từng chú lợn béo tròn, nắn nót từng búp trà tươi, nhuộm thêm đậm đà mẹt xôi ngũ sắc... sẵn sàng chu đáo chuẩn bị đón mùa Lễ hội hoa sim biên giới. Và với những điểm đến hấp dẫn như vườn sim tình yêu bên đỉnh Mã Thàu Sơn, mùa du lịch này, quý vị hãy xách ba lô lên đường đến Hải Sơn để cùng trải nghiệm sắc màu rực rỡ của cuộc sống mến thương.