Giúp phụ nữ vùng đồng bào dân tộc có cuộc sống ổn định
Sinh ra và lớn lên ở vùng cao Mai Châu, Hòa Bình nên từ năm 13 tuổi, chị Lò Thị Chanh ở xóm Chiềng Châu, xã Chiềng Châu đã biết nghề dệt thổ cẩm. Sau khi lập gia đình, ngoài việc đồng áng chị làm thêm nghề dệt ở nhà bán cho các tư thương. Công việc tranh thủ lúc nông nhàn giúp chị có thêm thu nhập khoảng 2 triệu đồng mỗi tháng. Tuy nhiên trước đây sản phẩm của chị được mang đi các nơi nhưng không có thương hiệu nên giá trị chưa cao.
Từ khi Hợp tác xã (HTX) dệt thổ cẩm Chiềng Châu được thành lập, chị tham gia là thành viên. HTX tập hợp được nhiều thành viên là người có nghề truyền thống của gia đình. Khi vào HTX, chị Chanh được học hỏi thêm nhiều kỹ năng từ các chị em và sản phẩm của HTX có thương hiệu, ngày càng nhiều khách hàng biết đến. Có nhiều đơn hàng xuất đi các nước nên thu nhập của thành viên trong HTX được cải thiện.
Chị Chanh cho biết: Trước đây, sản phẩm thổ cẩm phần lớn để gia đình sử dụng. Giờ đây sản phẩm của chúng tôi có mặt ở nhiều nơi, được nhiều người tin dùng. Người nước ngoài rất thích những sản phẩm dệt thủ công. Không chỉ giữ gìn nghề truyền thống mà còn tạo việc làm cho bà con dân tộc thiểu số nơi đây. Có được thành quả này là nhờ HTX năng động tìm thị trường mới, ký kết được nhiều đơn hàng cho các thành viên.
Là người trẻ nhất trong HTX dệt thổ cẩm Chiềng Châu, chị Mạc Thị Thanh Mai, ở xóm Chiềng Châu cho biết: Từ năm 7 tuổi em đã học nghề dệt từ mẹ. Khi HTX được thành lập em tham gia là thành viên. Công việc dệt thổ cẩm trở thành một nghề mà chị em kiếm sống được. Trước đây hầu hết các hộ đều biết dệt thổ cẩm và sản xuất các mặt hàng như khăn, vải, trang phục truyền thống, chủ yếu phục vụ nhu cầu của cộng đồng người Thái trong huyện. Giờ đây du khách đến Mai Châu ngày càng nhiều nên nhu cầu mua đồ dùng bằng thổ cẩm ngày càng đa dạng. Để đáp ứng nhu cầu khách hàng, HTX có thêm sản phẩm túi xách, giày, dép, thú nhồi bông và những đồ lưu niệm nhỏ...
Chị Vì Thị Oanh, Phó giám đốc HTX dệt thổ cẩm Chiềng Châu cho biết: Hiện tại, HTX có 21 thành viên và 40 người ngoài HTX tham gia làm khi có đơn hàng. Đây là công việc phù hợp với chị em miền núi lúc nông nhàn, không phải đi làm ăn xa. Để mở rộng và đa dạng nguồn thu, HTX triển khai trồng dâu nuôi tằm phục vụ khách du lịch trải nghiệm. Chúng tôi mong muốn thiết kế ra nhiều sản phẩm mới phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng và đưa sản phẩm đến với thị trường trong, ngoài nước.
Đối với HTX Hoa Ban ở bản Lác, xã Chiềng Châu, không chỉ sản xuất theo đơn đặt hàng, HTX còn làm sản phẩm do mình thiết kế và cửa hàng thổ cẩm. Khi khách đến có thể tham quan gian hàng, xưởng may, dệt. Chị Vì Thị Thuận, Giám đốc HTX Hoa Ban cho biết: Từ ngày thành lập, HTX tạo việc làm thường xuyên cho chị em. Công việc ổn định, phù hợp, chị em lại không phải đi làm ăn xa. HTX tuy mới thành lập nhưng đã có 17 thành viên và 8 hộ liên kết. Chúng tôi tiếp tục đa dạng sản phẩm nhằm đáp ứng nhu cầu của khách hàng, nâng cao thu nhập cho thành viên.
Từ nhiều năm nay, HTX Dịch vụ nông nghiệp Lương Phú, xã Phong Phú, huyện Tân Lạc vẫn kiên trì với mặt hàng thủ công mỹ nghệ. HTX cũng nhận được nhiều đơn hàng từ nước ngoài nên công việc của chị em được thường xuyên. Chị Bùi Thị Quỳnh ở xóm Mường Lồ, xã Phong Phú cho biết: Tôi có con nhỏ nên không thể đi làm xa được. Do vậy, tôi tham gia vào HTX làm hàng thủ công mỹ nghệ và có thu nhập 5 - 6 triệu đồng/tháng. Công việc phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của gia đình.
Chị Nguyễn Thị Bảy, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Lương Phú cho biết: Nghề làm thủ công mỹ nghệ của HTX đã có 20 năm, hiện tạo việc làm cho 600 lao động. 90% lao động của HTX là đồng bào dân tộc thiểu số. Trong thời gian tới, chúng tôi tiếp tục liên kết với các đơn vị để tìm kiếm nhiều đơn hàng hơn nữa, giúp chị em có thêm việc làm, tăng thu nhập.