Quan tâm đầu tư cho giáo dục vùng dân tộc thiểu số và miền núi
Đầu tư phát triển giáo dục, đào tạo ở vùng dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi được Đảng, Nhà nước và các địa phương xác định là một trong những ưu tiên trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội. Theo đó, từ nhiều nguồn vốn khác nhau, cơ sở vật chất phục vụ giáo dục tại các trường học ở vùng dân tộc thiểu số, vùng khó khăn của tỉnh Thái Nguyên đã được đầu tư, nâng cấp, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục tại địa phương.
Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú THCS Thần Sa, huyện Võ Nhai hiện đang có 152 học sinh , với 100% học sinh là người dân tộc thiểu số. Trong đó, 70% học sinh thuộc hộ nghèo và cận nghèo, khoảng 2/3 học sinh đang ở bán trú tại trường. Với mục tiêu nâng cao chất lượng giáo dục ở vùng sâu, vùng xa, vùng có đông đồng bào DTTS sinh sống, những năm qua, từ nhiều nguồn kinh phí khác nhau, cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học đã được đầu tư. Ngoài ra, thực hiện các chính sách của Đảng, Nhà nước và của tỉnh, các học sinh nơi đây cũng đã được hỗ trợ các khoản chi phí học tập, từ đó giúp các em có thêm động lực đến trường.
Em Lý Thị Lan, Lớp 9, Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú THCS Thần Sa, huyện Võ Nhai vui vẻ: "Được sự hỗ trợ của nhà nước em cảm thấy rất vui và tự tin nên em cần phải cố gắng học tập hơn nữa".
Cô giáo Đinh Thị Phương Hằng, Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú THCS Thần Sa, huyện Võ Nhai cho biết: "Thực hiện chế độ chính sách học sinh ở bán trú, chúng tôi là trường trực tiếp thực hiện xét duyệt học sinh bán trú có sự tham gia của chính quyền địa phương. Về xét duyệt chúng tôi đã đảm bảo theo đúng quy định của Nghị định 116, trong quá trình thực hiện luôn sáng tạo để chất lượng bữa ăn của các em ngày càng tốt hơn".
Toàn cảnh Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú THCS Thần Sa. |
Huyện Võ Nhai hiện có trên 60 trường ở 3 cấp học (mầm non, tiểu học, THCS) thì ở cấp mầm non có 40 điểm trường; tiểu học có 37 điểm trường và cấp THCS có 2 điểm trường. Đường đến các điểm trường đã được đổ bê tông gần đạt 100% số tuyến; đảm bảo 1 phòng học/1 lớp; học sinh được học tập và sinh hoạt trong điều kiện vật chất, thiết bị dạy và học tương đối đầy đủ. Ngoài ra, trên địa bàn còn có 3 trường THPT được đầu tư khang trang, đồng bộ, đáp ứng được yêu cầu học tập của con em địa phương.
Anh Lê Quốc Việt, phụ huynh học sinh xã Thần Sa, huyện Võ Nhai cho biết: "Ở đây toàn đồng bào dân tộc số, bà con đa số làm ruộng dời sống còn nhiều khó khăn. Được sự hỗ trợ của Nhà nước là động lực cho các con em chúng tôi cố gắng đến trường đầy đủ hơn".
Thầy giáo Nguyễn Văn Trường, Hiệu trưởng Trường THPT Trần Phú, Thái Nguyên cho biết: "Được Nhà nước hỗ trợ các chính sách dành cho học sinh của trường đã có sự cải thiện rõ rệt, tạo động lực cho học sinh tiếp tục cố gắng nỗ lực đi học nhiều hơn, duy trì quy mô phát triển của nhà trường, đây là sự tác động rất lớn".
Ông Nguyễn Văn Mùi, Phó trưởng phòng GD&ĐT huyện Võ Nhai thông tin: "Chúng tôi chỉ đạo các nhà trường rà soát tất cả các em học sinh đúng đối tượng để khi có chế độ chính sách sẽ triển khai kịp thời để các em được hưởng ngay, chính sách này giúp giảm bớt khó khăn cho các bậc phụ huynh, từ đó học sinh cũng sẽ đến trường đầy đủ hơn".
Trong giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh Thái Nguyên đề ra mục tiêu tiếp tục củng cố, nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục vùng DTTS và miền núi ở các cấp học. Trong đó phấn đấu ít nhất 8% học sinh DTTS được học tại các trường Phổ thông dân tộc nội trú. Với sự đầu tư kịp thời cho các trường, điểm trường vùng dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn, sẽ góp phần nâng cao chất lượng giáo dục tại các địa phương nói chung, huyện Võ Nhai nói riêng./.