Sử dụng hiệu quả tiền dịch vụ môi trường rừng
Triển khai dịch vụ môi trường rừng (DVMTR), nhiều chủ rừng, cộng đồng thôn, bản trên địa bàn tỉnh vừa có thêm nguồn thu nhập vừa được chia sẻ kiến thức, kỹ năng cần thiết liên quan đến sử dụng tiền chi trả DVMTR để trở thành lực lượng bảo vệ rừng chuyên nghiệp.
Triển khai dịch vụ môi trường rừng (DVMTR), nhiều chủ rừng, cộng đồng thôn, bản trên địa bàn tỉnh vừa có thêm nguồn thu nhập vừa được chia sẻ kiến thức, kỹ năng cần thiết liên quan đến sử dụng tiền chi trả DVMTR để trở thành lực lượng bảo vệ rừng chuyên nghiệp.
Mới đây, trong thời gian 9 ngày (từ 13 - 21/5), Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh đã tổ chức 15 lớp tập huấn “Nâng cao năng lực cho các chủ rừng là cộng đồng thôn, bản thực hiện chi trả dịch vụ môi trường rừng”. Tham gia các lớp tập huấn là đại diện Ban quản lý rừng cộng đồng thôn, bản thuộc các xã thực hiện chi trả DVMTR của 2 huyện: Điện Biên và Điện Biên Đông.
Đại diện cho cộng đồng bản Cò Chạy 1, xã Mường Pồn, huyện Điện Biên tham gia tập huấn, anh Vì Văn Phương tập trung lắng nghe báo cáo viên hướng dẫn về công tác quản lý, sử dụng tiền DVMTR; ghi chép sổ tay chi trả, sổ tay tuần tra bảo vệ rừng cung ứng DVMTR và một số chứng từ, mẫu biểu lưu tại thôn, bản; xây dựng quy chế quản lý, sử dụng tiền DVMTR… Cẩn thận ghi chép lại kiến thức cần thiết để phổ biến cho bà con trong bản hiểu hơn về DVMTR, anh Phương cho biết: Dù đã có kiến thức về quản lý, sử dụng tiền này, nhưng mỗi khi có lớp tập huấn tôi vẫn tham gia đầy đủ để nâng cao kiến thức, kỹ năng, làm sao để sử dụng nguồn tiền DVMTR một cách hiệu quả nhất.
Được giao quản lý, bảo vệ hơn 350ha rừng, khoảng 3 năm trở lại đây, trung bình mỗi năm thôn Háng Đề Dê, xã Sính Phình, huyện Tủa Chùa được chi trả gần 200 triệu đồng tiền DVMTR. Những năm đầu, khi DVMTR mới được triển khai, cộng đồng thôn Háng Đề Dê khá lúng túng trong việc sử dụng nguồn tiền này để làm sao vừa công bằng, hợp lý và phải đúng quy định. Để nâng cao năng lực quản lý và sử dụng tiền DVMTR cho cộng đồng thôn Háng Đề Dê nói riêng và các chủ rừng trên địa bàn huyện Tủa Chùa nói chung, hằng năm, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh đã phối hợp tổ chức các lớp tập huấn, hướng dẫn các chủ rừng cách thức quản lý, sử dụng tiền DVMTR. Những kiến thức, kỹ năng cần thiết liên quan đến chính sách DVMTR có ý nghĩa quan trọng, tác động trực tiếp đến bà con. Đồng thời cấp phát cho mỗi chủ rừng sổ tay chi trả DVMTR để ghi chép thông tin và các khoản chi tiêu liên quan đến tiền DVMTR sao cho khách quan nhất.
Ông Giàng A Lử, trưởng thôn Háng Đề Dê cho biết, trước đây, sau khi nhận tiền DVMTR, cộng đồng thôn chỉ trích lại một phần nhỏ để phục vụ công tác tuần tra, bảo vệ rừng, còn lại chia đều cho các hộ trong thôn, thì giờ đây nguồn tiền này được phẩn bổ, sử dụng hợp lý hơn. Cụ thể, ngoài phân bổ cho hai nguồn trên, chúng tôi còn tính toán trích lại một phần để chi trả cho các thành viên trong tổ tuần tra bảo vệ rừng theo bảng chấm công, người nào tích cực tham gia vào công tác tuần tra, bảo vệ rừng thì số tiền chi trả sẽ càng cao. Nguồn tiền chi trả DVMTR được sử dụng hợp lý nên bà con trong bản đều đồng thuận, coi rừng là “tài sản chung”, đồng lòng cùng với chính quyền và lực lượng chức năng chung tay quản lý, bảo vệ, phát triển rừng hiệu quả.
Toàn tỉnh hiện có tổng số 4.840 chủ rừng. Để nâng cao năng lực cho các chủ rừng, từ đầu năm đến nay, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh đã tổ chức 18 lớp tập huấn cho gần 550 chủ rừng ở 3 huyện: Tủa Chùa, Điện Biên và Điện Biên Đông về chính sách chi trả DVMTR, hướng dẫn quản lý, sử dụng tiền, ghi chép sổ tay chi trả, sổ tay tuần tra bảo vệ rừng. Quỹ đã cấp phát 96 sổ tay chi trả DVMTR và 98 sổ tay tuần tra bảo vệ rừng cung ứng DVMTR cho các chủ rừng.
Ông Phan Anh Sơn, Phó Giám đốc Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh cho biết: Tại các lớp tập huấn, học viên là các chủ rừng đã tham gia thảo luận về những hạn chế, tồn tại và tích cực chia sẻ kinh nghiệm trong việc lập kế hoạch, báo cáo kết quả tuần tra bảo vệ rừng và quản lý sử dụng tiền chi trả DVMTR; đặc biệt là những khó khăn trong quá trình triển khai chính sách chi trả DVMTR. Đây cũng là một kênh để Quỹ nắm bắt thông tin, kịp thời giải đáp những khó khăn cho người dân và cộng đồng.
Ngoài việc tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, tuyên truyền trực tiếp, hiệu quả từ những buổi tập huấn sẽ giúp bà con tiếp cận và nắm vững kiến thức, thủ tục liên quan đến chi trả DVMTR. Với những kiến thức, kỹ năng đã tiếp thu qua tập huấn là cơ sở để chủ rừng vận dụng vào tình hình thực tế trong quản lý, sử dụng tiền DVMTR; góp phần thúc đẩy việc thực thi chính sách chi trả DVMTR ngày càng hiệu quả.