Phát triển - Hội nhập

Phát triển các sản phẩm OCOP đặc trưng của địa phương

Văn Lập 24/05/2024 - 19:18

Sau hơn 10 năm thực hiện chương trình mỗi xã, phường một sản phẩm OCOP, đến nay, tỉnh Quảng Ninh đang có 417 sản phẩm được công nhận là sản phẩm OCOP từ 3 đến 5 sao, trong đó có 4 sản phẩm đạt chất lượng 5 sao. Những sản phẩm đó không chỉ mang lại giá trị kinh tế cao, tạo được thương hiệu bền vững mà từ chương trình đã góp phần nâng cao thu nhập cho người dân, giúp người dân thay đổi tư duy sản xuất, hình thành vùng sản xuất hành hoá tập trung.

Trước đây, Hợp tác xã (HTX) chăn nuôi và dịch vụ Đồng Tiến, huyện Tiên Yên có khoảng 20 hộ hội viên nuôi vịt đẻ trứng, lấy thương hiệu Trứng vịt biển Đồng Rui. Tuy nhiên, trong quá trình hoạt động, năng lực quản lý của HTX còn hạn chế, không quản lý được thương hiệu dẫn đến một số cơ sở kinh doanh làm giả thương hiệu, làm mất uy tín với khách hàng, ảnh hưởng đến thị trường tiêu thụ, ảnh hưởng không nhỏ đến thương hiệu Trứng vịt biển Đồng Rui.

24-5.jpg
HTX Đồng Tiến nuôi vịt đẻ trứng có thương hiệu Trứng việt biển Đồng Rui.

Năm 2019, với sự hỗ trợ của Hội Nông dân huyện Tiên Yên, HTX Đồng Tiến đã kiện toàn lại bộ máy, nâng cao thương hiệu, quản lý chặt chẽ nguồn hàng và có những biện pháp chống hàng giả. HTX cũng tích cực tham gia triển lãm sản phẩm tại các chương trình OCOP của tỉnh, của huyện, từ đó lấy lại niềm tin với khách hàng, tạo được đầu ra ổn định cho sản phẩm. Hiện nay, sản phẩm OCOP 4 sao Trứng vịt biển Đồng Rui đã có đầu ra ổn định tại các siêu thị lớn, chuỗi cửa hàng thực phẩm nông sản sạch trong tỉnh và các địa phương lân cận như Hà Nội, Hải Phòng, các bếp ăn của các công ty than trên địa bàn tỉnh. Hợp tác xã cũng đặt mục tiêu phát triển chế biến sâu, hướng tới xuất khẩu và nâng hạng cho sản phẩm Trứng vịt biển Đồng Rui.

Ông Vũ Anh Tuấn, Giám đốc HTX chăn nuôi và dịch vụ Đồng Tiến, huyện Tiên Yên, tỉnh Quảng Ninh, cho biết: "Để sản xuất một cách có quy trình hoàn thiện từ chăn nuôi cho đến thu gom rồi chế biến, hiện nay mới chỉ tạo được điều kiện kết nối với bà con chăn nuôi và tiêu thụ sản phẩm. Chúng tôi mong muốn cơ quan chức năng của tỉnh quan tâm, tạo điều kiện có được diện tích để xây dựng nhà máy chế biến các sản phẩm sâu hơn về sản phẩm trứng vịt Đồng Rui, ví dụ chế biến thành trứng ăn liền để xuất khẩu hoặc bán ra thị trường, và nâng cấp thành sản phẩm 5 sao trong thời gian tới."

Ngoài Trứng vịt biển Đồng Rui, gà Tiên Yên cũng là một trong những sản phẩm OCOP có thế mạnh của huyện Tiên Yên. Để phát triển thương hiệu này, Hội Nông dân huyện Tiên Yên cũng đang tích cực vào cuộc với các cấp ủy, chính quyền, khuyến khích và tạo điều kiện cho hội viên nông dân tham gia phát triển mô hình chăn nuôi gà Tiên Yên.

Năm 2022, anh Lý Văn Thắng, thôn Hợp Thành, xã Phong Dụ, được Hội Nông dân Tiên Yên tạo điều kiện cho vay 100 triệu đồng từ quỹ hỗ trợ nông dân để thực hiện mô hình chăn nuôi gà Tiên Yên. Số tiền này đã giúp anh Thắng có vốn để đầu tư xây dựng chuồng trại, con giống và thức ăn. Trong quá trình chăn nuôi, anh Thắng cũng nhận được sự quan tâm hỗ trợ về kỹ thuật từ phía tổ chức Hội. Nhờ đó, đàn gà của gia đình anh phát triển tốt, mang lại thu nhập hơn 150 triệu đồng/năm. Năm 2023, anh Thắng đã hoàn trả lại số vốn vay cho quỹ hội. Sắp tới, anh cũng đang dự định mở rộng quy mô chăn nuôi thêm khoảng 2000 đến 3000 con gà thương phẩm.

Còn với anh Bế Văn Lỵ, ở thôn Hồng Phong, được Hội Nông dân huyện hướng dẫn quy trình chăm sóc gà theo hướng sử dụng thức ăn tự nhiên, kết hợp chăn thả gà đồi để nâng cao chất lượng đầu ra cho sản phẩm. Nhờ đó, anh gặp nhiều thuận lợi trong phát triển chăn nuôi, nhất là sản phẩm gà thương phẩm của gia đình anh khi xuất bán luôn được thương lái ưu tiên lựa chọn. Có được đầu ra bền vững, mỗi năm anh xuất bán được khoảng hơn một vạn con gà, thu nhập từ 350 triệu đồng đến 500 triệu đồng/năm.

24-5-2-ga-tien-yen.jpg
Mô hình nuôi gà ở huyện Tiên Yên có giá trị kinh tế cao đang được nhiều hộ gia đình triển khai, thực hiện.

Huyện Tiên Yên có gần 30 sản phẩm OCOP được xếp hạng từ 3 đến 4 sao. Xác định phát triển các sản phẩm OCOP là nhằm phát huy lợi thế những sản phẩm nông nghiệp đặc trưng, tạo động lực thúc đẩy nông nghiệp phát triển, nâng cao thu nhập cho nông dân. Hàng năm, Hội Nông dân các cấp luôn đổi mới cách thức tuyên truyền, vận động hội viên tham gia chương trình. Đến nay, các cấp Hội Nông dân đã trực tiếp hỗ trợ, giúp hội viên xây dựng 32 sản phẩm OCOP; có 9 sản phẩm OCOP do Hội Nông dân làm chủ sở hữu.

Chỉ tính trong 10 năm qua, Hội Nông dân tỉnh và huyện đã tổ chức cho gần 400 lượt nông dân đưa 279 lượt sản phẩm OCOP đi tiêu thụ tại các hội chợ trong và ngoài tỉnh. Đồng thời, phối hợp với Bưu điện tỉnh đưa 53 nhà cung cấp với 108 sản phẩm OCOP kết nối tiêu thụ nông sản qua sàn giao dịch thương mại điện tử, cung cấp thông tin của 9.598 hộ sản xuất để cập nhật lên sàn giao dịch.

Có thể kể đến một số sản phẩm OCOP được xếp hạng 3 sao của tỉnh như Nem chua nem mắm Đức Hậu, là sản phẩm của Hợp tác xã sản xuất nông lâm ngư nghiệp và dịch vụ tổng hợp Đức Hậu, thị xã Quảng Yên. Sản phẩm này có thị trường tiêu thụ ổn định, được sản xuất khoảng hơn 1.000 chiếc mỗi ngày. Để có được thị trường ổn định như vậy, ngoài việc chú trọng chất lượng trong quy trình sản xuất, HTX cũng quảng bá thương hiệu của mình tại các hội chợ của địa phương và của tỉnh, do đó được khách hàng trong và ngoài tỉnh biết đến nhiều hơn.

Hay như Cơ sở sản xuất ruốc tép Trương Thị Long, thương hiệu Quảng Yên, có 3 sản phẩm OCOP được xếp loại 3 sao bao gồm: mắm tép trưng thịt, ruốc tép, ruốc Hà Sú. Bên cạnh bán hàng theo phương pháp truyền thống như giao hàng tại các chợ trung tâm thương mại, cơ sở đã quảng bá, giới thiệu sản phẩm qua Zalo, Facebook, và đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử, nhờ đó mở rộng kênh tiêu thụ sản phẩm. Hiện nay, mỗi ngày cơ sở này đưa ra thị trường khoảng 50 kg sản phẩm mắm tép, mắm ruốc các loại; thời gian cao điểm, lượng hàng có thể tăng lên tới 1,5 tạ.

Bà Nguyễn Thị Hoài Hương, Chủ tịch Hội Nông dân Thị xã Quảng Yên, nói: "Đối với Hội Nông dân thì chúng tôi xác định luôn phải đồng hành với các chủ thể có sản phẩm OCOP để các hộ này sẽ được lan tỏa, tiêu thụ tốt và liên kết để phát triển và đưa ra thị trường. Để thực hiện những việc đó thì chúng tôi đã thực hiện khá nhiều các giải pháp, ví dụ như chúng tôi tổ chức các gian hàng, các điểm để trưng bày sản phẩm, tổ chức tập huấn, hỗ trợ các kênh vay vốn. Từ những việc này thì các hộ đã được chúng tôi luôn đồng hành và phát triển để nâng cao thu nhập cho chính các hộ cũng như thu nhập chung cho nông dân."

Tỉnh Quảng Ninh hiện nay có 219 chủ thể sản xuất tham gia chương trình OCOP với 334 sản phẩm đạt từ 3 sao đến 5 sao. Các sản phẩm OCOP đã khẳng định được thương hiệu trên thị trường, được khách hàng trong nước đón nhận. Chương trình OCOP không chỉ tạo ra sản phẩm mang tính hàng hóa, nâng cao thu nhập cho người dân, thay đổi tư duy sản xuất mà nó thực sự tạo nền tảng cho Quảng Ninh có những thuận lợi để đưa nông sản của địa phương vươn ra biển lớn. Đây còn là cơ hội thuận lợi, tạo động lực để ngành nông nghiệp phát triển hiện đại, xây dựng nông thôn văn minh, và để chương trình tiếp tục khẳng định vai trò trong phát triển kinh tế nông thôn, đặc biệt là nâng cao thu nhập cho người nông dân.

Thời gian tới, Hội Nông dân tỉnh sẽ tiếp tục phối hợp với các ngành địa phương, chủ động triển khai sâu rộng các mô hình kinh doanh, xây dựng thương hiệu để tổ chức sản xuất theo chương trình OCOP. Đồng thời, tập trung hướng dẫn, tập huấn, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, đào tạo nghề cho lao động nông thôn, nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm OCOP theo nhu cầu, thị hiếu của thị trường. Chú trọng thực hiện hiệu quả công tác vận động tổ chức liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị nhằm tăng giá trị nông sản hàng hóa theo hướng sản xuất nông nghiệp; chuyển thành kinh tế nông nghiệp góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập của lao động nông thôn ngày càng hiệu quả hơn, kinh tế phát triển nông thôn ngày càng phát triển hơn, hiệu quả hơn./.

Văn Lập