Kinh tế

Giúp đồng bào dân tộc thiểu số vươn lên thoát nghèo

PHƯƠNG THẢO 24/05/2024 - 14:16

Những năm qua, tuổi trẻ huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum luôn phát huy tinh thần xung kích, tình nguyện vì cộng đồng, tích cực tham gia Cuộc vận động "Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào dân tộc thiểu số, làm cho đồng bào dân tộc thiểu số vươn lên thoát nghèo bền vững" với những mô hình, cách làm hiệu quả.

Từ năm 2021 đến nay, Huyện đoàn Sa Thầy đã phối hợp với các đơn vị liên quan, tổ chức 7 lớp tập huấn, trang bị kiến thức, thúc đẩy khởi nghiệp tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS); triển khai chuyển giao khoa học-kỹ thuật về trồng trọt, chăn nuôi, ứng dụng công nghệ sản xuất, kinh doanh và tiêu thụ nông sản cho thanh niên DTTS; tập huấn phát triển kinh tế nông nghiệp gắn với chuyển đổi số; tư vấn nghề nghiệp việc làm, xuất khẩu lao động vay vốn; tập huấn kỹ năng khởi nghiệp, lớp đào tạo nghề cho hơn 600 đoàn viên, thanh niên đồng bào DTTS trên địa bàn.

capture5g.png
Huyện đoàn Sa Thầy hỗ trợ mô hình phát triển kinh tế cho đoàn viên, thanh niên dân tộc thiểu số.

Bên cạnh đó, Huyện đoàn còn hỗ trợ "vườn cây sinh kế" trị giá 5 triệu đồng cho hộ gia đình thanh niên A Hlanh tại làng Trang, xã Ya Xiêr; hỗ trợ "Vườn cây sinh kế thích ứng biến đổi khí hậu năm 2023" với 300 cây mắc-ca cho các hộ gia đình chính sách, đoàn viên tại xã Ya Tăng trị giá 30 triệu đồng; tổ chức hơn 70 buổi tuyên truyền về Cuộc vận động "Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào dân tộc thiểu số, làm cho đồng bào dân tộc thiểu số vươn lên thoát nghèo bền vững" với hơn 2.000 người dân và đoàn viên, thanh niên đồng bào DTTS tham gia; vận động người dân và đoàn viên, thanh niên đồng bào DTTS bỏ dần các hủ tục.

Các cấp bộ Đoàn trên địa bàn huyện Sa Thầy đã tập hợp đoàn viên, thanh niên tham gia nhiều hoạt động xây dựng cơ sở như: Nạo vét hơn 15 km kênh mương; sửa hơn 5 km đường giao thông nông thôn; dọn vệ sinh, thu gom hơn 5 tấn rác thải; phát quang 15 km bụi rậm, trồng hơn 8.000 cây xanh các loại; hỗ trợ 50 suất quà và học bổng cho học sinh DTTS có hoàn cảnh khó khăn, vươn lên học giỏi (trị giá 25 triệu đồng); phối hợp xây dựng 1 căn nhà nhân ái trị giá 70 triệu đồng; trao hơn 2.000 suất quà tặng các hộ gia đình đồng bào DTTS (trị giá 400 triệu đồng)…

Theo kết quả khảo sát từ Huyện đoàn Sa Thầy, qua 3 năm triển khai Cuộc vận động "Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào dân tộc thiểu số, làm cho đồng bào dân tộc thiểu số vươn lên thoát nghèo bền vững", trên địa bàn có 70 hộ thanh niên đồng bào DTTS nghèo, cận nghèo đã áp dụng khoa học-kỹ thuật vào sản xuất, lựa chọn giống cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao; có 112 thanh niên đồng bào DTTS nghèo, cận nghèo có đời sống vật chất, tinh thần được cải thiện (mức thu nhập cao hơn mức trung bình của đồng bào DTTS tại địa phương; có mô hình sản xuất ổn định, nhà ở kiên cố và một số vật dụng như ti-vi, xe gắn máy…); có 112 hộ thanh niên đồng bào DTTS nghèo, cận nghèo đã vươn lên thoát nghèo; 121 hộ thanh niên đồng bào DTTS đã thay đổi nếp nghĩ, bỏ dần những phong tục lạc hậu.

Chị Siu H’Ten, Phó Bí thư Huyện đoàn Sa Thầy cho biết, trong năm 2024, Huyện đoàn tiếp tục triển khai cuộc vận động "Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào DTTS, làm cho đồng bào DTTS vươn lên thoát nghèo bền vững" gắn với các phong trào lớn của thanh niên trong năm như: "Ngày thứ bảy tình nguyện", "Ngày chủ nhật xanh", "Tình nguyện Mùa đông, Xuân tình nguyện", Tháng Thanh niên, Chiến dịch Thanh niên tình nguyện hè… Các cấp đoàn chú trọng tổ chức các hoạt động ý nghĩa này tại những địa bàn vùng dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa.

Huyện đoàn tiếp tục phối hợp với các đơn vị liên quan, tổ chức các lớp tập huấn chuyển giao tiến bộ khoa học-kỹ thuật, khởi nghiệp cho đoàn viên, thanh niên đồng bào DTTS; định hướng thanh niên đồng bào DTTS phát triển kinh tế, thay đổi tư duy trong sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa. Các cấp bộ đoàn tiếp tục hỗ trợ các hộ gia đình đồng bào DTTS xây dựng và phát triển các hình thức tổ hợp tác thanh niên, tổ tiết kiệm và vay vốn, các mô hình liên kết phát triển kinh tế phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương.

PHƯƠNG THẢO