Để nhân dân giàu có, nông thôn văn minh
Xây dựng nông thôn mới (NTM) luôn cần có sự tham gia của người dân và cộng đồng để chương trình đi đúng trọng tâm, trọng điểm nhằm giải quyết tốt những yêu cầu phát triển kinh tế, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân ở các địa phương. Với tinh thần chủ động, sáng tạo, người dân không chỉ góp phần tạo nên những thành tựu trong sản xuất, phát triển kinh tế, mà còn gìn giữ nếp sống văn hóa, góp phần quan trọng vào xây dựng hệ thống chính trị - xã hội vững mạnh, bảo đảm an ninh trật tự tại các địa phương.
Giảm nghèo bền vững
Với mong muốn không ngừng cải thiện điều kiện sống, kinh tế cho người dân, thời gian qua các địa phương trong tỉnh Quang Ninh đã triển khai nhiều chương trình, giải pháp để đồng hành cùng nhân dân thoát nghèo, làm giàu. Một trong những việc làm hiệu quả, thiết thực là nhân rộng các mô hình kinh tế phù hợp với từng hộ gia đình, từng bước thay đổi thói quen canh tác, sản xuất, áp dụng khoa học kinh tế để nâng cao giá trị của các sản phẩm đặc trưng.
Xác định nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho người dân là mục tiêu quan trọng, TP. Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh đã tích cực tuyên truyền, vận động người dân tích cực cải tạo đất trống, vườn tạp để nuôi, trồng những cây, con giống có giá trị kinh tế cao. Các đơn vị trên địa bàn tích cực hỗ trợ vốn, cây, con giống, phân bón, hướng dẫn kỹ thuật cho các hộ thực hiện mô hình trồng trọt, chăn nuôi tập trung, phát triển kinh tế trang trại, gia trại, thành lập hợp tác xã (HTX), phát triển sản phẩm OCOP để nâng cao thu nhập.
Anh Lý Sinh Tân, (thôn Phủ Liễn, xã Đồng Sơn, TP. Hạ Long) cho biết: “Thực hiện chương trình xây dựng NTM, gia đình tôi đã đăng ký với xã triển khai mô hình nuôi gà Tiên Yên thương phẩm với quy mô 5.000 con. Được hỗ trợ về giống và được tham gia học hỏi kinh nghiệm thực tế tại huyện Tiên Yên, đến nay gia đình tôi đã triển khai hiệu quả mô hình này, đời sống gia đình cơ bản ổn định hơn trước”.
Để nâng cao thu nhập bền vững cho người dân, tỉnh Quảng Ninh đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông thôn. Theo đó tỉnh đã hỗ trợ đa dạng hóa sinh kế; xây dựng, phát triển các mô hình giảm nghèo hiệu quả; hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp thông qua chuỗi liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản; thực hiện các mô hình, tập huấn kỹ thuật… Tỉnh triển khai hiệu quả các chương trình hỗ trợ dinh dưỡng, chăm sóc bà mẹ, trẻ em, nhằm nâng cao thể trạng, tầm vóc, chống suy dinh dưỡng; tăng cường hướng dẫn chất lượng bữa ăn học đường và giáo dục chăm sóc dinh dưỡng; nâng cao năng lực y tế cho nhân viên y tế thôn, bản…
Cùng với đó, tỉnh tiếp tục hỗ trợ phát triển giáo dục nghề nghiệp, việc làm bền vững; truyền thông và giảm nghèo về thông tin; nâng cao năng lực, giám sát, đánh giá công tác giảm nghèo. Đặc biệt tỉnh thực hiện đầy đủ, kịp thời, chính xác các chính sách hỗ trợ của trung ương, của tỉnh đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo về đào tạo nghề, trợ giúp pháp lý, bảo hiểm y tế, giáo dục, tín dụng ưu đãi…
Thúc đẩy phát triển sản xuất
Xác định phát triển sản xuất là một trong những giải pháp then chốt để giúp người dân, nhất là người dân ở khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa có việc làm ổn định, nâng cao thu nhập, Quảng Ninh đã huy động mọi nguồn lực giúp người dân phát triển sản xuất, tránh tư tưởng trông chờ, ỷ lại.
Để đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn, tỉnh dành nguồn vốn tín dụng ưu đãi, khuyến khích các tổ chức tín dụng cho vay đối với nông nghiệp, nông dân, nông thôn; hỗ trợ tín dụng cho các HTX, doanh nghiệp, hộ nông dân phát triển sản xuất, kinh doanh; nâng cao khả năng tiếp cận tín dụng.
Giai đoạn 2021-2023, tỉnh đã ưu tiên dành 240 tỷ đồng ngân sách ủy thác qua Ngân hàng CSXH cho người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), miền núi, biên giới, hải đảo vay vốn phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập. Qua đó góp phần hoàn thành trước 3 năm Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 theo tiêu chí của trung ương và triển khai áp dụng quy định chuẩn nghèo đa chiều trên địa bàn tỉnh cao hơn quy định của trung ương.
Tỉnh tiếp tục triển khai hiệu quả chương trình OCOP và Đề án “Phát triển doanh nghiệp, khởi nghiệp sáng tạo và phát triển sản phẩm chủ lực, xây dựng thương hiệu của tỉnh giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030”. Trong đó, phát triển sản phẩm OCOP theo chiều sâu, xây dựng thương hiệu và nâng cao giá trị gia tăng, khả năng cạnh tranh; xây dựng, nhân rộng và liên kết các mô hình sản xuất nông, lâm kết hợp, gắn với phát triển đa dạng sản phẩm du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp theo hướng bền vững.
Bên cạnh đó, tỉnh tập trung phát triển các khu ứng dụng công nghệ cao tại thị xã Đông Triều, huyện Đầm Hà, huyện Tiên Yên và vùng sản xuất tập trung về chăn nuôi, trồng trọt, thủy sản, nhằm giải quyết việc làm cho người lao động, nâng cao thu nhập cho người dân.
Tỉnh thực hiện chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025, gắn với bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống theo hướng bền vững, bao trùm, đa giá trị. Trong đó, tỉnh sẽ tập trung 8 nhóm giải pháp theo Đề án “Phát triển du lịch cộng đồng bền vững trên địa bàn tỉnh đến năm 2025”, trọng tâm là phát triển du lịch cộng đồng theo hướng bền vững, có trọng tâm, trọng điểm; phát huy giá trị các di tích văn hóa, lịch sử, danh lam thắng cảnh; kết nối các sản phẩm đặc thù tạo thành chuỗi góp phần thay đổi nhận thức về sinh kế, giảm nghèo bền vững cho người dân.
Thời gian tới, các địa phương trong tỉnh tiếp tục chú trọng các giải pháp phát triển kinh tế, khai thác hiệu quả hơn nữa tiềm năng sẵn có của địa phương qua việc đầu tư xây dựng các mô hình sản xuất nông nghiệp tiên tiến, hiện đại, gắn sản xuất với chế biến, tiêu thụ sản phẩm. Đồng thời đẩy mạnh phát triển ngành nghề công nghiệp, dịch vụ, từ đó tạo việc làm và nâng cao thu nhập, ổn định đời sống cho người dân.