Gương sáng

Đưa hình ảnh, bản sắc văn hóa dân tộc vươn xa

K.V 24/05/2024 - 06:42

Bằng tình yêu với văn hóa truyền thống, sự tìm tòi, dám nghĩ, dám làm, chị Lý Thị Xuân, khu 4, thị trấn Pác Mjầu (Bảo Lâm, Cao Bằng) đã đưa những chiếc váy áo thân thuộc hàng ngày của người phụ nữ dân tộc Mông trở thành hàng hóa giá trị, góp phần giữ gìn được bản sắc văn hóa dân tộc.

Xưởng may của chị Lý Thị Xuân, nơi chị tự may những trang phục dân tộc.

Đến huyện Bảo Lâm, khi hỏi về trang phục dân tộc Mông, mọi người đều giới thiệu đến địa chỉ gia đình chị Lý Thị Xuân, dân tộc Mông, ở khu 4, thị trấn Pác Mjầu (Bảo Lâm). Công việc dệt may thổ cẩm được chị Xuân bắt đầu thực hiện vào năm 2001. Khởi đầu từ những chiếc váy áo đơn giản được chị may và bày bán ở chợ huyện, sau này với niềm đam mê, sáng tạo với những chiếc áo, váy truyền thống, chị Xuân mạnh dạn vay 500 triệu đồng từ ngân hàng để mua 2 máy dập vải thổ cẩm, hỗ trợ cho việc sản xuất đại trà.

Chị Lý Thị Xuân chia sẻ: một bộ trang phục nữ của phụ nữ dân tộc Mông hoàn chỉnh có giá từ 6 - 7 triệu đồng, còn trang phục cô dâu lên tới cả chục triệu đồng. Sở dĩ giá bán cao như vậy bởi việc đầu tư để làm trang phục rất công phu và tốn nhiều thời gian. Nếu một phụ nữ thêu giỏi, làm liên tục mất khoảng 4 - 6 tháng mới xong, còn làm tranh thủ, tận dụng thời gian rảnh rỗi phải mất cả năm, thậm chí lâu hơn mới xong được bộ trang phục đó. Từ khi gia đình tôi đầu tư máy móc để sản xuất, hiện nay mỗi bộ trang phục hoàn chỉnh khoảng 7 - 10 ngày.

Bộ trang phục đầy đủ của người người dân tộc Mông gồm: khăn đội đầu, áo, váy, thắt lưng, tạp dề đằng trước, xà cạp, đồ trang sức. Trong cả bộ trang phục, chiếc váy chính là điểm nhấn, bộ váy được coi là thước đo tài năng của người phụ nữ Mông. Chiếc váy được thêu dệt nhiều hoa văn cầu kỳ nhất và mất nhiều công đoạn nhất trong cả bộ trang phục. Phụ nữ Mông Trắng mặc váy lanh trắng xòe xếp ly. Phụ nữ Mông Hoa mặc váy in hoa văn sáp ong với họa tiết hoa văn bắt mắt. Phụ nữ Mông Đen mặc váy ngắn màu đen xếp ly.

Theo chị Xuân, quy trình sản xuất ra một chiếc váy gồm các khâu: cắt, may, dập ly và bo chun. Với máy dập hỗ trợ, việc may những chiếc váy sẽ nhanh hơn, tuy nhiên, đối với những bộ trang phục hoàn chỉnh với đủ các chi tiết, phụ kiện và hoa văn thêu tay, đính cườm cần phải mất hơn một tháng để thực hiện có giá lên tới hàng chục triệu đồng. Cùng với đầu tư máy móc, trang thiết bị phục vụ sản xuất, chị còn nỗ lực tìm tòi, học hỏi kinh nghiệm, sưu tầm các hoa văn độc đáo, mẫu mã đa dạng. Đến nay, gia đình chị bán ra thị trường hàng nghìn bộ trang phục dân tộc Mông.

Những bộ trang phục dân tộc Mông đặc sắc do chị Lý Thị Xuân may.

Thời gian đầu mới sản xuất, chị Xuân chủ yếu bán tại các phiên chợ vùng cao. Hai năm trở lại đây, tận dụng kênh bán hàng qua mạng xã hội như facebook, zalo… chị chuyển sang bán online, theo đơn đặt hàng. Chị thường xuyên cập nhật các bài đăng, hình ảnh về các sản phẩm chị may, thêu và livestream bán hàng. Cũng từ đó, những mẫu thiết kế, sản phẩm của gia đình chị được nhiều người biết đến, khách hàng từ khắp các tỉnh, thành phố nơi có cộng đồng người Mông sinh sống và có cả khách hàng nước ngoài liên hệ mua hàng.

Chị Xuân chia sẻ: Tôi rất vui khi những sản phẩm truyền thống của dân tộc mình, của quê hương mình được bạn bè quốc tế biết đến. Nhiều khách hàng khi nhận đã dành những lời khen, sự yêu thích với bộ trang phục. Họ còn chụp lại những khoảnh khắc khi mặc trang phục người Mông cho chúng tôi xem.

Ngoài sản xuất các bộ trang phục dân tộc Mông, chị còn tận dụng vải thừa để sản xuất các sản phẩm như: túi, ví, khăn tay, làm đồ lưu niệm… vừa đa dạng hóa các sản phẩm, vừa quảng bá bản sắc văn hóa dân tộc khi du khách đến với Non nước Cao Bằng.

Từ những thành công của chị Lý Thị Xuân, ở khu 4, thị trấn Pác Mjầu, huyện Bảo Lâm, có thể thấy, việc phát triển nghề may trang phục dân tộc không chỉ tạo nguồn hàng xuất khẩu ổn định cho thị trường trong và ngoài nước mà còn đưa hình ảnh, bản sắc văn hóa dân tộc vươn xa tầm quốc tế, quảng bá, bảo tồn văn hóa dân tộc trong tiến trình hội nhập quốc tế, thúc đẩy du lịch dịch vụ phát triển.

K.V