Gìn giữ những vẻ đẹp làng biển
Nước ta có 28 tỉnh, thành phố giáp biển, với khoảng 700 xã, thị trấn làm nghề khai thác biển. Trong đó nhiều làng biển theo thời gian chịu tác động rất lớn của kinh tế thị trường, tốc độ đô thị hóa. Song nhiều làng biển vẫn cố gắng giữ gìn những nét đẹp văn hóa, tinh thần, răn dạy cháu con học tập tiến bộ.
Bám biển với tinh thần lạc quan
Làng biển Lăng Cô, huyện Phú Lộc (tỉnh Thừa Thiên Huế), đã trở thành một thị trấn du lịch nghỉ dưỡng, còn giữ được những nét hoang sơ. Với lợi thế nằm trong vịnh Lăng Cô khá đẹp, có bãi tắm trong mát và bình yên. Nơi đây còn có đầm Lập An nằm cách bãi biển chừng hơn một cây số, bao quanh đầm là con đường chạy ven chân núi. Một bên là dãy Bạch Mã điệp trùng, một bên là vịnh Lăng Cô, đầm Lập An mang vẻ đẹp riêng, khó lẫn.
Đến đây, màu xanh thẳm của núi đồi, nước trong vắt hòa trộn cùng sắc lam của mây trời. Ngư dân Nguyễn Văn Hải chia sẻ, người Lăng Cô hiền hòa, mến khách. Khách đến với làng biển sẽ được tiếp đón nhiệt tình, ngắm biển, ngắm hoàng hôn, đặc biệt là thưởng thức các món ăn dân dã của vùng.
“Nơi đây, có thứ đặc sản mà chúng tôi gọi là “ngọc trời”, đó là hàu. Hàu ở đây không chỉ hấp dẫn khách từ phương xa đến, mà ngay ở những địa phương lân cận cũng rất thích”, anh Hải nhấn mạnh.
Thành phố Đà Nẵng có nhiều làng người dân sinh sống đã bám biển, sống bằng nghề biển và hình thành nên các làng chài ven biển như: Nam Ô, Mân Thái, Mỹ Khê, Thanh Khê, Thọ Quang, An Tân… Từ trong quá trình sinh tồn, những nét văn hóa của cư dân vùng biển dần được hình thành và góp phần làm đậm đà thêm bản sắc văn hóa vùng miền.
Ông Nguyễn Xíu - Tổ trưởng Tổ đoàn kết Thắng Lợi (phường Thọ Quang) cho biết, thời gian qua, hoạt động khai thác và đánh bắt hải sản của ngư dân trong tổ gặp khó khăn. Được sự quan tâm, động viên của các cấp chính quyền trong việc hỗ trợ bảo hiểm thuyền viên, bảo hiểm thân máy tàu và đầu tư, ứng dụng các trang, thiết bị hiện đại nên các thuyền viên trong tổ đều nỗ lực bám biển dài ngày.
Đến với làng chài Thọ Quang hôm nay sẽ không còn những ngôi nhà lụp xụp, thiếu vững chắc và những con đường đất gồ ghề; thay vào đó là những ngôi nhà mới khang trang cùng những con đường đổ bê tông bằng phẳng giúp người dân đi lại thuận tiện hơn. Đời sống người dân cũng ổn định hơn, những đứa trẻ được cắp sách đến trường.
Làng biển Ngư Lộc, Hậu Lộc (Thanh Hóa) bao đời bám biển, mưu sinh nhưng cũng gắng gỏi cho con cháu học hành. Với họ, biển không chỉ mang lại nguồn cá tôm, mà biển là nhà, là quê hương xứ sở. Dù nhiều lúc gặp khó khăn, hoạn nạn song họ vẫn vững tin vươn khơi với quyết tâm son sắt “giữ biển như giữ trái tim mình”. Ngư Lộc là xã đông dân nhất cả nước, với mật độ dân số 36.000 người/km2; diện tích đất nhỏ nhất Việt Nam chỉ với 0,46 km2. Đây cũng là xã duy nhất ở Việt Nam không có đất canh tác nông nghiệp.
Ông Nguyễn Văn Viễn (thôn Thắng Tây) chia sẻ: “Người dân chúng tôi biết cái thế yếu của mình về điều kiện đất đai nên nỗ lực bám biển. Do nghề đi biển thường gặp bão tố, có những người không về, gây ra cảnh tang tóc, nhưng không vì thế mà nhụt ý chí”. Còn ông Bùi Văn Dũng, chủ tàu TH-93628-TS, vừa trở về sau chuyến đi biển thu hoạch tốt, chia sẻ: “Biển cho nguồn lợi lớn, nên làng tôi nhiều tàu kiên trì bám biển. Dẫu có lúc bão giá làm chi phí tăng cao, nhưng cuộc sống mà, có lúc này lúc khác. Mọi người phải sống với tinh thần lạc quan”.
Ngư Lộc xưa có tên gọi là Diêm Phố. Cụm di tích Diêm Phố là một quần thể di tích nghè - chùa - phủ - miếu hết sức độc đáo, được người dân gìn giữ, bảo vệ. Sự độc đáo thể hiện trước hết ở sự tích hợp của các kiến trúc thờ thần và thờ phật ngay trong một không gian. Đúng như tên gọi, cụm di tích đa dạng sắc thái văn hóa tín ngưỡng bao gồm: Đền thờ Thánh mẫu, đền thờ Tứ vị thánh nương, đền thờ Đức vua thông thủy - Nẹ Sơn, đền thờ Cá Ông, chùa Liên Hoa...
Vào các ngày rằm, mùng 1, những khi lễ, Tết, xuân về, đông đảo cháu con làng biển lại tìm đến dưới mái đền, đình, chùa, miếu... thắp nén nhang thơm, thành kính dâng lễ nhằm cầu mong sức khỏe, bình an, nguồn lộc biển dồi dào sau mỗi chuyến ra khơi.
Gìn giữ ký ức xưa
Ven biển nước ta có nhiều làng biển đẹp như tranh. Người dân không chỉ nuôi dưỡng ước mộng vươn khơi, làm giàu, chinh phục sóng gió, những ngư trường lớn, mà còn góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo quốc gia. Nhiều ngôi làng ở thời hiện đại, vẫn tích cực giữ gìn nghề xưa. Chẳng hạn, nghề đan thuyền thúng ở làng biển Thọ Quang, quận Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng từng rất phát triển. Dẫu ngày nay, thuyền thúng ít được sử dụng, chỉ dành cho số lượng ngư dân đánh bắt ven bờ, trong đầm, thế nhưng một số nghệ nhân vẫn giữ nghề như giữ một di sản cha ông.
Nghệ nhân Phan Liêm (80 tuổi) chia sẻ: Trước đây, hàng trăm người ở làng làm nghề, nhưng nay chỉ còn ít vì nghề không theo kịp với tốc độ của các tàu lớn. Thế nhưng, chính nghề đan thuyền thúng là sự tìm tòi cách tiến ra khơi của các bậc tiền nhân sống nhờ biển. Để đánh bắt hiệu quả, người dân đã làm thuyền thúng theo nhiều kích cỡ khác nhau”.
Còn ông Phan Văn Sơn, lão ngư dân phường Thọ Quang, tâm sự: “Biểu tượng cá ngư ông và chiếc thuyền thúng là nét văn hóa của vùng biển này, đâu dễ gì thay thế. Dù thế nào tôi cũng quyết giữ nghề đan thuyền thúng, để cho con cháu còn biết tự hào về nghề của cha ông”.
Nhắc đến nghề làm thuyền thúng, không thể thiếu làng chài Tam Thanh - Tam Kỳ (Quảng Nam) - nơi những chiếc thuyền thúng đang trở thành biểu tượng văn hóa miệt biển. Những năm gần đây, Tam Thanh còn trở thành làng bích họa, thu hút nhiều khách du lịch đến tham quan. Hiện nhiều người dân làng chài Tam Thanh vẫn sử dụng thuyền thúng làm phương tiện khai thác hải sản, phương tiện ứng cứu nhau trước thiên tai. Làng hiện có hơn 100 bức bích họa được vẽ trên bức tường của nhiều ngôi nhà. Chủ đề của các tác phẩm lấy cảm hứng từ cuộc sống sinh hoạt đời thường người dân Tam Thanh, những hoạt động thường nhật được tái hiện cực kỳ sinh động qua những nét vẽ chân thật, kết hợp gam màu bắt mắt đã tạo cái nhìn ấn tượng.
Ngoài chiêm ngưỡng các tác phẩm tranh trên tường, du khách cũng sẽ thích thú khu tham quan con đường thuyền thúng tại làng bích họa. Thay vì vẽ tranh trên tường nhà, các họa sĩ thể hiện tài năng của mình trên chiếc thuyền thúng - một vật dụng quen thuộc của ngư dân ven biển. Tất cả như cánh tay nối dài gắn bó với cuộc sống mưu sinh của ngư dân nơi đây.
Không ít ngôi làng biển ở Việt Nam đã xây dựng những bản hương ước, quy ước riêng, tiến bộ hơn phù hợp truyền thống văn hóa vùng biển nhằm xây dựng nông thôn văn minh, hiện đại. Đó là cách phát triển kinh tế biển song cũng giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống trong tiến trình xây dựng nông thôn mới.
Không công cuộc mưu sinh, lao động, bám biển vươn khơi, người dân lao động cũng mong mỏi đời sống văn hóa, tinh thần của mình được nâng cao. Nhiều làng biển vẫn gìn giữ những bộ xương Cá Ông trong các lăng mộ, gìn giữ lễ cầu cư, hát Bả trạo… chính là giữ văn hóa biển. Nhiều vùng đã chôn cất Cá Ông khi lụy bờ, xây dựng Lăng Ông, còn gọi lăng thờ Cá Ông như ngôi nhà sinh hoạt tín ngưỡng tâm linh chung của người dân.
Trong tâm thức của người dân miền biển, Cá Ông là vị thần, là ân nhân của ngư dân mỗi khi gặp tai ương trên biển. Và mỗi mùa, biển là vàng bạc, biển cho ngư dân đầy ắp cá tôm. Biển cho những cánh tay ngư dân khỏe khoắn, mạnh mẽ vươn khơi, cùng làm nên những mùa no ấm.