Đời sống

Long Phú đẩy mạnh dạy nghề và tạo việc làm

KIM NGỌC 23/05/2024 - 09:49

Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, thời gian qua, huyện Long Phú (Sóc Trăng) đẩy mạnh công tác đào tạo nghề cho người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, người lao động có thu nhập thấp, nhằm giúp cho các đối tượng trên có việc làm, tăng thu nhập, tạo động lực vươn lên thoát nghèo bền vững.

Xác định công tác đào tạo nghề, giới thiệu việc làm là nhiệm vụ quan trọng, vì thế, trong thời gian qua, huyện Long Phú tổ chức tốt các lớp dạy nghề cho người dân, góp phần nâng cao tỷ lệ người dân lao động có tay nghề, tạo việc làm, ổn định cuộc sống. Chỉ tính riêng trong năm 2023, huyện Long Phú đã giải quyết việc làm cho hơn 2.700 lao động.

hs.jpg
Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp và Giáo dục thường xuyên huyện Long Phú (Sóc Trăng) mở các lớp đào tạo nghề. Ảnh: KIM NGỌC

Trong đó, lao động làm việc có thời hạn theo hợp đồng ở nước ngoài là 28 người; đào tạo nghề cho 758 người. Theo thống kê của cơ quan chức năng, lao động sau khi được học nghề có việc làm ổn định đạt trên 95%. Trên địa bàn huyện Long Phú thời gian qua xuất hiện nhiều mô hình dạy nghề có hiệu quả, như: đan đát hàng thủ công mỹ nghệ bằng dây lục bình xã Hậu Thạnh, kết cườm xã Trường Khánh. Đa số sau khi được đào tạo nghề này đều nhận nguyên liệu về nhà, tranh thủ lúc nhàn rỗi để gia công, kiếm thêm thu nhập.

Bà Kim Thị Hoàng, ngụ ấp Trường Thọ, xã Trường Khánh chia sẻ: “Sau khi học xong nghề kết hạt cườm, tôi và người dân trong ấp nhận nguyên liệu về nhà làm gia công cho cơ sở. Tùy các sản phẩm làm ra, cơ sở thu mua với giá thỏa thuận, bình quân từ 50.000 - 100.000 đồng/sản phẩm. Nhờ có cái nghề mà tôi và nhiều người dân ở đây có việc làm, thu nhập gia đình tăng lên, cuộc sống đã bớt khó khăn hơn trước”.

Tổ hợp tác đan đát ấp Chùa Ông, xã Hậu Thạnh được thành lập năm 2019 và duy trì hoạt động cho đến nay. Số thành viên của tổ hợp tác không ngừng tăng lên. Tổ hợp tác đã giải quyết rất tốt cho chị em phụ nữ lúc nhàn rỗi kiếm thêm thu nhập để trang trải cuộc sống gia đình.

Bà Nguyễn Thị Tú Anh, ngụ ấp Chùa Ông, xã Hậu Thạnh cho biết: “Tôi tham gia Tổ hợp tác đan đát ấp Chùa Ông đã 6 năm nay. Trước đây, tôi không có việc làm ổn định do tuổi đã cao, hằng ngày chỉ ở nhà phụ lo cơm nước và đưa rước cháu đi học. Từ khi tham gia đan lục bình gia công cho tổ hợp tác tôi kiếm được từ 50.000 - 60.000 đồng/ngày. Số tiền không nhiều nhưng được cái là mình chỉ làm trong thời gian rảnh nên rất phù hợp đối với phụ nữ ở nông thôn”. Hay bà Nguyễn Thị Thệ, cũng ngụ ấp Chùa Ông, xã Hậu Thạnh, cho hay: “Nghề đan lục bình cần sự tỉ mỉ, khéo léo và cả kiên nhẫn nên phù hợp với phụ nữ chúng tôi. Trung bình cứ 2 ngày là chị em tập hợp tại Tổ hợp tác đan đát ấp Chùa Ông để nhận lục bình đem về nhà phơi khô. Mỗi lần công ty đặt hàng đan mẫu mới, các thành viên sẽ được Tổ trưởng Tổ hợp tác đan đát ấp Chùa Ông hướng dẫn kỹ thuật. Tôi thấy đây là nghề rất phù hợp với phụ nữ nông thôn để kiếm thêm thu nhập trong những lúc nông nhàn”.

Theo bà Trần Thị Ngọc Bích - Tổ trưởng Tổ hợp tác đan đát ấp Chùa Ông, trong những năm qua, tổ hợp tác đan đát giúp lao động là phụ nữ nhàn rỗi tại địa phương có thêm thu nhập. Hiện tại, bà Bích cùng các thành viên trong tổ hợp tác đang tìm cách nâng cao chất lượng sản phẩm, cố gắng làm được những mẫu mới theo yêu cầu của cơ sở đặt hàng, để đáp ứng kịp thời nhu cầu của thị trường.

Hiệu quả từ công tác đào tào nghề cho lao động nông thôn đã góp phần tích cực trong công tác giảm nghèo trên địa bàn huyện Long Phú. Trong năm 2023, số hộ nghèo giảm trên 920 hộ, giảm tỷ lệ hộ nghèo 3,37%, trong đó, hộ nghèo đồng bào Khmer giảm 410 hộ, giảm tỷ lệ 5,91%.

Để có được kết quả trên là nhờ sự quan tâm của lãnh đạo Huyện ủy, UBND huyện Long Phú, cấp ủy, chính quyền địa phương, các ban ngành, đoàn thể cấp huyện, xã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhằm nâng cao nhận thức của người dân. Đồng thời, Huyện ủy, UBND quan tâm đến Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Long Phú đảm bảo kinh phí mở các lớp đào tạo nghề.

Đồng chí Trần Văn Thuyền - Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp và Giáo dục thường xuyên huyện Long Phú, cho biết: “Trong công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn trước hết được sự chú trọng của Huyện ủy, UBND huyện chỉ đạo công tác giáo dục nghề nghiệp, đặc biệt là thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia. Kết quả năm 2023, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp và Giáo dục thường xuyên huyện đào tạo nghề cho lao động nông thôn được 758 người, vượt 2,5 lần so với chỉ tiêu, kế hoạch đã đề ra.

dan.jpg
Tổ hợp tác đan đát ấp Chùa Ông, xã Hậu Thạnh, huyện Long Phú (Sóc Trăng) giải quyết việc làm cho phụ nữ nhàn rỗi ở địa phương. Ảnh: KIM NGỌC

Bên cạnh đó, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp và Giáo dục thường xuyên huyện phối hợp với UBND các xã, thị trấn, các ban ngành, đoàn thể huyện đã rà soát các đối tượng học nghề, kết quả đã giải quyết việc làm, có việc làm sau học nghề đạt trên 95% so với chỉ tiêu nghị quyết đề ra. Đồng thời, Huyện ủy, UBND huyện chỉ đạo tăng cường công tác giải ngân sớm các chương trình mục tiêu quốc gia để đạt chỉ tiêu năm 2023 đã đề ra.

Trong năm 2024, để thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp và Giáo dục thường xuyên huyện triển khai kế hoạch phối hợp với các xã, thị trấn đẩy mạnh tuyên truyền về công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn và cũng tiếp tục thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia, nhất là các xã có đông đồng bào dân tộc thiểu số.

Đồng thời, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp và Giáo dục thường xuyên huyện quan tâm nhiều đối tượng hộ nghèo, hộ cận nghèo để thực hiện tốt chương trình giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới. Song song đó, ngoài việc rà soát, tổng hợp danh sách hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn huyện, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp và Giáo dục thường xuyên huyện còn phối hợp với các xã, thị trấn thực hiện các quyết định phân khai chỉ tiêu để cho các địa phương thực hiện và hoàn thành kế hoạch đào tạo nghề của năm 2024 đã đề ra”.

Như vậy, công tác đào tạo nghề của huyện Long Phú trong thời gian qua đã tạo được sự đồng thuận, đáp ứng được nhu cầu và nguyện vọng của lao động nông thôn, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Qua đó, người lao động ở nông thôn đã tìm được việc làm, cải thiện thu nhập cho bản thân, gia đình và xã hội, góp phần thực hiện tốt công tác giảm nghèo của địa phương.

KIM NGỌC