Chuyện người Mông Hồng Thái nuôi bò
Tại xã Hồng Thái, (huyện Na Hang, tỉnh Tuyên Quang), dự án vay bò cái trả bê luân phiên đang giúp những gia đình người Mông ngày một thoát nghèo.
Hiệu quả từ một chương trình
Nằm cách trung tâm xã Hồng Thái gần 8 km, thôn Khuổi Phầy ẩn hiện giữa những dãy núi tai mèo cao chót vót, đường vào thôn đẹp như một bức tranh thủy mặc.
Xuất hiện đón chúng tôi, anh Hoàng Văn Vàng, người Mông, giọng nói lơ lớ nhưng rất vui vì gia đình anh chính thức được công nhận đã thoát nghèo. Anh Vàng kể, gia đình có 14 nhân khẩu, đứng top đầu về số lượng thành viên, nhưng kinh tế thì đứng top cuối của xã, gia đình quanh năm luôn trong tình trạng thiếu lương thực, cuộc sống bế tắc tưởng chừng không có lối ra.
Đàn bò của gia đình anh Hoàng Văn Vàng, thôn Khuổi Phầy, xã Hồng Thái (Na Hang).
Đầu năm 2017, anh Vàng được nhận 1 con bò cái theo Quyết định 141 của UBND tỉnh về vay bò cái, trả bê cái nằm trong chương trình do Quỹ Thiện Tâm thuộc Tập đoàn VinGroup tài trợ, thực hiện luân phiên cho các hộ nghèo. Anh kể, cả gia đình vui lắm, nhiều ngày mất ngủ, hôm đi nhận bò ở xã buổi sáng, dắt về đến nhà thì đêm hôm đó bò sinh một con cái đầu tiên. Chuyện tưởng như mơ nhưng đó là sự thật, ai cũng mừng cho gia đình. Là người chịu khó, để có thức ăn, anh Vàng còn chủ động cải tạo vườn tạp, trồng cỏ voi, làm chuồng trại cho bò để tránh rét vào mùa đông và thoáng mát vào mùa hè. Anh cũng là hộ gia đình đầu tiên trả bò cái con cho chương trình. Với uy tín của mình, đến đầu năm 2019 anh Vàng cũng tiếp tục được hỗ trợ thêm 2 con bò cái nữa theo Quyết định số 283 của UBND tỉnh để nuôi sinh sản.
Chỉ tay về phía đồi xa, anh Vàng cho biết: Gia đình anh giờ có 7 con bò, nhiều nhất thôn Khuổi Phầy. Gia đình kinh tế khấm khá do các con đã đến tuổi lao động đi làm ở các công ty, cuộc sống cứ thế vơi dần khó khăn. Trên triền đồi trước mặt, có biển hiệu “đồi hoa”. Anh tủm tỉm, thấy nhu cầu khách du lịch tăng cao, anh đã chủ động cải tạo để trồng các loài hoa làm điểm du lịch để du khách chụp ảnh, trông thế thôi nhưng mỗi tháng cũng mang lại thu nhập khoảng 5 triệu đồng.
Anh Vàng tâm sự, năm nay gia đình đã thoát nghèo, anh đang chăm sóc tốt 2 con bò cái con, dự tính cuối năm sẽ trả cho chương trình để cho các hộ dân khác có cơ hội thoát nghèo. Anh bảo, người Mông dù ở nơi kinh tế khó khăn, nhưng Nhà nước đã tạo điều kiện thì chỉ cần chăm chỉ chắc chắn sẽ thành công.
Đa dạng hóa các mô hình kinh tế
Trong căn nhà khang trang, Trưởng thôn Lý Văn Sàng kể, thôn Hồng Ba là 1 trong 2 thôn được nhận bò cái hỗ trợ từ chương trình, cũng nhờ bò mà nhiều hộ dân đã có của ăn của để, kinh tế khấm khá lên nhiều.
Anh Lý Văn Đanh là một trong số đó, năm nay, gia đình anh Đanh được công nhận thoát nghèo, gia đình không đông con nhưng vợ chồng anh đau ốm liên miên, khả năng lao động hạn chế nên bao năm không bao giờ đủ ăn lúc giáp hạt. Cũng được nhận bò cái hỗ trợ từ Chương trình vay bò cái trả bê cái từ đầu năm 2019, anh Đanh dành nhiều thời gian chăm sóc đàn bò, thời gian đầu, anh trải qua nhiều cú sốc bởi kinh nghiệm chưa có, bò bị lạc, lúc thì bị bệnh ngoài da khiến gia chủ cũng nhiều phen hú vía.
Anh bảo, dù khó khăn nhưng luôn được cán bộ, trưởng thôn thường xuyên giúp đỡ nên đàn bò cứ thế tăng nhanh, đến nay đã có 5 con bò. Khác với nhiều hộ dân trong thôn chỉ lai tạo bò đơn thuần, anh Đanh lại chủ động cải tạo nguồn gen bằng giống bò nhập ngoại, nhờ đó đàn bò của gia đình có trọng lượng, chiều cao vượt trội. Anh dí dỏm, do khối lượng lớn nên thức ăn cũng nhiều hơn nhưng gia đình luôn có 1.000 m2 cỏ để làm thức ăn. Cuối năm nay, ngoài trả bò, gia đình cũng bán thêm 2 con, lấy vốn cho cậu con trai cả đi xuất khẩu lao động, từ đó nâng cao thu nhập cho gia đình.
Ông Trần Đức Tuấn, Chủ tịch UBND xã Hồng Thái cho biết: Chương trình vay bò trả bê theo 2 Quyết định 141 và 283 được triển khai tại 7 thôn trong xã Hồng Thái nhưng tập trung nhiều nhất tại 2 thôn Hồng Ba và Khuổi Phầy với đa số người Mông đang thực sự mang lại hiệu quả. Trong số 73 hộ được vay theo 2 chương trình, đến nay đã có 53 hộ thoát nghèo, góp phần thực hiện tiêu chí nông thôn mới nâng cao trên địa bàn xã.
Đang chăm sóc cánh rừng rộng 2 ha của gia đình, anh Lý Văn Đênh hồ hởi, gia đình anh có cánh rừng này cũng một phần do bán bò mà có. Anh Đênh bảo, dự kiến năm nay khi bán rừng gia đình sẽ cất căn nhà mới khang trang và mở rộng chuồng trại để chăn nuôi thêm bò sinh sản.
Chỉ tính riêng chương trình theo Quyết định 183 cho 2 thôn Khuổi Phầy và Hồng Ba thực hiện từ đầu năm 2019 đã có 6 hộ dân thoát nghèo, nhiều hộ từ nuôi bò đã có kinh tế khấm khá trong xã như gia đình anh Hoàng Văn Vàng, Lý Văn Giang (thôn Khuổi Phầy); anh Lý Văn Đanh, Lý Văn Đê (thôn Hồng Ba). Với sự đa dạng các mô hình kinh tế, mỗi năm cho thu nhập khoảng 50 đến 70 triệu đồng.
Chủ tịch Hội Nông dân xã Hồng Thái Triệu Văn Thiên kể, người Mông hôm nay thật sự đã thay đổi tư duy, thay vì cố hữu với những cách làm kinh tế cũ thì hiện nay, người dân đã dần bén duyên với chăn nuôi gia súc lớn, tự ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, vươn lên làm giàu trên chính mảnh đất quê hương. Tương lai không xa, với điều kiện đất đai màu mỡ, diện tích đồng cỏ lớn, chắc chắn sẽ xuất hiện nhiều hơn các mô hình kinh tế từ nuôi bò sinh sản mang lại hiệu quả, nâng cao thu nhập cho người dân.