Văn hóa

Đặc sắc nghề dệt thổ cẩm của đồng bào dân tộc Lào ở Mường Luân

Hương Hiền – Phương Nam 22/05/2024 - 05:34

Đến bản Mường Luân, xã Mường Luân, huyện Điện Biên Đông (tỉnh Điện Biên) vẫn nghe lách cách thoi đưa trên những ngôi nhà sàn truyền thống của đồng bào dân tộc Lào sinh sống nơi đây.

Những người phụ nữ Lào ở Mường Luân vẫn hàng ngày cần mẫn duy trì nghề dệt thổ cầm truyền thống của dân tộc mình. Nhờ đó mà tinh hoa nghề dệt thổ cẩm của đồng bào dân tộc Lào được lưu giữ và trao truyền qua nhiều thế hệ mai sau.

PNA_1144.jpg
Những người phụ nữ dân tộc Lào vẫn hàng ngày cần mẫn, tỉ mẫn bên khung cửi giữ nghề truyền thống. Ảnh: Phương Nam

Những tấm vải thổ cẩm của đồng bào dân tộc Lào trải qua rất nhiều công đoạn, từ lên ý tưởng, họa tiết đến việc chọn sợi, nhuộm màu... tất cả được làm hết sức tỉ mỉ, thủ công với những công cụ thô sơ, nên chỉ những người phụ nữ mới kiên trì làm được.

PNA_1182.jpg
Những tấm vải thổ cẩm với những họa tiết hoa văn sặc sở được người phụ nữ Lào sáng tạo ngay trên khung cửi. Ảnh: Phương Nam

Mỗi nét hoa văn thổ cẩm trên trang phục của đồng bào dân tộc Lào là tinh hoa văn hóa dân gian đã được chọn lọc, gìn giữ và truyền lại qua nhiều đời. Ngoài chức năng làm đẹp, các họa tiết trên trang phục còn mang ý nghĩa bảo vệ sức khỏe cho chính người sử dụng trang phục.

PNA_1204.jpg
Họa tiết, hoa văn trên tấm thổ cẩm thể hiện sự khéo léo, sáng tạo, tỉ mỉ mà chỉ người phụ nữ mới có được. Ảnh: Phương Nam

Trang phục của đồng bào dân tộc Lào có nhiều màu sắc như trắng, hồng, vàng, tím, xanh được nhuộm bằng vỏ, lá cây rừng. Mặc dù ngày nay, trên thị trường có nhiều loại chỉ, sợi vải làm bằng công nghiệp rất đẹp. Nhưng để tạo ra tấm vải thổ cẩm đẹp, đặc trưng của dân tộc Lào, thì phải được dệt từ những sợi tơ tằm, vì vậy đồng bào Lào ở Mường Luân còn trồng dâu, nuôi tằm, tự kéo sợi và nhuộm màu theo cách truyền thống.

PNA_1200.jpg
Thổ cẩm của đồng bào dân tộc Lào chủ yếu được sử dụng trong đời sống hàng ngày như váy áo, chăn, đệm. Ảnh: Phương Nam

Chủ đạo trong các mẫu họa tiết hoa văn trong thổ cẩm của dân tộc Lào là hình người và con chim 2 đầu, đây là hai họa tiết không thể thiếu, ngoài ra còn nhiều họa tiết khác như con công, con rồng, con hươu, con voi, con rắn hay hình chùa tháp... Đây là những mẫu họa tiết hoa văn khó cần phải học và mất rất nhiều thời gian mới hoàn thành. Tuy nhiên, mỗi người dệt đều có thể sáng tạo nên hoa văn theo sở thích của cá nhân nhưng đều thể hiện sự tỉ mỉ, khéo léo, sáng tạo của người phụ nữ dân tộc Lào.

PNA_1217.jpg
Ngày nay, đồng bào dân tộc Lào còn sản xuất ra nhiều sản phẩm để phục vụ nhu cầu của thị trường và khách du lịch đến với Điện Biên như khăn, tấm trải bàn... Ảnh: Phương Nam

Phần lớn thổ cẩm người Lào làm ra là để sử dụng trong đời sống sinh hoạt hằng ngày, như: Váy, áo, khăn, đệm… Những năm gần đây, nhận thấy nghề dệt thổ cẩm, trang trí trên trang phục của dân tộc mình ngày càng được nhiều người biết đến, trở thành sản phẩm du lịch như khăn, túi, tấm trải bàn… và mang lại nguồn thu nhập ổn định, nên chị em người Lào ở Mường Luân đã cùng nhau giữ gìn và phát huy nghề truyền thống, đồng thời quảng bá nét văn hóa của dân tộc mình.

PNA_1247.jpg
Các sản phẩm của đồng bào dân tộc Lào cần được hỗ trợ tiếp thị, quảng bá để tăng thu nhập cho bà con cũng như để nghề truyền thống được bảo tồn và ngày càng phát triển. Ảnh: Phương Nam

Ông Nguyễn Văn Tăng, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Điện Biên Đông cho biết: Dệt thổ cẩm vốn là nghề truyền thống của đồng bào dân tộc Lào tại huyện Điện Biên Đông. Tuy nhiên, mặt hàng thổ cẩm dần bị mai một, bởi sản phẩm làm ra không đủ sức cạnh tranh với thị trường và bà con không có điều kiện để tiếp thị, quảng bá rộng rãi sản phẩm của mình làm ra. Do đó cần phải có sự kết nối của các cấp, các ngành, tạo điều kiện để sản phẩm của bà con đồng bào dân tộc Lào sản xuất ra có cơ hội được tiếp thị đến người dân, khách du lịch để nghề truyền thống được trường tồn với thời gian.

Hương Hiền – Phương Nam