Kinh tế

Kiên trì bám ruộng làm giàu

Lưu Phượng 20/05/2024 - 10:11

Anh Phương Văn Quyết, ở xóm Đèo Khế, xã Khe Mo (Đồng Hỷ, Thái Nguyên), là một trong những tấm gương sản xuất, kinh doanh giỏi cấp tỉnh năm 2023. Bằng sự kiên trì và ham học hỏi, từ năm 2016, anh đã tiên phong đưa các loại cây ăn quả về trồng và thuê lại ruộng đất của người dân trong vùng để mở rộng sản xuất, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Ngôi nhà anh Quyết nằm ở dưới chân một quả đồi, bốn bề là vườn cây ăn quả, trong đó nhiều nhất là chuối tiêu hồng với khoảng 5.000 gốc. Anh Quyết bảo: Người nông dân chúng tôi cần cù chịu khó chưa đủ, quan trọng là phải biết nắm bắt xu hướng thị trường, mạnh dạn đưa cây trồng mới về thay thế loại cây cũ kém hiệu quả.

1-ph7_4369_20240516054759_20240520064939.jpg
Gia đình anh Phương Văn Quyết đang có gần 100 gốc bưởi thồ cho thu nhập khá.

Hơn chục năm trước, như bao người khác, gia đình anh trồng ngô, lúa dưới ruộng và trên đồi là chè, keo. Đồng thời mở thêm cửa hàng kinh doanh vật liệu xây dựng. Thời gian đầu việc buôn bán thuận lợi nhưng sau lại khó khăn, khách vắng vì không cạnh tranh được với các đại lý lớn hơn.

Năm 2017, anh quyết định quay lại với đồng đất gia đình, tham khảo các mô hình kinh tế và đưa 1.000 cây chuối tiêu hồng về trồng thử nghiệm. Thấy chuối dễ chăm sóc, dễ bán (giá bán từ 100-200 nghìn đồng/buồng), mỗi sào thu trên 10 triệu đồng, anh tiếp tục thuê 2ha đất của người dân trong vùng để trồng chuối thương phẩm. Cây chuối cứ thế phát triển mạnh trong khoảng 5 năm, được thương lái đến tận nhà thu mua, mang về cho gia đình nguồn thu nhập đáng kể.

Trong 2 năm gần đây, người dân ồ ạt trồng chuối, thị trường bão hòa, có thời điểm giá chuối giảm sâu, khó bán, anh lại về Hà Nam, Hưng Yên học hỏi mô hình trồng dược liệu, chiết xuất lấy tinh dầu. Đầu năm 2024, anh mạnh dạn chuyển 1,3ha đất trồng chuối sang cây xả, húng quế, mùi già; đồng thời đầu tư 1 bộ dụng cụ, xây dựng khu vực chiết xuất tinh dầu riêng.

Dự định sắp tới cây trồng được thu hoạch, anh sẽ thử nghiệm mẻ chiết xuất đầu tiên. Theo anh, đây là mô hình hoàn toàn mới ở địa phương nên phần lớn anh tự mày mò học hỏi và cảm thấy rất triển vọng từ mô hình này.

Cùng với chuối, cây dược liệu, gia đình anh cũng đang có 100 gốc bưởi, 200 gốc nhãn và nuôi khoảng 3 sào ốc nhồi. Anh nhận định, cây nhãn thì năm nay mất mùa, còn bưởi chủ yếu là giống bưởi thồ Hà Khê. Đây là một giống bưởi quý hiếm, được trồng nhiều ở Phú Xuyên (Hà Nội). Bưởi thồ có năng suất cao, thu hoạch sớm vào dịp Tết Trung thu, chứ không dồn dập vào dịp Tết Nguyên đán.

Ngoài ra, bưởi thồ dễ chăm sóc, ít phải bón phân và không sâu bệnh, chất lượng múi thơm ngon hơn hẳn so với các giống bưởi thông thường, nên việc tiêu thụ thuận lợi và được giá. Trung bình, mỗi cây cho thu từ 100-200 quả, giá từ 20.000-25.000 đồng/quả. Tính trung bình một năm, gia đình anh xuất bán khoảng 100 tấn quả các loại, vài tạ ốc nhồi, thu lãi khoảng 350-400 triệu đồng.

Anh Quyết cho biết: Mỗi lần đưa các loại cây mới về trồng, gia đình phản đối, hàng xóm nói ra nói vào. Nhưng tôi kiên trì theo đuổi mục tiêu, bám ruộng, vườn đồi để phát triển kinh tế với niềm tin đất không phụ công người. Tôi tập trung sản xuất theo quy trình VietGAP, tạo ra sản phẩm chất lượng, an toàn cho sức khoẻ người tiêu dùng.

Chia sẻ dự định thời gian tới, anh cho biết sẽ tiếp tục chuyển đổi sang trồng dược liệu, liên kết với một số hộ dân trong vùng để thành lập hợp tác xã. Anh cũng mong muốn các cấp, ngành chức năng quy hoạch khu vực sản xuất nông nghiệp, tăng cường tập huấn kiến thức cho người dân, nhất là với các mô hình, hướng đi mới...

Lưu Phượng