Độc đáo Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam
Vía Bà Chúa Xứ núi Sam là lễ hội dân gian truyền thống độc đáo của An Giang nói chung, TP. Châu Đốc nói riêng, chứa đựng giá trị nhân văn sâu sắc, thể hiện khát vọng của người dân hướng đến những điều tốt đẹp trong cuộc sống. Năm 2014, Lễ hội được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) công nhận đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Trong tín ngưỡng của người dân Châu Đốc nói riêng, vùng Nam Bộ nói chung, Bà Chúa Xứ núi Sam nằm trong hệ thống Thánh Mẫu, được tôn thờ trong điện thần và tổ chức các thực hành liên quan như lễ hội, tế lễ và hình thức diễn xướng dân gian khác.
Theo truyền thuyết, từ xa xưa, khi vùng núi Sam còn hoang vu, dân làng lên núi phát hiện pho tượng cổ ngồi trên bệ đá sa thạch. Thời gian đó, quân Xiêm thường xuyên quấy nhiễu nước ta. Có lần, chúng lên đỉnh núi Sam, gặp pho tượng cổ này. Dù nhiều lần ra sức khiêng tượng xuống núi nhưng cố gắng thế nào cũng không thể di chuyển được tượng.
Dân làng thấy vậy, có ý muốn “thỉnh” tượng xuống núi để gìn giữ và phụng thờ. Bao nhiêu tráng đinh lực điền được huy động, nhưng không sao nhấc pho tượng lên được. Khi các bô lão trong làng cầu khấn, thì được mách “Hãy chọn 9 cô gái đồng trinh để đưa Bà xuống núi”. Lạ thay, 9 cô gái khiêng tượng Bà đi một cách nhẹ nhàng. Xuống đến chân núi, tượng bỗng nặng trịch, không nhấc lên nổi. Dân làng hiểu rằng, Bà muốn ngự nơi đây nên đã lập miếu thờ.
Tượng Bà cao khoảng 1,65m. Theo nhà khảo cổ học người Pháp Malleret, tượng Bà thuộc loại tượng thần Visnu, tạc dáng người ngồi quý phái, vương giả. Chất liệu tượng bằng đá son, giá trị nghệ thuật cao, có thể được tạc vào cuối thế kỷ VI sau Công nguyên. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, tượng Bà Chúa Xứ núi Sam vẫn là còn là điều bí ẩn.
Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ Núi Sam diễn ra từ ngày 22 - 27/4 âm lịch, thu hút đông đảo du khách hành hương, dâng lễ và chiêm ngưỡng cảnh sắc thiên nhiên của vùng đất An Giang, được công nhận là lễ hội cấp quốc gia vào năm 2001. Lễ hội được phục dựng lại với các nghi thức truyền thống, do Ban Quản trị lăng miếu đảm trách.
Việc Bộ VH-TT&DL công nhận “Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia” thể hiện sự trân trọng đối với loại hình lễ hội dân gian đặc sắc này. Đây là lễ hội truyền thống được giữ gìn và thực hành qua nhiều thế hệ tại TP. Châu Đốc, mang đậm văn hóa của cư dân vùng Tây Nam bộ, thể hiện bản sắc và sự kế tục của cộng đồng người Kinh trong tiến trình giao lưu tiếp biến văn hóa với người Hoa, Khmer, Chăm.
Chính lễ diễn ra với các nghi thức, gồm: Lễ phục hiện rước tượng Bà từ đỉnh núi Sam xuống lăng miếu; lễ tắm Bà; lễ túc yết và xây chầu; lễ chánh tế; lễ hồi sắc. Trong khuôn khổ lễ hội có nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ đặc sắc, như: Biểu diễn lân - sư - rồng, đua thuyền; văn nghệ; biểu diễn nhạc ngũ âm Khmer, hát bội truyền thống… phục vụ người dân địa phương và khách hành hương.
Năm nay, chương trình Lễ khai hội Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ Núi Sam sẽ kết hợp Lễ kỷ niệm 10 năm Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam được đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia (2014 - 2024). Chương trình dự kiến được tổ chức vào lúc 19 giờ 30 phút, ngày 28/5 (nhằm ngày 21/4 âm lịch), tại Trung tâm thương mại Vĩnh Đông (phường Núi Sam).
“Thông qua các hoạt động Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam, TP. Châu Đốc mong muốn quảng bá, giới thiệu với bạn bè trong nước, quốc tế về tiềm năng, thế mạnh, danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử, văn hóa, con người Châu Đốc và An Giang. Qua đó, thu hút đầu tư, khách tham quan đến với vùng đất thân thiện và mến khách này” - Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP. Châu Đốc Trần Quốc Tuấn cho biết.
Hiện nay, Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam đang được Thủ tướng Chính phủ cho phép xây dựng hồ sơ trình UNESCO đề nghị công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại. Có thể thấy, Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam chứa đựng giá trị lịch sử, văn hóa hết sức to lớn, đóng vai trò quan trọng trong đời sống tâm linh của cộng đồng người dân An Giang nói riêng và Việt Nam nói chung.
Năm nay, Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ Núi Sam sẽ diễn ra từ ngày 22/5 - 3/6 (nhằm ngày 15 - 27/4 âm lịch). Trong đó, ngày 22/4 âm lịch diễn ra lễ phục hiện rước tượng Bà, tổ chức rước tượng Bà từ bệ đá Bà ngự trên đỉnh núi Sam và kết thúc tại sân khấu miếu Bà; lễ tắm Bà lúc 24 giờ, ngày 23/4 âm lịch; lễ thỉnh sắc ông Thoại Ngọc Hầu từ lăng mộ về miếu Bà (ngày 25/4 âm lịch); lễ túc yết và xây chầu (lúc 24 giờ, ngày 25/4 âm lịch), lễ chánh tế (ngày 27/4 âm lịch); lễ hồi sắc, đưa sắc ông Thoại Ngọc Hầu từ miếu Bà về lăng mộ (ngày 27/4 âm lịch). |