Chuyện bức tranh Bác Hồ với thiếu nhi giữa Thủ đô
Nhiều năm qua, người dân và du khách đã quen ngắm nhìn bức tranh cổ động khổ lớn vẽ Bác Hồ bế em bé được treo trang trọng trên mặt tiền tòa nhà Thông tin-Triển lãm thành phố Hà Nội ở khu vực ngã tư phố Đinh Tiên Hoàng-Tràng Tiền (ngay góc Hồ Hoàn Kiếm). Song, ít người biết rằng, bức họa ấy đã hiện diện ở đó gần nửa thế kỷ.
Tác giả bức tranh là một tên tuổi trong giới mỹ thuật, có phong cách giản dị, khiêm nhường. Ông là họa sĩ, nhà giáo Trần Từ Thành (sinh năm 1944 tại huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh), nguyên Phó Hiệu trưởng Trường đại học Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội.
Sinh ra và trưởng thành khi đất nước vẫn còn chiến tranh, có nhiều người thân trong gia đình tham gia kháng chiến hoặc qua đời vì bom đạn, họa sĩ Trần Từ Thành say mê với đề tài chiến tranh cách mạng, khát vọng hòa bình.
Ông được yêu mến với nhiều tác phẩm vẽ quê hương Hà Tĩnh, đồng thời sở hữu nhiều giải thưởng cao trong nước và quốc tế cho thể loại tranh cổ động.
Có thể kể đến một số tác phẩm tiêu biểu như: “Hòa bình hữu nghị” (Giải thưởng đồ họa quốc tế 1985), “Truông Bồn”, “Đèo Ngang”, “Ngã ba Đồng Lộc” (Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc 1995), “Trăng quan họ” (Giải thưởng của UNESCO năm 2011)...
Nhưng có lẽ tác phẩm thành công nhất của ông, để lại ấn tượng và cảm xúc sâu đậm nhất với công chúng dù bao năm tháng qua đi chính là bức tranh cổ động nổi tiếng nằm bên bờ hồ Hoàn Kiếm.
Bức tranh ban đầu được tác giả đặt tên là “1976”, sau đổi thành “Độc lập Thống nhất - Hòa bình Hạnh phúc”, còn công chúng thường gọi là bức “Bác Hồ với thiếu nhi”.
Kể về tác phẩm để đời của mình, lão họa sĩ đã ở tuổi bát thập vẫn nhớ từng chi tiết. Sau ngày 30/4/1975 lịch sử, đất nước thống nhất, non sông nối liền một dải, họa sĩ Trần Từ Thành lúc đó là giảng viên Trường đại học Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội đã ấp ủ một tác phẩm mừng đất nước bước sang trang sử mới.
Một phần ý tưởng của ông được hình thành khi nhớ đến mong muốn của Bác Hồ trong Di chúc của Người, trong đó Bác nhắc nhiều đến thanh niên, thiếu niên, nhi đồng, nhắc đến hòa bình, độc lập, thống nhất đất nước...
Sau nhiều tháng suy nghĩ, cho đến một ngày ông tìm được cảm hứng từ những câu thơ trong bài “Ta đi tới” của nhà thơ Tố Hữu: Lòng ta chung một cụ Hồ/Lòng ta chung một Thủ đô/Lòng ta chung một cơ đồ Việt Nam.
Lựa chọn hình thức tranh cổ động, dễ hiểu và dễ phổ biến đến đại chúng, họa sĩ Trần Từ Thành bắt tay phác họa bức tranh bằng bột màu trên giấy, khổ 79x54cm, kiệm màu, kiệm nét. Tranh vẽ Bác Hồ tươi cười trìu mến ôm một em bé, phía sau nền là chú chim bồ câu ngậm cành ô-liu tượng trưng cho hòa bình.
Dáng hình bồ câu sải cánh tựa như bản đồ Việt Nam, còn con mắt mang màu cờ đỏ sao vàng nằm ở vị trí Thủ đô Hà Nội. Tranh có bố cục hài hòa và chặt chẽ, từng đường nét mềm mại và gọn gàng, tuy đơn giản mà thể hiện sâu sắc niềm vui độc lập, thống nhất của toàn dân tộc Việt Nam, cũng như hy vọng gửi gắm vào thế hệ mai sau.
Năm 1976, tác phẩm được gửi tham dự Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc tổ chức lần đầu và giành giải nhì. Danh họa Trần Văn Cẩn lúc bấy giờ là giám khảo chấm thi, đã nhận xét bức tranh cô đọng, ấn tượng, bao quát được những ý lớn: Bác Hồ với nhân dân, Bác Hồ với thiếu nhi và Bác Hồ với sự nghiệp thống nhất đất nước.
Sau khi được trưng bày cùng tác phẩm của họa sĩ khắp ba miền tại Trung tâm triển lãm Vân Hồ (Hà Nội), bức tranh được Bộ Văn hóa và Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cho in 50.000 bản, phát hành cả nước chào mừng Tổng tuyển cử bầu Quốc hội của nước Việt Nam thống nhất.
Năm 1978, bức tranh được thành phố Hà Nội in khổ lớn và treo trước tòa nhà 93 Đinh Tiên Hoàng, trở thành một trong những biểu tượng không thể tách rời của Hà Nội-Thành phố vì hòa bình suốt 46 năm qua.
Bên cạnh đó, bức tranh được tái hiện nhiều lần trên bưu thiếp, trong các công trình mỹ thuật công cộng khắp cả nước. Bản in tác phẩm được trưng bày ở các bảo tàng tại Nga, Cuba...
Thành tựu ấy, niềm tự hào lớn lao ấy có lẽ là điều họa sĩ Trần Từ Thành không dám hình dung khi còn là một thanh niên 16 tuổi mê vẽ, rời quê ra Hà Nội thi vào Trường cao đẳng Mỹ thuật (nay là Trường đại học Mỹ thuật Việt Nam).
Vượt qua 2.000 người dự thi năm đó, ông trở thành một trong số 46 thí sinh thi đỗ. Đặc biệt, khi còn là sinh viên, họa sĩ Trần Từ Thành vinh dự được gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh, cảm nhận sự uyên bác và tình cảm ấm áp của Người với mọi tầng lớp nhân dân.
Lời Bác Hồ căn dặn “Văn hóa nghệ thuật cũng là một mặt trận” theo suốt cuộc đời làm nghệ thuật của ông, thôi thúc ông nỗ lực và cống hiến. Năm 1969, họa sĩ Trần Từ Thành tiếp tục theo học chuyên ngành Đồ họa tại Trường đại học Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội rồi làm công tác giảng dạy và trở thành nhà quản lý.
Hơn 40 năm đứng trên bục giảng, ông góp phần đào tạo nhiều thế hệ nhà thiết kế, họa sĩ cho các cơ sở đào tạo mỹ thuật ở Hà Nội, Huế, Thành phố Hồ Chí Minh. Họa sĩ Trần Từ Thành chính là người thiết kế mẫu thẻ Đảng được hàng triệu đảng viên sử dụng trong 20 năm qua.
Ngoài bức vẽ “Bác Hồ với thiếu nhi”, ông còn sáng tác hơn 20 tác phẩm đặc sắc khác về Bác, có thể kể đến như: Bức tranh lụa “Bác đi chiến dịch ở Việt Bắc” (lưu trữ tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia); tranh sơn mài “Nhật ký Khuổi Nậm”; tranh sơn dầu “Ngày về”...
Năm 2019, bản gốc bức tranh “Bác Hồ với thiếu nhi” được tác giả trao tặng Bảo tàng Hồ Chí Minh, để di sản được tôn vinh và lan tỏa tinh thần yêu tự do, yêu chuộng hòa bình, chăm lo cho thế hệ tương lai của Bác.
Hằng năm, vào các dịp kỷ niệm trọng đại của đất nước như sinh nhật Bác (19/5), Quốc khánh (2/9), giữa dòng người tấp nập qua lại trung tâm Thủ đô, họa sĩ Trần Từ Thành đều dành thời gian đến và lặng lẽ đứng một góc Bờ Hồ để ngắm nhìn bức tranh.
Ông thổ lộ, đời người nghệ sĩ không gì hãnh diện hơn khi tác phẩm của mình gắn liền với góc phố lớn của Hà Nội, được nhiều người yêu mến, du khách nước ngoài thích thú chụp ảnh. Bức tranh “Bác Hồ với thiếu nhi” đã đi vào cuộc sống thường nhật như một điều giản dị, tự nhiên không thể thay thế.