Gương sáng

Chuyện về đảng viên dân tộc Dao được gặp Bác Hồ

Trần Tuấn Ngọc 18/05/2024 - 09:19

Năm nay 85 tuổi nhưng ông Hoàng Tiến Xiêm, dân tộc Dao, thôn Tân Trúc, xã Tân Thượng, huyện Văn Bàn vẫn nhớ từng lời Chủ tịch Hồ Chí Minh nói với mình và các đại biểu người dân tộc thiểu số khi ông vinh dự được về Hà Nội gặp Bác năm 1963. Những lời Bác dặn trở thành “kim chỉ nam” để ông nỗ lực học tập, phấn đấu, cống hiến cho quê hương.

Bác dặn đảng viên phải cày ruộng sâu, chọn việc khó

Trong chiếc tủ gỗ nhỏ của gia đình ông Hoàng Tiến Xiêm, dân tộc Dao, thôn Tân Trúc, xã Tân Thượng, huyện Văn Bàn, tài sản quý nhất và luôn được giữ gìn như “báu vật” là tấm ảnh đen trắng có đoàn đại biểu tỉnh Lào Cai chụp cùng Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch năm 1963 và tập thơ “Nhật ký trong tù” của Bác Hồ.

Ngoài ra, còn có 2 tờ giấy đã ngả vàng theo thời gian là giấy mời của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Ban Tổ chức Lễ Quốc khánh mời ông tham dự tiệc chiêu đãi nhân dịp kỷ niệm 18 năm Ngày thành lập Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Lễ kỷ niệm Quốc khánh 2/9.

2.jpg
1.JPG
Ông Hoàng Tiến Xiêm trân trọng gìn giữ tấm ảnh đoàn đại biểu tỉnh Lào Cai và các tỉnh miền núi phía Bắc chụp với Bác Hồ năm 1963.

Ông Hoàng Tiến Xiêm rưng rưng nhớ lại những kỷ niệm cách đây đã 61 năm: Năm 1963 tôi là Bí thư Chi bộ đầu tiên của xã Tân An, huyện Văn Bàn. Nhận được giấy mời của Trung ương về dự Lễ kỷ niệm Quốc khánh 2/9 tại Thủ đô Hà Nội và sẽ được gặp Bác Hồ, tôi phấn khởi lắm. Ngay trong đêm hôm đó, tôi cùng 4 cán bộ của huyện Văn Bàn về Yên Bái cùng đoàn công tác của tỉnh lên đường tới Thủ đô. Vượt chặng đường xa đầy gian khó, sáng 1/9/1963, đoàn công tác của tỉnh Lào Cai và các tỉnh miền núi phía Bắc đến tham quan Phủ Chủ tịch.

Ông Xiêm nhớ lại: Hôm ấy, 130 đại biểu tập trung trong Hội trường Phủ Chủ tịch thì Bác Hồ đến. Thấy dáng hình quen thuộc của Bác với bộ quần áo ka ki trắng, đôi dép cao su, không ai bảo ai, tất cả đều đứng dậy đồng loạt vỗ tay chào đón Bác. Khi đó, tôi mặc bộ quần áo truyền thống của dân tộc Dao, lại đứng ở gần cửa, nên là người đầu tiên được Bác Hồ bắt tay và hỏi chuyện. Bác hỏi: Cháu ở đâu? Dân tộc gì? Cháu vào Đảng chưa? Vào hợp tác xã chưa? Đang làm công việc gì? Khi biết tôi là cán bộ người Dao ở huyện Văn Bàn, Bác quý lắm. Bác dặn “Cán bộ, đảng viên thì phải cày ruộng chỗ khó, chỗ lầy trước, còn chỗ gần để cho phụ nữ, người già…”.

Theo lời ông Xiêm, trong cuộc trò chuyện với các đại biểu hôm đó, Bác Hồ bảo, Bác là Chủ tịch nước nhưng không phải là vua chúa gì, đều là người dân tộc Việt Nam. Bác Hồ nói rất nhiều về công cuộc kháng chiến chống Mỹ giải phóng miền Nam, việc xây dựng Chủ nghĩa Xã hội ở miền Bắc, đặc biệt là trách nhiệm của cán bộ, đảng viên với dân, với nước… Bác còn tặng kẹo cho các đại biểu và dặn mang về cho người già, trẻ nhỏ ở quê.

Trong lần về thủ đô Hà Nội dự Lễ kỷ niệm Quốc khánh 2/9 và được gặp Bác Hồ, ông Xiêm được Bác tặng 1 huy hiệu, 1 chiếc quạt, 1 tập thơ “Nhật ký trong tù” do Bác sáng tác. Buổi chiều 1/9/1963, ông còn vinh dự được dự bữa tiệc chiêu đãi có Bác Hồ đến ăn cơm cùng đại biểu các tỉnh miền núi phía Bắc. Những kỷ niệm ấy ông Xiêm không bao giờ quên được. Mỗi dịp tháng 5 kỷ niệm ngày sinh nhật Bác, ông lại nhớ Bác, nhớ những kỷ niệm xưa.

Nỗ lực làm tròn trách nhiệm người cán bộ, đảng viên

Sau lần được về thủ đô Hà Nội dự Lễ kỷ niệm Quốc khánh 2/9 và được gặp Bác Hồ, ông Hoàng Tiến Xiêm trở về xã Tân An, huyện Văn Bàn với nhiều cảm xúc. Những lời dặn của Bác trở thành động lực to lớn để ông tiếp tục cố gắng, nỗ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ của người cán bộ, đảng viên.

Thời điểm năm 1963, đồng bào miền Nam đang trong cuộc kháng chiến chống Mỹ đầy cam go, Nhân dân miền Bắc vừa tăng gia sản xuất, xây dựng Chủ nghĩa Xã hội, vừa ủng hộ miền Nam chống Mỹ để giải phóng dân tộc. Là Bí thư Chi bộ xã Tân An, phát huy sức trẻ, ông Hoàng Tiến Xiêm cùng các cán bộ, đảng viên và Nhân dân ra sức thi đua lao động, sản xuất thật nhiều lương thực, thực phẩm cho hợp tác xã. Cùng với tăng cường sản xuất lúa, ông vận động Nhân dân mạnh dạn trồng nhiều loại cây trên vùng đất khô cằn như dứa, chuối tiêu, ý dĩ.

3.JPG
Ông Hoàng Tiến Xiêm sao chép những cuốn sách cổ của người Dao.

Năm 1964, tổng sản lượng lương thực toàn xã Tân An đạt 140 tấn, tăng 60 tấn so với năm 1960, trong đó sản lượng thóc đạt 132 tấn (thóc ruộng và thóc nương); sản lượng ngô đạt 8 tấn, tăng 3 tấn so với năm 1960. Toàn xã có 70 con trâu, trên 200 con lợn, 170 con dê, 1.200 con gia cầm; bán nghĩa vụ cho Nhà nước 6,7 tấn lợn hơi, gần 2 tấn gia cầm các loại. Về lĩnh vực giáo dục, từ năm 1962 đến 1964, xã Tân An xóa mù chữ cho trên 200 người.

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, Nhân dân xã Tân An tích cực ủng hộ các phong trào thi đua “Thanh niên 3 sẵn sàng”, “Phụ nữ 3 đảm đang”, với các khẩu hiệu “Ruộng rẫy là chiến trường, cuốc cày là vũ khí, nhà nông là chiến sĩ”, “Hậu phương thi đua với tiền phương”, “Tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”.

Thời điểm năm 1965, xã Tân An có 4 hợp tác xã với 9 đội sản xuất. Từ 1965 đến 1975, xã Tân An góp trên 100 tấn lương thực, thực phẩm cho Nhà nước; hàng vạn ngày công phục vụ chiến trường; 30 thanh niên lên đường nhập ngũ chiến đấu bảo vệ Tổ quốc.

4.JPG
Ông Hoàng Tiến Xiêm quan tâm gìn giữ, trao truyền bản sắc văn hóa dân tộc cho thế hệ sau.

“Là Bí thư Chi bộ xã Tân An, tôi luôn lấy lời dặn của Bác Hồ để nhắc nhở, động viên cán bộ, đảng viên và Nhân dân học tập, làm theo, góp công, góp sức xây dựng và bảo vệ quê hương. Trong quá trình công tác, tôi còn giữ các nhiệm vụ: Trưởng Công an xã, Chủ tịch UBND xã Tân An sau đó về hưu. Năm 1989, xã Tân An chia tách thành 2 xã Tân An và Tân Thượng, tôi được tín nhiệm bầu làm Bí thư Chi bộ thôn Tân Trúc và có 15 năm làm Chủ tịch Hội Người cao tuổi xã Tân Thượng. Dù ở cương vị nào, tôi cũng nỗ lực làm theo lời Bác Hồ dạy”- ông Xiêm chia sẻ.

Giữ gìn bản sắc, chữa bệnh cứu người

Đến thăm ngôi nhà nhỏ của ông Hoàng Tiến Xiêm tại thôn Tân Trúc, xã Tân Thượng, chúng tôi hiểu hơn những nỗ lực cống hiến vì Nhân dân của ông. Từ năm 2012 đến nay, do tuổi cao, không còn công tác tại UBND xã Tân Thượng nhưng ông vẫn lao động bằng niềm đam mê và trách nhiệm với cộng đồng.

Trên chiếc bàn gỗ nhỏ- nơi ông Hoàng Tiến Xiêm vẫn làm việc hằng ngày- luôn được xếp gọn gàng rất nhiều tập sách viết bằng chữ nôm Dao. Trong đó, có những cuốn sách cổ giấy đã ngả sang màu vàng của thời gian và những cuốn sách mới, nét chữ còn thơm mùi mực. Ngày nào cũng vậy, ông Hoàng Tiến Xiêm đều miệt mài với công việc đọc sách và sao chép những cuốn sách cổ với nhiều truyền thuyết, truyện cổ người Dao, các bài cúng, bài truyền dạy đạo lý làm người. Những cuốn sách mới chép này, ông dành tặng cho nhiều học trò ở khắp nơi và viết theo đặt hàng của các hộ gia đình, các xã trong và ngoài tỉnh.

Nhiều năm nay, mỗi khi được bà con trong và ngoài huyện tin tưởng mời, ông Hoàng Tiến Xiêm đều tận tâm giúp thực hiện các nghi lễ cúng quan trọng trong cộng đồng người Dao, như: lễ cấp sắc, giải hạn, vào nhà mới, cầu mong may mắn cho trẻ em, người già… Có những người từ các tỉnh như Yên Bái, Phú Thọ, Hà Nội, Thái Bình lên tận nhà mời, ông cũng sẵn lòng giúp đỡ, không quản ngại khó khăn.

5.JPG
6.JPG
Ông Hoàng Tiến Xiêm học hỏi, sưu tầm được nhiều bài thuốc quý.

Cuộc trò chuyện giữa tôi với ông Xiêm thi thoảng lại bị gián đoạn bởi những cuộc điện thoại. Hỏi thêm, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng khi ông còn là một thầy thuốc tận tâm với những bài thuốc quý đã giúp nhiều người bị đau ốm khỏi bệnh.

Lúc chia tay tôi, ông Hoàng Tiến Xiêm tâm sự: Cuộc đời tôi may mắn nhất là được gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh và nghe những lời chỉ dạy của Người. Những lời Bác dạy luôn soi đường, chỉ lối, là động lực giúp tôi vượt qua những lúc khó khăn nhất để làm tròn trách nhiệm với Đảng, với Bác, với Nhân dân.

Trần Tuấn Ngọc