Làm giàu từ trồng cây ăn quả
“Năng động, nhạy bén, dám nghĩ, dám làm” là nhận xét của mọi người về chị Phùng Thị Phượng (sinh năm 1988) hội viên Chi hội Phụ nữ thôn Xóm Mới, xã Chi Lăng, huyện Chi Lăng, Lạng Sơn. Chị được mọi người biết đến với mô hình trồng cây ăn quả cho thu nhập trên 450 triệu đồng/năm.
Chúng tôi có dịp đến tham quan mô hình kinh tế của gia đình chị Phùng Thị Phượng khi chị đang tất bật chăm sóc na. Chị Phượng chia sẻ: Tôi sinh ra và lớn lên trong gia đình thuần nông tại xã Chi Lăng, huyện Chi Lăng. Năm 2007 tôi lập gia đình. Khi đó, kinh tế gia đình chủ yếu dựa vào vài sào ruộng, nương ngô nên đời sống gặp rất nhiều khó khăn. Năm 2008, thông qua Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) xã Chi Lăng, tôi vay 5 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện đầu tư mua 100 cây giống na, vải thiều, hồng Nhân Hậu để trồng, chăm sóc.
Ban đầu gia đình chị Phượng gặp nhiều khó khăn trong quá trình chăm sóc các loại cây ăn quả. Cây phát triển chậm, vàng lá, thậm chí có nhiều cây bị chết. Không nản chí, chị đã chủ động tìm tòi, nghiên cứu, học hỏi kiến thức về kỹ thuật chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh cho các loại cây ăn quả. Đồng thời, chị tích cực tham gia các lớp tập huấn về chăm sóc cây ăn quả theo hướng an toàn, VietGAP do xã, huyện tổ chức. Sau quá trình học hỏi, tích lũy kinh nghiệm, chị áp dụng vào mô hình trồng cây ăn quả của gia đình.
Nhận thấy cây na phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu tại địa phương, từ năm 2014, chị Phượng đã dùng số vốn tích góp được và vay thêm anh em, bạn bè để mở rộng trồng cây na dai trên diện tích núi đá trước đây vốn bỏ hoang. Năm 2017, gia đình chị tiếp tục chuyển đổi diện tích 1 mẫu ruộng kém hiệu quả sang trồng trên 600 cây na.
Chị Phượng cho biết thêm: Nhờ gia đình áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nên vườn na phát triển tốt, cho năng suất cao. Đến nay, gia đình tôi có trên 1.600 cây na. Ngoài na chính vụ, hằng năm gia đình còn chủ động áp dụng các biện pháp kỹ thuật sản xuất na rải vụ. Năm 2023, sản lượng na của gia đình đạt khoảng 15 tấn quả, đem lại thu nhập trên 400 triệu đồng.
Bên cạnh trồng na, từ năm 2010, gia đình chị Phượng mở rộng diện tích trồng 250 cây bưởi Diễn. Từ năm 2020 đến nay, trung bình mỗi năm gia đình chị thu hoạch từ 8 đến 9 tấn quả, đem lại thu nhập 60 triệu đồng/năm. Ngoài ra, từ năm 2019, gia đình chị còn trồng trên 1 ha bạch đàn với hơn 4.000 cây. Hiện rừng bạch đàn đang phát triển tốt, dự kiến sẽ cho thu hoạch trong khoảng 2 - 3 năm tới.
Không chỉ sản xuất giỏi, chị Phượng còn luôn gương mẫu thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm chăm sóc cây ăn quả cho các hội viên phụ nữ có nhu cầu. Ngoài ra, gia đình chị Phượng còn tạo việc làm thời vụ cho từ 3 đến 5 lao động địa phương với thu nhập từ 4 đến 5 triệu đồng/người/tháng.
Chị Lê Thị Kim Dung, Chủ tịch Hội LHPN xã Chi Lăng nhận xét: Những năm qua, chị Phượng đã khai thác và phát huy được tiềm năng, lợi thế của địa phương để xây dựng thành công mô hình trồng cây ăn quả đem lại thu nhập cao. Không chỉ làm giàu cho gia đình, chị còn tích cực chia sẻ kinh nghiệm, kỹ thuật trồng cây ăn quả cho các hộ khác, góp phần vào phát triển kinh tế – xã hội của xã.
Với những cố gắng, nỗ lực đó, chị Phượng nhiều lần được chủ tịch UBND xã tặng giấy khen vì có thành tích xuất sắc trong lao động sản xuất. Gần đây nhất, tháng 1/2024, chị vinh dự được Chủ tịch UBND tỉnh tặng bằng khen vì là nông dân có mô hình phát triển kinh tế hiệu quả, góp phần vào công tác xoá đói, giảm nghèo và tạo việc làm cho người lao động tại địa phương.